Từ người mở lối đến thủ lĩnh xưởng lắp ráp điện thoại lớn nhất Việt Nam
Thủ lĩnh là cụm từ mà những người đồng nghiệp đặt cho anh Hoàng Trung Thành, Group leader bộ phận Main G, "trái tim" của nhà máy Samsung Thái Nguyên SEVT.
Từ một trong những nhân viên đầu tiên đặt nền móng cho Samsung tại Việt Nam, tới nay, anh nắm giữ "đội quân" 8.200 người ngày đêm sản xuất ra những mẫu điện thoại tối tân nhất thế giới.
Người ‘mở lối’ ở Samsung Bắc Ninh
Năm 2008, Samsung nhận giấy phép đầu tư và bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới lúc bấy giờ tại Bắc Ninh.
Việc bắt đầu một nhà máy đầu tiên tại Việt Nam thật sự gặp rất nhiều khó khăn vì nơi đây tuy tiềm năng, nhưng chỉ mới đang ở giai đoạn đầu, còn rất sơ khai và cần rất nhiều những người đi “khai hoang, mở lối.”
Cũng trong năm 2008, lứa nhân viên kỹ thuật đầu tiên trong đó có Hoàng Trung Thành (sinh năm 1982, sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội) được tuyển về nhà máy với kỳ vọng sẽ trở thành những người đặt nền móng đầu tiên, đưa nơi đây trở thành một trong những công xưởng lắp ráp điện thoại lớn nhất thế giới.
Trong căn phòng nhỏ chừng 20m2 yên ắng, tranh thủ lúc khoảng thời gian được nghỉ ngơi, anh Thành kể rằng, cái duyên với Samsung bắt đầu từ ngày 11/8/2008. Khi ấy, chỉ sau 5 tháng Samsung nhận được giấy phép đầu tư, chàng thanh niên trẻ mới tròn 26 tuổi đến từ Phú Thọ lần đầu tiên nhận nhiệm vụ Line leader tại xưởng Main – nơi vốn được coi là "trái tim" của toàn bộ nhà máy khi đây là nơi hoàn chỉnh chiếc điện thoại để bán ra thị trường.
Thành bảo rằng, khi bắt đầu làm tại Samsung Bắc Ninh, khu nhà xưởng vẫn chưa hoàn thiện, xung quanh chỉ toàn đồng không mông quạnh. Khi công ty bắt đầu tuyển dụng nhân viên, chất lượng nhân sự chưa cao. Dây chuyền máy móc hoàn toàn mới mẻ cộng với việc thế hệ đầu tiên gần như chưa biết nhiều về điện tử khiến giai đoạn đào tạo gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng ở thời điểm đó, nhiều công đoạn phải lắp ráp hoàn toàn bằng tay khiến Thành và đồng nghiệp phải vô cùng tập trung vì chỉ cần sai sót thì lô hàng sẽ bị trả lại. Thế nhưng, nhờ sức trẻ và sự quyết tâm cao độ, anh và những cộng sự của mình đã vượt lên khó khăn để góp phần tạo nên một Samsung Bắc Ninh lớn mạnh, làm ra những chiếc điện thoại di động được gắn mác “Made in Vietnam” lần đầu tiên xuất khẩu đi thế giới.
Đó là sự khởi đầu đẹp như mơ nhưng cũng là trách nhiệm to lớn mà những nhân viên Samsung phải gánh vác khi chỉ trong 10 năm, công nghệ thế giới đã có những bước tiến vượt bậc khiến cường độ cũng như khối lượng việc đã tăng gấp nhiều lần.
Với những người thủ lĩnh như anh Thành, mỗi một sản phẩm được sản xuất tại nhà máy Samsung Việt Nam, từ chiếc điện thoại truyền thống của những năm 2008 đến những mẫu điện thoại hiện đại nhất như Galaxy S10/S10+, Note 10/Note 10+đều trải qua những quy trình kiểm nghiệm sản phẩm nghiêm ngặt để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của toàn cầu.
Tại Việt Nam thời điểm năm 2008, đa phần nhân viên còn rất trẻ, nhiều bạn chỉ vừa tốt nghiệp cấp 3 và sinh sống tại các vùng nông thôn nên sự thiếu kỷ luật và sự tập trung khi làm việc trên một dây chuyền sản xuất là điều khó khăn mà những tổ trưởng như anh Thành gặp phải.
Thế nhưng cho đến hiện tại, chất lượng nhân sự tại công ty đã được nâng cao rõ rệt. Anh Thành cho biết các nhân viên bây giờ học tập và tiếp thu rất nhanh, đôi khi chỉ cần đào tạo 2-3 tháng là có thể vận hành hệ thống trơn tru và đã có thói quen làm việc kỷ luật.
Bước chuyển mình của "thủ lĩnh" xưởng Main
Nhận thấy sản lượng tăng lên song không đáp ứng được nhu cầu, cuối năm 2013, Samsung đã thành lập nhà máy Samsung Thái Nguyên (SEVT). Để SEVT đi vào hoạt động một cách nhanh chóng và ổn định nhất, đầu năm 2014, Hoàng Trung Thành cùng một số đồng nghiệp khác lại "khăn gói" đi lên tiếp tục công cuộc ‘mở lối’ tại vùng đất mới.
Chia sẻ về quyết định vì sao lại chọn SEVT để làm nơi làm việc mới trong khi đã ổn định tại xưởng Main SEV, anh Thành cười nói: "Thời điểm đó, mình và nhiều người khác đã xung phong đi Thái Nguyên theo nguyện vọng. So với năm 2008, công việc đỡ vất vả hơn vì có kinh nghiệm rồi và mình thấy khoảng cách từ nhà mình lên đến Samsung Bắc Ninh hay Samsung Thái Nguyên cũng như nhau."
Tuy nhiên, điều khó khăn nhất với Hoàng Trung Thành khi làm việc tại SEVT chính là áp lực công việc khi mọi thứ phát triển cực nhanh. Samsung Thái Nguyên đã thừa hưởng hầu hết từ công nghệ lẫn nhân sự từ bệ phóng Samsung Bắc Ninh vì vậy khối lượng công việc đã tăng gấp nhiều lần.
Thời điểm tiếp nhận vị trí mới tại SEVT, một lần nữa cảm xúc của những ngày đầu tiên tại SEV lại tràn về, nhưng khác với năm 2008 bởi Thành có một niềm tự hào rằng, người Việt Nam đã có thể làm được những điều mà toàn thế giới kỳ vọng.
"Chúng tôi đã tự mình bắt tay vào từ việc lên layout dựng hình từng line sản xuất, nhận máy móc từ Hàn Quốc và tuyển những nhân viên đầu tiên cho SEVT. Chỉ từ khoảng 500 nhân viên đầu tiên, xưởng Main SEVT hiện nay có số lượng nhân lực lên đến gần 8.200 người,” Thành chia sẻ.
Anh Thành cũng cho hay, Việt Nam đã thực sự trở thành "cứ điểm" sản xuất toàn cầu của Samsung trên toàn thế giới. Điều đó không chỉ bởi số lượng điện thoại khổng lồ được sản xuất ở đây mà quan trọng hơn Việt Nam đã tham gia ngay từ khâu đầu tiên triển khai quá trình nghiên cứu sản xuất thử nghiệm sản phẩm trước khi sản xuất hàng loạt.
Trong giai đoạn đầu tiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng, Việt Nam chỉ tham gia khâu cuối cùng khi sản xuất hàng loạt theo hướng dẫn chi tiết của các chuyên gia Hàn Quốc. Còn hiện tại, ngay từ khâu thử nghiệm đầu tiên, chính những kỹ sư người Việt sẽ tiếp quản công nghệ từ đầu, tự nghiên cứu và sản xuất thử để cho ra những mẫu sản phẩm tốt nhất trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.
Đến thời điểm hiện tại, 50% thiết bị di động của Samsung trên thế giới được sản xuất tại Việt Nam. Ở đất nước hình chữ S, Samsung có đến 8 nhà máy, đạt doanh thu xuất khẩu hơn 60 tỷ USD và đóng góp 25% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018.
Với Thành, niềm vui sướng lớn nhất của anh trong suốt 10 năm ở Samsung Việt Nam chính là việc tận mắt thấy những chiếc điện thoại Made in Vietnam được mang ra thế giới. Ấy là câu chuyện vào cuối tháng 2/2018, Hoàng Trung Thành cùng một số đồng nghiệp khác đã có cơ hội được sang Tây Ban Nha dự lễ ra mắt sản phẩm Galaxy S9/S9+. Khi thấy những chuyên gia nước ngoài trầm trồ cầm trên tay một siêu phẩm công nghệ lúc bấy giờ, Thành run lên vì vui sướng. Niềm tự hào càng nhân lên gấp bội khi giới công nghệ biết rằng những sản phẩm này do chính tay người Việt Nam sản xuất.
Theo thống kê của Samsung, hiện những chiếc điện thoại hiện đại nhất của hãng, khoác trên mình chiếc áo “Made in Vietnam” đã được xuất khẩu đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Thành chia sẻ, đó chính là niềm kiêu hãnh, tự hào khi những sản phẩm mà Việt Nam làm ra được thế giới đón nhận.