Điểm sáng từ Samsung: Thu hút FDI tại Việt Nam

Điểm sáng từ Samsung: Thu hút FDI tại Việt Nam

Trải qua chặng đường 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam được biết đến với những thành tựu quan trọng. Trong giai đoạn này, dòng vốn ngoại đã tạo nên một “cú hích” lớn, bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển đồng thời khơi dậy sức mạnh từ trong nước để khai thác, tận dụng các tiềm năng, lợi thế.

Trong ‘hành trình’ ấy, Samsung nổi lên là một điểm sáng khi trong suốt một thập kỷ qua, doanh nghiệp này liên tục có sự tăng trưởng ấn tượng.

Những con số ‘biết nói’

Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lũy kế đến ngày 20/9/2019, cả nước có 29.854 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 358 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 206 tỷ USD, bằng 57,6% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận:

“Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài khi đi vào hoạt động đã đóng góp lớn trong chặng đường phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tỷ trọng đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã tăng dần, từ gần 15% năm 2005 lên 23,7% năm 2017. Riêng năm 2008 tỷ trọng này lên tới 30,8%.”

Ngoài ra, đóng góp của khu vực FDI vào tăng trưởng kinh tế cũng ngày càng cao. Nếu như vào giai đoạn 1986-1996, khu vực đầu tư nước ngoài khởi động với sự đóng góp chỉ 15,04% thì đến giai đoạn 2010 – 2017 mức đóng góp lên đến 27,7%. Bên cạnh đó, giá trị nộp ngân sách cũng tăng từ 1,8 tỷ USD (giai đoạn 1994 - 2000) lên 14,2 tỷ USD (giai đoạn 2001 - 2010). Đến giai đoạn 2011 - 2015, thu ngân sách của khu vực đạt 23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách. Năm 2017, khu vực FDI đã đóng góp vào thu ngân sách 8 tỷ USD, chiếm 14,46% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh các con số, các nhà đầu tư nước ngoài đã đóng góp và phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao trong xã hội, tạo ra phương thức mới trong phân phối hàng hóa, tiêu dùng, kích thích hoạt động thương mại nội địa, sử dụng lao động địa phương... Trong đó, Samsung nổi lên như một điểm sáng thành công trong việc thu hút FDI của Việt Nam.

Cụ thể, vào năm 2008, sau khi chính thức nhận được Giấy phép đầu tư, Samsung đã đặt những viên gạch đầu tiên và 10 năm sau, tập đoàn đến từ xứ sở Kim chi có sự trưởng thành lớn mạnh với những bước tiến đầu tư “ngoạn mục” từ 670 triệu USD ban đầu tăng lên gần 26 lần với 17,3 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam.

Tính đến nay, Samsung có 6 nhà máy và 1 trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Việt Nam, trong đó Tổ hợp Samsung điện tử Việt Nam bao gồm SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu và SEHC (Thành phố Hồ Chí Minh) - nhà máy điện tử gia dụng, SVMC - Trung tâm R&D đều lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại.

Trung tâm R&D mới của Samsung sẽ được đặt tại khu vực Tây Hồ Tây
Trung tâm R&D mới của Samsung sẽ được đặt tại khu vực Tây Hồ Tây

Trong thời gian qua, mặc dù sự bất ổn định của nền kinh tế toàn cầu cũng như sự bão hòa của thị trường điện thoại di động, Samsung đã luôn nỗ lực để đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong 2 năm vừa qua, thị trường điện thoại di động đã luôn tăng trưởng âm. Tuy nhiên năm 2018, xuất khẩu của Samsung đã đạt hơn 60 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với sự đồng lòng của toàn bộ cán bộ công nhân viên của chúng tôi. Trong năm 2019, xuất khẩu điện thoại dự kiến vẫn giữ được mức ổn định dù thị trường có sự đi xuống.

Trong một lần gặp gỡ lãnh đạo Samsung Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là Tập đoàn Samsung có tổng vốn đầu tư lớn, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu và giải quyết nhiều việc làm cho lao động Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ các điều kiện cần thiết để Samsung mở rộng đầu tư, quy mô hoạt động tại Việt Nam; qua đó tiếp tục duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm của Samsung sản xuất. Thủ tướng cũng đề nghị Samsung phải nỗ lực phấn đấu phát triển ổn định, liên tục, đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam.

Sẵn sàng cho FDI thế hệ mới

Cả thế giới bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những diễn biến thay đổi đến chóng mặt. Do đó, Việt Nam cũng tất yếu chuyển sang giai đoạn thu hút FDI thế hệ mới hướng tới năng suất lao động, công nghệ cao.

Báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) chỉ ra, Việt Nam cần xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới hiệu quả, tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 bằng cách thay đổi cách thức tạo ra mọi thứ thông qua công nghệ và đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp thông minh. Theo đó, nền sản xuất sẽ trở nên hiệu quả hơn đồng thời mở ra các cơ hội kinh doanh mới nhờ tập trung mạnh vào khả năng kết nối.

Mới đây, lần đầu tiên sau 30 năm thu hút FDI, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW để định hướng trong các năm tới với kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thu hút được thế hệ FDI mới có chất lượng cao hơn.

Và, tại phiên họp thường kỳ tháng Năm, Chính phủ đã chính thức giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Trong đó, lưu ý các giải pháp gia tăng sự kết nối, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, tiếp tục thu hút FDI công nghệ cao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài thực chất hơn cả về số lượng và chất lượng, theo cả chiều rộng và chiều sâu. Việc này sẽ đảm bảo phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, trong đó chú trọng việc liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, từ đó nâng cao vị trí của Việt Nam trong mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trình độ, năng lực sáng tạo của lực lượng lao động Việt…

Các chuyên gia nhận định, điểm sáng ghi nhận trong bước chuyển sang thu hút đầu tư thế hệ mới tại Việt Nam phải kể đến sự đóng góp của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Đến nay, các doanh nghiệp tới từ Hàn Quốc đã chú trọng việc đầu tư có chuyển giao công nghệ; quan tâm và bảo đảm quyền lợi của người lao động, đào tạo nghề; chú trọng an sinh xã hội; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam từng bước trở thành đối tác tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Lich sử  SamSung Việt Nam

Với những gì Samsung đã làm được trong suốt hơn 10 năm qua, các chuyên gia tin tưởng doanh nghiệp này sẽ tiếp tục là đầu tàu của các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi lãnh đạo Samsung luôn cam kết sự gắn bó lâu dài với Việt Nam và đang tập trung cho bước đột phá thứ hai khi xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây-nơi quy tụ hàng nghìn kỹ sư công nghệ cao của Việt Nam làm việc.

Sản phẩm của VietnamPlus
Những người thực hiện:
Phạm Trung Hiền, Trần Sơn Bách, Lê Minh Sơn, Nguyễn Thị Hạnh, Ngọ Xuân Quảng, Phạm Thanh Trà.

Xem thêm

  • Thu hút FDI Thu hút FDI
  • Bệ phóng Bệ phóng
  • Nữ kỷ sư Samsung Nữ kỷ sư Samsung
  • Người mở lối Người mở lối
  • Phúc lợi Phúc lợi
  • Trung tâm R&D Trung tâm R&D
  • Dự án tỷ USD Dự án tỷ USD
  • Thuyền trưởng Thuyền trưởng