Trái ngược với suy nghĩ về một CEO ‘thét ra lửa’ với ‘thuộc cấp’ là hàng trăm ngàn công nhân, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho hồ hởi đón khách với câu ‘xin chào’ bằng tiếng Việt rành rọt. Sau cái bắt tay đầy nồng hậu, ông bảo điều ấn tượng nhất trong khoảng thời gian ở Việt Nam của ông chính là thấy được tình yêu của người dân với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ông Choi đã dành thời gian vào Lăng viếng Bác, cảm nhận được sự giản dị của Người qua nhà sàn nhỏ bé...
Câu chuyện của chúng tôi quanh chén trà không bắt đầu bằng những con số khô khốc về doanh thu của doanh nghiệp FDI số một ở Việt Nam như dự tính ban đầu...
Vị thuyền trưởng và cơ duyên đến với Việt Nam
- Tôi rất vui khi được biết đây là buổi trả lời phỏng vấn chính thức đầu tiên của ông trước một cơ quan báo chí tại Việt Nam. Đâu là cơ duyên đưa ông tới đất nước hình chữ S?
Khi tôi học đại học năm thứ 4 thì diễn ra thế vận hội Seoul 1988. Đây là sự kiện lớn, mang Hàn Quốc đến với khán đài quốc tế, là dịp giúp tôi và nhiều bạn trẻ Hàn Quốc khi đó lĩnh hội được tư tưởng toàn cầu hóa. Trong lúc đi tìm công ty có thể hiện thực hóa giấc mơ của mình thì tôi đã tìm thấy cơ duyên của mình với Samsung.
Công ty chúng tôi đánh giá nhân viên dựa trên năng lực, không phụ thuộc vào học lực, nền tảng gia đình hay bất cứ yếu tố nào khác.
Trong suốt 30 năm làm việc tại Samsung, tôi đã là một chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự. Trước đây, tôi đã từng có cơ hội làm việc ở Anh trong một khoảng thời gian không dài. Sau đó, khi công ty mẹ giao nhiệm vụ mới cho tôi là Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, tôi đã đến đất nước của các bạn với một tinh thần đầy phấn chấn và vui vẻ.
- Đã một năm ở Việt Nam, đâu là việc mà ông thấy khó nhất?
Đó là học tiếng Việt (cười lớn)!
Lần đầu tiên gặp nhân viên, tôi đã hứa sẽ thực hiện 3 lời hứa: Yêu văn hóa, lịch sử Việt Nam, yêu con người Việt Nam và yêu ngôn ngữ Việt Nam.
Với hai lời hứa đầu, tôi đã thực hiện được bởi văn hóa và con người Việt Nam để lại những dấu ấn thực sự sâu sắc trong tôi. Tuy nhiên, lời hứa thứ ba tôi vẫn đang cố gắng thực hiện...
- Trong một số lần trò chuyện với nhân viên Samsung, tôi thấy mọi người gọi ông là ‘Thuyền trưởng’ thay vì Tổng giám đốc. Ông thích cách gọi nào?
Tôi rất cảm kích khi mọi người gọi như vậy.
Động lực để tôi đóng vai trò làm đội trưởng này bắt đầu từ 4 năm trước khi tôi còn đang giữ chức Phó Tổng giám đốc phụ trách về nhân sự ở công ty mẹ. Khi đó tôi đã tạo nên một tổ chức giống một môi trường khởi nghiệp với điểm khác biệt là coi trọng tình đoàn kết của toàn đội và đề cao tinh thần sáng tạo và thử thách. Khi đó tôi đã nói với các nhân viên của mình là tôi muốn làm vai trò đội trưởng chứ không phải là sếp. Vì vậy từ đó mọi người bắt đầu gọi tôi là đội trưởng.
- Ông nhận định thế nào về những công nhân người Việt của Samsung?
Nhân viên Samsung rất chăm chỉ, thông minh, khéo léo và lịch sự. Họ tiếp thu những công nghệ mới rất mau lẹ. Họ tuân thủ những quy định và phương châm của công ty nên khi làm việc với họ, tôi rất vui vẻ.
Tôi đã làm tại nhiều cơ sở của Samsung toàn cầu, tuy nhiên tôi chưa thấy ở đâu nhân viên tôn trọng người lớn, lễ phép, hiểu và tuân thủ quy định công ty như ở Việt Nam. Có thể nói họ là những người rất đáng tin cậy và không thể so sánh với những nơi khác.
'Nhân tài là cốt lõi'
- Trong hơn 10 năm qua, Samsung luôn là điểm sáng về doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Ông có thấy áp lực gì không khi nhận trọng trách to lớn này từ người tiền nhiệm?
Tổng giám đốc của Tổ hợp Samsung Việt Nam là một vị trí quan trọng và nặng nề hơn tôi nghĩ nên không thể nói là không áp lực. Về mặt con số, kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Số lượng nhân viên Samsung trực tiếp tuyển dụng là 140.000 lao động, nếu kể thêm cả số nhân viên của nhà cung ứng cấp 1 sẽ là 300.000 lao động.
Tuy nhiên, với tư cách là Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam phụ trách một tổ chức lớn như vậy, tôi luôn luôn suy nghĩ về tầm nhìn 10 năm của công ty, cũng như sự phát triển bền vững của Việt Nam hơn là cảm thấy áp lực với công việc của mình.
- Chu kỳ 10 năm đầu tiên phát triển của Samsung Việt Nam vừa khép lại. Một chu kỳ mới sẽ bắt đầu, nhưng đây cũng là thời điểm được đánh giá là khó khăn khi thị trường điện thoại thì đang bão hòa và kinh tế thế giới bất ổn với những cuộc chiến tranh thương mại giữa các quốc gia. Việc này sẽ tác động đến Samsung Việt Nam như thế nào?
Đi cùng Samsung suốt 30 năm, chứng kiến những giai đoạn huy hoàng và cả những thời điểm khó khăn của công ty, có một điều tôi chắc chắn là chúng tôi không bao giờ từ bỏ mục tiêu.
Năm 2019 nền kinh tế toàn cầu bất ổn và thị trường điện thoại di động bão hòa. Tuy nhiên, Samsung Việt Nam đã luôn nỗ lực để đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù trong hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng với sự đồng lòng của toàn bộ cán bộ công nhân viên của chúng tôi, năm 2018 xuất khẩu của Samsung Việt Nam đã đạt hơn 60 tỷ USD. Năm 2019, xuất khẩu điện thoại vẫn giữ được mức ổn định dù thị trường có sự đi xuống.
- Là chuyên gia trong mảng nhân sự tại Samsung toàn cầu, và giờ ở cương vị của mình, ông sẽ chèo lái đưa Samsung Việt Nam phát triển ra sao?
Trong lịch sử phát triển của mình, Samsung từng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên chúng tôi đã vượt qua được tất cả chính nhờ tinh thần đoàn kết của toàn bộ cán bộ công nhân viên.
Tại Samsung, chúng tôi thường nói có một gen di truyền có thể khắc phục được mọi khó khăn, khủng hoảng. Ngoài yếu tố gen di truyền này của riêng Samsung, tôi nghĩ rằng văn hóa tổ chức và nhân tài chính là yếu tố quan trọng giúp chúng tôi vượt qua khó khăn.
Chủ tịch tập đoàn của chúng tôi đã nói rằng một nhân tài có thể nuôi sống được 100.000 người.Câu nói này thể hiện tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng và phát triển nhân tài. Giá trị cốt lõi của Samsung là “Con người là số 1”. Vì vậy, chúng tôi luôn coi trọng và nỗ lực để tuyển chọn những nhân tài làm việc cho công ty.Trong thời gian qua, chúng tôi đã có thể tạo ra những thành công tựa như kỳ tích nhờ vào sự đồng lòng của toàn thể cán bộ công nhân viên.
- Để nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, việc trao quyền và tạo ý thức làm chủ là rất quan trọng. Điều này ở Samsung được thực hiện như thế nào?
Trung tâm của doanh nghiệp là con người. Tại Samsung, chúng tôi có chương trình đào tạo tập trung vào việc đào tạo năng lực trọng tâm, cốt lõi được đòi hỏi ở một người lãnh đạo.
Tại trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung Việt Nam, hàng năm, chúng tôi cử nhân viên sang công ty mẹ để học khóa học lãnh đạo. Đồng thời, chúng tôi cũng có những chương trình phổ biến các định hướng phát triển của công ty, định hướng và nuôi dưỡng sự phát triển và khả năng của nhân viên. Chúng tôi có quy định là lãnh đạo phải phân công 20% phần công việc cho cấp dưới, không được can thiệp, chỉ lặng lẽ theo dõi và chờ đến phút cuối cùng thì có lẽ sẽ thấy những thành quả lớn hơn rất nhiều so với can thiệp và cùng thực hiện công việc.
Với nhân viên sản xuất, chúng tôi cũng trợ giúp họ bằng những khóa đào tạo nội bộ, giúp họ có được những tấm bằng cao đẳng, từ đó có cơ hội thay đổi vị trí việc làm...
Sẽ biến Việt Nam thành cứ điểm R&D của Samsung
- Mục tiêu cụ thể của Samsung Việt Nam trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Chúng tôi sẽ tạo ra những sản phẩm ưu việt nhất. Samsung sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, ứng phó với sự biến đổi của thị trường để tiếp tục giữ vững vị trí số 1 như hiện nay.
Đặc biệt, tại Việt Nam, để đáp lại tình cảm của Chính phủ và người dân, Samsung đang chuẩn bị bước đột phá thứ 2 đó là xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Ngoài các hoạt động đầu tư tập trung vào ngành chế tạo điện tử, Samsung đang tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chủ lực của Việt Nam như việc Samsung SDS mua cổ phần của công ty CMC...
- Xin ông nói rõ hơn về Trung tâm R&D này?
Năm 2008, Samsung bắt đầu đầu tư nhà máy tại Việt Nam. Trong khoảng 10 năm vừa qua, chúng tôi chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất và những nhà máy ở đây đã trở thành những cứ điểm sản xuất của tập đoàn trên toàn cầu.
Trong 10 năm tới, bên cạnh sản xuất, chúng tôi sẽ tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Trung tâm R&D ở Tây Hồ Tây dự kiến sẽ khởi công vào đầu năm 2020 và hoàn thành vào năm 2022. Số nhân viên làm việc tại trung tâm R&D này sẽ tăng từ 2.200 nhân viên tại thời điểm hiện tại tới 3.000 nhân viên trong tương lai.
Chúng tôi sẽ nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cần thiết để phát triển các công nghệ mới như 5G, AI, big data đồng thời đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Chúng tôi mong đợi trung tâm này sẽ đóng góp vào sự phát triển của nền công nghệ thông tin và kinh tế của Việt Nam.
- Để trở thành "cứ điểm", thì nguồn nhân lực là rất quan trọng. Ông nhận định thế nào về đội ngũ kỹ sư người Việt hiện tại đang công tác ở Trung tâm R&D của Samsung Việt Nam (SVMC)?
Tôi có thể khẳng định trình độ kỹ sư Việt Nam không thua kém các trung tâm R&D khác của Samsung trên toàn cầu như tại Hàn Quốc hay Ấn Độ.
Lấy ví dụ toàn bộ kỹ sư công nghệ của Samsung đều phải đạt chứng chỉ phần mềm ở một mức nhất định, và các kỹ sư của Việt Nam đều đạt mức cao.
Dù mới chỉ thành lập 7 năm, nhưng SVMC đã được đội phát triển của công ty mẹ công nhận năng lực, phân công phụ trách phát triển các dự án chủ chốt không chỉ dòng điện thoại J mà còn một phần của dòng điện thoại A, là các mẫu điện thoại cận cao cấp, chỉ sau dòng Flagship Galaxy S và Note của tập đoàn. Đôi khi kỹ sư của SVMC còn làm chủ dự án, quản lý, điều phối và chỉ đạo sự tham gia của các trung tâm R&D khác của Samsung trên toàn cầu.
- Samsung Việt Nam sẽ làm gì để thu hút người tài trong lĩnh vực này?
Vừa rồi anh đã hỏi một câu hỏi vô cùng quan trọng. Để phát triển trung tâm R&D thì nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng đối với chúng tôi.
Hiện tại, Samsung Việt Nam đang triển khai chương trình Tài năng Samsung phối hợp cùng 9 trường đại học tại Việt Nam. Hàng năm chúng tôi đã và đang trao học bổng cho 120 sinh viên xuất sắc (bao gồm cả cơ hội thực tập). Đồng thời chúng tôi hỗ trợ tổ chức các tiết học thuật toán cho sinh viên.
Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên này có thể về làm việc tại trung tâm R&D của Samsung Việt Nam với đãi ngộ và môi trường làm việc hấp dẫn, được nuôi dưỡng năng lực và tiềm năng phát triển. Đây cũng chính là động lực phát triển nòng cốt của Samsung Việt Nam. Bên cạnh đó, với Chương trình Luân chuyển nhân viên toàn cầu (Global Mobility) đang được thực hiện, đội ngũ nhân lực ưu tú của R&D Việt Nam được cử sang Trung tâm R&D của công ty mẹ tại Hàn Quốc làm việc từ 6 tháng đến 1 năm để tích lũy kinh nghiệm toàn cầu và nâng cao năng lực phát triển.
Ngoài ra, chúng tôi đang triển khai một chương trình tạm gọi là “Chợ nghề nghiệp” tại trung tâm nghiên cứu nhằm giúp các bạn nhân viên có thể tự lựa chọn vị trí công việc phù hợp với khả năng và đam mê của mình.
- Ngoài R&D, Samsung có định tiếp tục phát triển nhà máy ở Việt Nam không?
Trong 10 năm qua, Samsung đã phát triển tập trung vào các mảng sản phẩm hoàn thiện như điện thoại di động, đồ gia dụng, và sản xuất các linh kiện cốt lõi như camera, màn hình, và pin.
Trong số vốn đã đăng ký đầu tư với chính phủ Việt Nam là hơn 17,3 tỷ USD, chúng tôi đã giải ngân được 94% tổng số vốn này. Do đó, trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung vận hành ổn định bộ máy đã xây dựng, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu thông qua việc nâng cao năng suất và chất lượng.
Tuy nhiên hàng năm chúng tôi cần đầu tư bổ sung liên tục cho công nghệ và máy móc để phục vụ các quy trình và công nghệ mới, do đó mặc dù không xây dựng mới nhà máy với quy mô lớn nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư các dây chuyền sản xuất mới. Ví dụ chúng tôi đã xây dựng dây chuyền sản xuất thiết bị network 5G tại nhà máy Bắc Ninh, hay đăng ký đầu tư thêm 120 triệu USD để sản xuất thấu kính – một linh kiện quan trọng trong điện thoại di động ở công ty Điện cơ Samsung và dự kiến dây chuyền này sẽ đi vào sản xuất tháng 11 tới.
- Xin cảm ơn ông!
Khi chúng tôi thực hiện xong cuộc phỏng vấn cũng là lúc đồng hồ chỉ tới 12 giờ. Ông Choi Joo Ho thân thiện mời khách ở lại ăn trưa. Và, dù không bất ngờ vì việc ông dùng bữa trưa ở căng-tin với công nhân, nhưng tôi không khỏi ngạc nhiên khi vị thuyền trưởng ấy cũng xếp hàng lấy cơm, kiên nhẫn chờ đợi và vào bàn ăn như hàng vạn công nhân khác...
(*) Samsung không gọi nhân viên của mình là Công nhân, mà gọi tất cả mọi người là nhân viên, bao gồm nhân viên sản xuất và nhân viên văn phòng.