Tiềm năng phát triển thể thao điện tử tại Việt Nam còn rất lớn

Không ít giải đấu lớn, nhỏ trong nước và quốc tế đã được Việt Nam đăng cai tổ chức thành công chứng tỏ độ tiếp cận và tiếp nhận của giới trẻ Việt Nam là rất lớn.
Cổ động viên Việt Nam trong trận chung kết thế giới một bộ môn eSports. (Nguồn: vnexpress.net)

Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong công cuộc chuyển đổi số nói chung và thể thao điện tử (eSports) nói riêng với lượng người trẻ tuổi rất lớn, có tri thức, tính hội nhập quốc tế cao, có thể nắm bắt, xây dựng, phát triển nhiều công nghệ tiên tiến.

Đối với thể thao điện tử, trong những năm gần đây, không ít giải đấu lớn, nhỏ trong nước và quốc tế đã được Việt Nam đăng cai tổ chức thành công. Điều đó chứng tỏ độ tiếp cận và tiếp nhận của giới trẻ Việt Nam là rất lớn.

Tuy nhiên, để thể thao điện tử phát triển đúng hướng, nhanh và bền vững, cần có những chiến lược cụ thể.

Khai thác tiềm năng và phát triển phong trào

Theo Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam, thể thao điện tử không giống như các môn thể thao truyền thống ngoài đời thực, eSports cần những yếu tố riêng biệt. Nhưng đã là thể thao thì vận động viên vẫn cần phải tập luyện kỹ năng, chiến thuật trong thi đấu, có tinh thần thể thao và phải có những giải đấu để tranh tài.

Trong những năm gần đây, thể thao điện tử dần trở thành một trong những môn thể thao được nhiều ngươi ưa thích. Các câu lạc bộ eSports chuyên nghiệp, phong trào đang được tổ chức và phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước.

Các giải thể thao điện tử phong trào cũng đã được tổ chức thường xuyên và đang dần hoàn thiện, hướng tới các giải đấu chuyên nghiệp. Mặc dù chưa có số lượng thống kê cụ thể chính xác về số lượng các câu lạc bộ và vận động viên phong trào, tuy nhiên thông qua các giải đấu lớn như Giải Áo dài đại chiến, FPT Cúp, Facebook Gaming Creators Cúp 2019, AOE Bé yêu… là minh chứng rõ rệt nhất về sự phát triển của thể thao điện tử.

[SEA Games 30: Đánh dấu bước tiến mới của các bộ môn eSports]

Độ lan tỏa, “phủ sóng” của thể thao điện tử rất lớn. Theo ông Đỗ Việt Hùng, Tổng Thư ký Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam, từ cuối năm 2019 đến nay, có khoảng 16 triệu người tham gia thi đấu, tập luyện, theo dõi, hâm mộ. Trong đó, trên 52% số người hâm mộ theo dõi nhưng không tham gia chơi, phạm vi khán giả rộng hơn so với đa số các môn thể thao truyền thống.

Ngoài mức độ phổ biến, độ chuyên nghiệp của thể thao điện tử cũng dần hình thành. Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam đã xây dựng, đề xuất Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xem xét và phê duyệt Luật thi đấu Thể thao điện tử với các môn FIFA Online 3, Đột kích, Liên minh huyền thoại; có văn bản đồng ý chủ chương cho phép tổ chức các giải đấu toàn quốc từng môn, đồng thời cử vận động viên tham gia các giải quốc tế.

Hệ thống tổ chức các giải đấu trong nước và quốc tế tại Việt Nam ngày một gia tăng và ổn định, công tác tổ chức giải được chú trọng hơn và dần đi vào chuyên nghiệp, trình độ các vận động viên được nâng cao. Trung bình, mỗi năm, các vận động viên thể thao điện tử chuyên nghiệp tham dự khoảng ba giải đấu, giúp trình độ và đẳng cấp của các vận động viên được nâng lên, góp phần tạo dấu ấn ngày càng tích cực hơn trên đấu trường quốc tế.

Hướng tới một nền thể thao điện tử chuyên nghiệp

Theo Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam, trong thời gian qua, đội tuyển Thể thao điện tử Việt Nam đã giành được thứ hạng cao ở ba giải đấu lớn trên thế giới. Đó là huy chương Bạc bộ môn Đột kích, Phi đội; huy chương Đồng bộ môn World of Tanks; dành ba Huy chương Vàng, Bạc, Đồng ở bộ môn FIFA Online 2.

Bên cạnh đó, sự thành công của đội tuyển Thể thao điện tử Việt Nam tại SEA Games 30 với ba Huy chương Đồng đã góp phần tích cực đẩy mạnh phong trào tập luyện và thi đấu thể thao điện tử chuyên nghiệp trên toàn quốc.

Đội eSports Việt Nam. (Nguồn: oneesports.gg)

Chủ tịch Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam Nguyễn Xuân Cường nhận định thông qua các giải đấu chuyên nghiệp có sự tham gia của các vận động viên Việt Nam, thực tế cho thấy, một số câu lạc bộ, vận động viên đã từng đạt được thứ hạng cao trên thế giới ở một số bộ môn riêng lẻ nhưng tính ổn định chưa cao. Nếu như chúng ta chuẩn bị tốt về thể lực, tâm lí thi đấu, hoạt động đội nhóm, tính chuyên nghiệp nâng cao, tăng cường luyện tập, thi đấu cọ sát, Việt Nam có thể sẽ nâng cao vị thế hơn nữa trên đấu trường thế giới.

Ngoài việc phát triển của vận động viên, công tác đào tạo huấn luyện viên, trọng tài cũng rất cần thiết, đặc biệt là thời gian tới, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức SEA Games 31. Theo Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam, trong thời gian tới, Hội sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để kiện toàn lại hệ thống Luật thi đấu các bộ môn, hệ thống giải thi đấu chuyên nghiệp, bán chuyên, phong trào và công tác đào tạo.

Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam phát triển, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, hoạt động thi đấu chuyên nghiệp ở các tỉnh, thành. Cùng với đó, Hội tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, tạo nhiều cơ hội trao đổi kỹ thuật, chuyên môn và mở ra các cơ hội phát triển phù hợp với xu thế phát triển quốc tế đối với thể thao điện tử.

Về công tác đào tạo, các hội, ngành liên quan đã có những bước chuẩn bị nhất định, ngoài cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực vận động viên, huấn luyện viên là yếu tố quan trọng.

Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước phát triển về thể thao điện tử trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số đối tác châu Âu để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, giáo trình, tài liệu đào tạo huấn luyện viên, vận động viên, từ đó hình thành các học viện thể thao điện tử trong tương lai./.

Chuyển đổi số trong thể thao: Xu hướng phát triển tất yếu

Chuyển đổi số trong thể thao: Thể thao điện tử - Lạ nhưng không mới

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục