Chuyển đổi số là khái niệm ra đời trong thời kỳ Internet bùng nổ và phát triển mạnh mẽ những năm gần đây. Mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội đều đã có những bước chuyển mình để thích ứng, bắt kịp xu hướng đó nếu không muốn bị tụt hậu.
Thể thao cũng không thể đứng ngoài cuộc và cũng đã nhanh chóng có những thay đổi để song hành cùng xu hướng không thể đảo ngược đó.
Những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) đã tạo ra những bước phát triển nhanh, mạnh mẽ trên thế giới. Việt Nam cũng kịp thời bắt nhịp những công nghệ tiên tiến, sáng tạo cùng thế giới trên nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội.
Cùng với kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa... thể thao thế giới cũng như Việt Nam cần phải có những bước chuyển để hội nhập với xu hướng chung ấy.
Thể thao số phù hợp bối cảnh COVID-19
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu từ đầu năm 2020 đã gây không ít khó khăn cho mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội…, lĩnh vực thể thao cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Không ít những giải đấu thể thao truyền thống trên thế giới cũng như ở Việt Nam buộc phải dừng hoặc lùi thời gian tổ chức, mức độ lây lan của dịch bệnh khiến cho các giải đấu lớn không thể diễn ra, hoặc diễn ra nhỏ lẻ, không có hoặc hạn chế khán giả, nhằm tránh tập trung đông người, dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên, nhu cầu tập luyện thể thao của con người lại tăng cao, với mong muốn nâng cao sức khỏe, sức đề kháng để chống lại bệnh tật. Chính vì vậy, nhiều phương pháp tập luyện thể dục thể thao tại nhà, hoặc tập luyện, thi đấu trên các thiết bị giả lập, mô phỏng đã thực sự phát huy hiệu quả.
Bởi người tập, thi đấu không phải di chuyển tới sân bãi, không tập trung đông người mà vẫn có thể tập luyện, thi đấu các giải đấu thông qua thiết bị điện tử với độ chính xác tương đối cao.
[Người hâm mộ tìm đến nền tảng trực tuyến xem thể thao mùa phong tỏa]
Cụ thể, như vào hồi cuối tháng 3/2020, Giải đua xe ảo Virtual MotoGP 2020 đã diễn ra với sự tham dự của nhiều tay đua nổi tiếng, hoặc các giải đua xe công thức 1 (F1), công thức E (FE)… cũng được các nước trên thế giới tổ chức, nhằm tạo ra sân chơi cho các vận động viên trong điều kiện không thể tổ chức được các giải đua ngoài sân bãi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chủ tịch Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết: Không chỉ trên thế giới, ngay tại Việt Nam, vào tháng 4/2020, giải đua xe đạp “ảo” cũng đã diễn ra thành công trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Để tham gia cuộc đua ảo, người chơi cần có một chiếc xe đạp chuyên dụng có bluetooth kết nối với các thiết bị điện tử thông minh và cài đặt ứng dụng ZWIFT vào điện thoại hoặc máy vi tính.
Mọi thông số của vận động viên như tốc độ, chiến thuật… đều được ghi nhận và mô phỏng trên màn hình thông qua phần mềm quản lý giả lập.
Bên cạnh đó, không ít cuộc thi chạy “ảo” cũng được tổ chức với số lượng vận động viên tham gia không hề nhỏ. Giải chạy ảo "Brave Đà Nẵng" có hơn 3.400 vận động viên đã "sải bước chạy" trên khắp các cung đường nhằm cổ vũ lực lượng tuyến đầu chống dịch, đồng thời nêu cao tinh thần tập luyện thể thao trong cộng đồng. Cuộc đua ghi nhận trên 900 vận động viên đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Giải chạy “Màu xanh hy vọng” cũng thu hút trên 2.000 vận động viên đăng kí chạy tích lũy không giới hạn các nội dung 10km, 20km, 50km… sau đó sử dụng “đồng hồ thông minh” kết nối với nền tảng ứng dụng của giải đấu. Sau khi kết thúc giải, hoàn thành cuộc đua, vận động viên sẽ nhận được giấy chứng nhận điện tử, huy chương điện tử theo từng cự ly.
Ngoài ra, những thiết bị công nghệ như PlayStation cũng có những phụ kiện cầm tay tương tác, giả lập với độ chính xác cao, mọi người đều có thể tham gia luyện tập, thi đấu các môn thể thao, như golf, quần vợt...
Cần khai thác tốt hơn kinh tế thể thao
Chủ tịch Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho rằng thể thao là nhân tố quan trọng để phát triển, nâng cao thể lực, trí lực, tầm vóc của người Việt.
Hiện nay, ở một số nước phát triển trên thế giới, thể thao được coi là một ngành kinh tế, đóng góp cho xã hội ở quy mô tương đối lớn. Hoạt động thể thao liên quan tới tất cả các lĩnh vực như thể thao trình diễn, thể thao nhà nghề, liên đoàn, hiệp hội thể thao, câu lạc bộ thể thao, thể thao thương mại, cơ chế quản lý, điều hành hoạt động thể thao...
Kinh tế thể thao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động thể dục thể thao (tập luyện, thi đấu…), cũng như gián tiếp phục vụ các hoạt động như sản xuất, cung cấp các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan (trang thiết bị, cá cược…).
Trên thế giới, ở một số quốc gia được coi là cường quốc thể thao như Mỹ, lĩnh vực kinh tế thể thao chiếm tỷ trọng nhất định trong tăng trưởng GDP. Trung Quốc cũng là một trong những nước sản xuất hàng hóa thể thao lớn nhất thế giới, mang lại doanh thu quan trọng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động kinh tế thể thao và thị trường vẫn ở quy mô rất nhỏ. Kinh tế thể thao ở Việt Nam còn có dư địa phát triển nhưng chưa khai thác hết.
Ngoài thị trường bán vé và thu từ các dịch vụ tổ chức thể dục thể thao, thị trường bản quyền truyền hình thể thao, còn có thị trường quảng cáo tài trợ và dịch vụ (trong đó có cá cược thể thao).
Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế thể thao, nhưng hàng hóa chủ yếu phục vụ xuất khẩu...
Chủ tịch Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho hay những ngành công nghiệp phụ trợ cho thể thao như thiết bị thi đấu, thiết bị thể thao ở nước ta cũng chưa phát triển xứng tầm. Điều này dẫn đến những đóng góp của thể thao cũng chưa thực sự lớn.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam cần coi thể thao là hoạt động kinh tế, phát triển để đem lại lợi nhuận, đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước. Do đó cần tăng cường vai trò quản lý, định hướng của Nhà nước; đặc biệt là cần một môi trường pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho hoạt động, dịch vụ trong kinh tế thể thao.
Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thể thao đã từng bước được áp dụng ở một số bộ môn thể thao về trang thiết bị thi đấu, công nghệ quản lí, quy trình vận hành, hướng dẫn đào tạo…Từ đó, thể thao truyền thống sẽ có những bước chuyển mình, bên cạnh đó các công nghệ mới như giả lập, mô phỏng 1:1, song hành, tương tác gắn với hạ tầng kỹ thuật mới 4G, 5G được kết nối sẽ tạo ra những môi trường mới.
Hiện nay, trên thế giới cũng đã hình thành những giải đấu mô phỏng, song song như môn thể thao “Vua” thì cùng với đó có những giải bóng đá trên tựa trò chơi Fifa online hoặc PES; đua xe công thức 1 ngoài sân bãi thì cũng có giải trên những thiết bị mô phỏng hoặc trên máy vi tính...
Dữ liệu ở các giải đấu, vận động viên đời thực sẽ được đưa vào hệ thống, ánh xạ của thể thao truyền thống và thể thao số đạt được ở mức tương đồng tương đối cao, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.
Có thể nói, đồng hành cùng thể thao truyền thống, thể thao số cũng từng bước bắt nhịp với xu thế chung của mọi mặt đời sống, xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn công nghệ phát triển mạnh mẽ và dịch bệnh gây nhiều bất lợi như hiện nay./.