Trong lịch sử của ngành đường sắt Việt Nam, vụ lật tàu E1 tháng 3/2005 tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế được liệt vào một trong những tai nạn thảm khốc bậc nhất. 12 người tử vong, hơn 90 người bị thương nặng, toàn bộ tuyến đường sắt huyết mạch Bắc Nam bị tê liệt trong một thời gian dài sau thảm họa Lăng Cô.
Đã 12 năm trôi qua, những người dân tại An Tư Tây vẫn chưa thể quên được những ngày tàu đổ năm nào.
Mưa lây rây suốt mấy ngày khiến con đường đất dẫn vào nhà ông Nguyễn Mạng (51 tuổi, thôn An Tư Tây) nhão nhoét đất. Nhưng bất chấp, ông Mạng vẫn quầy quả xắn cao ống quần, tay xách dép lội bùn ra lộ lớn. Theo lời hẹn, sớm nay ông sẽ cùng mấy người bạn đồng niên ra đôi miếu thờ tại ngạnh Đá Bàn để thắp hương cho những nạn nhân xấu số của thảm họa tàu E1.
“Cho tới tận bây giờ, thi thoảng tôi vẫn ngủ mơ thấy cái ngày định mệnh ấy. Thương tâm lắm,” ông Mạng run run.
Trưa hôm đó, ông Mạng cùng hơn 30 người của thôn Hói Dừa đang làm móng nhà cách ghềnh Đá Bàn chừng 1km thì nghe thấy tiếng động rầm rầm. Hoảng hồn, cánh thợ xây vứt cuốc, xẻng vội vã chạy ra ngoài thì thấy người dân đang nhốn nháo. Những tiếng hô hoán: Đổ tàu rồi, đổ tàu rồi vang vọng khắp xóm nghèo.
Khi tới nơi, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra khiến tất cả mọi người rùng mình. Tàu E1 lúc này bị chệch khỏi ray, ngả hẳn về phía đầm Lập An cạnh đó. Đáng sợ hơn, cả đoàn tàu dài bị đứt đôi ở khúc giữa, hai toa văng hẳn xuống khỏi ghềnh Đá Bàn, mấp mé mép nước.
“Từ phần ray đến mặt ghềnh phải tới 2-3m mà hai toa này vẫn bị bật tung lên rồi trượt xuống. Xung quanh la liệt người nằm, bò giữa đống hành lý ngổn ngang,” ông Mạng rùng mình nhớ lại.
Ông Mạng vẫn thường ra ngôi miếu nhỏ nơi xảy ra vụ tai nạn để thắp hương cho những người đã khuất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh Phạm Cư, khi ấy mới 24 tuổi cho tới tận lúc này vẫn còn bị ám ảnh bởi E1.
Anh kể: “Ra tới Đá Bàn thì thấy người quá trời người. Một bà cụ bị cụt tay, máu me tùm lum ngồi khóc ngay cạnh toa đổ, gần đó là hai người khác không rõ sống chết bị văng ra xa. Những tiếng rên la, gào khóc liên tục vọng ra từ toa tàu đổ." Gần như ngay lập tức, người dân các xóm hói Dừa, hói Mít hò nhau lao vào cứu người.
Ngày đó, toàn bộ khu vực này nằm hoàn toàn biệt lập với xung quanh chứ không có đường nhựa như bây giờ. Tuyến giao thông duy nhất đâm xuyên qua An Tư Tây chính là hệ thống đường sắt Bắc-Nam. Vì vậy, khi E1 gặp nạn, việc tiếp cận hiện trường để giải cứu của cơ quan chức năng rất khó khăn.
Ông Mạng bước thấp bước cao leo lên khu miếu thờ được dựng ngay nơi tàu Thống Nhất năm nào bị đổ. Chỉ tay vào triền đá đen trơn tuột rêu phía dưới, ông kể: “Lúc ấy, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là cứu những người còn sống, đưa họ ra khỏi đống đổ nát.”
Trong một khoảnh khắc, ông Mạng như sống lại với những ký ức hãi hùng. Trước toa tàu đổ nghiêng, người đàn ông ấy cuống cuồng dùng tay không cạy cửa, đầu ngón tay rỉ máu vì bị sắt cứa vào. Ngay bên cạnh, ông Nguyễn Quang Thành xoay trần, vớ ngay tảng đá ven ray, đập cồm cộp vào cánh cửa lên xuống bị kẹt.
“Chúng tôi cứ có gì thì dùng nấy. Sau khi mở được lối vào, mấy anh em chui sâu vào trong, cứ theo tiếng kêu rên mà bò tới gần, kéo người bị kẹt xuống,” ông Thành hồi tưởng.
“Khi đó mọi người có sợ không?,” Chúng tôi hỏi.
“Sợ chứ. Nhưng vì lương tâm nên tôi vẫn phải cứu. Đến giờ tôi vẫn hối hận vì một số người mình nghĩ là chết rồi nên không đưa ra. Về sau mới biết, họ bị sốc nên ngất đi. Giá mà mình cứu kịp thì chưa chắc họ đã chết,” ông Thành đáp.
Ngôi miếu nhỏ được dựng lên sau vụ tai nạn thảm khốc có thể coi như một dấu tích nhắc nhở những lái tàu qua đây phải cẩn trọng (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cứu được người ra đã khó, nhưng việc vận chuyển các nạn nhân vào thị trấn Lăng Cô càng nan giải gấp bội. Đầm Lập An mênh mông nước đã ngăn toàn bộ hiện trường với đất liền. Nhưng cái khó ló cái khôn, từ tứ phía, hàng chục chiếc ghe, đò của dân làm nghề tôm cá trên đầm theo tiếng í ới gọi nhau ì oạp chèo về Đá Bàn. Sau khi đón từng nạn nhân, đám ghe cá lại mải miết chạy theo hướng thị trấn Lăng Cô. Đội ghe xóm An Tử Tây được một ngày hoạt động hơn 100% công suất.
Sau 3 giờ vật lộn, cuộc giải cứu vô tiền khoáng hậu do hàng chục ngư dân, nông dân, thợ xây, thợ gỗ… hai xóm Hói Mít và Hói Dừa mới kết thúc. Hàng chục người đã được cứu đưa vào đất liền kịp thời nên may mắn giữ lại mạng sống.
Điều đáng trân trọng hơn, trong khung cảnh hỗn loạn ngày ấy, ngoài việc cứu người, bà con xóm cứu tàu còn cử nhau gom tiền bạc, hành lý, tài sản vương vãi lại, cắt cử người trông coi để chờ cơ quan chức năng tới xử lý.
Ông Thành không giấu nổi niềm tự hào: “Cả xóm còn được Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế và Bộ trưởng Bộ Giao thông thời đó tuyên dương và thưởng mỗi người 100.000 đồng vì lòng dũng cảm không nề hà hiểm nguy cứu hộ, cứu nạn tàu E1”.
12 năm đã trôi qua, hầu hết những người hùng E1 giờ đều đã bước sang ngưỡng bên kia của cuộc đời. Xóm nghèo cũng đã dần thay da đổi thịt nhờ chính… thảm họa cũ. Sau ngày xảy ra tai nạn không lâu, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phá núi, mở đường nhựa chạy vòng quanh đầm nước lợ, đi qua tận cửa những ngôi nhà. Con đường như một món quà cho lòng trượng nghĩa của những người hùng Lập An. Điện cũng được đưa về từng hộ. Xóm cứu tàu ngày nào giờ trở thành một trong những điểm du lịch đẹp nên thơ vào bậc nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đời sống bà con nhờ đó cũng trở nên khấm khá hơn xưa nhiều.
Trưa nay, ôn lại chuyện cũ, tất cả những nhân chứng của thảm họa E1 khi xưa vẫn đượm buồn. Thắp bó hương trên miếu đôi Đá Bàn, ông Thành bắt đầu lẩm nhẩm khấn. Tiếng khấn khứa rì rầm dần lẫn loãng rồi mất hút trong màn mưa vẫn đang bay bay trắng trời…
Những tấm bằng khen đã cũ theo thời gian vẫn được những người dân tại đây nâng niu trân trọng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)