Tàu Thống Nhất dừng chỉ 5'. Người phụ nữ tất tả bốc túi đồ nặng chịch lên toa tàu. Mỗi lần bốc chở hàng thuê, người ta trả chị 30.000 đồng tiền công. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khu vực nhà Ga Huế từ lâu đã trở thành nơi mưu sinh của nhiều chị em. Có không ít người bám nơi đây mấy chục năm qua để kiếm kế sinh nhai. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong số những người đang làm việc tại nhà ga Huế, thú vị nhất có lẽ là những người phụ nữ bán hàng kiếm kế sinh nhai. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khu vực sân ga có khoảng độ chục gian hàng bán đủ thứ từ chai nước, cái bánh, điếu cày đến bộ quần áo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cứ mỗi khi nghe tiếng còi tàu hú, những người phụ tay xách, nách mang túi hàng vội vã chạy ra bên lề đường ray chờ tàu dừng. Nếu khách xuống thì tất tả ra mời chào, khách trên tàu thì mang gói xôi cái bánh ra mời chào. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngoài bán hàng, có những người phụ nữ còn chọn công việc bốc vác thuê hành lý cho khách ga đến cửa tàu. Công việc tuy nặng nhọc nhưng vẫn kiếm được nhiều tiền hơn so với bán hàng tạp hóa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khách đến ga Huế phần nhiều là khách nước ngoài, lại chỉ đông vào mùa du lịch còn đa phần là vắng vẻ đìu hiu. Sân ga, con tàu đã thành nơi mưu sinh của họ ngay từ thời còn trẻ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Với những người phụ nữ kiếm sống ở ga, lịch tàu đến, tàu đi họ đều thuộc nằm lòng. Không cần nhìn đồng hồ, cứ mỗi khi có tàu, tất cả bọn lại tập trung về sân ga để buôn bán. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cô Hà, một người phụ nữ đã gắn chặt với nhà ga Huế hơn 30 năm nay hồ hởi tâm sự, cô từng có 20 năm làm tiếp viên trên tàu. Khi không làm nữa cô xin bán hàng tạp hóa ở ga Huế. "Ấy vậy mà đã hơn 10 năm bán hàng ở đây rồi". (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Với những người phụ nữ mưu sinh bên đường ray, tiếng còi tàu đã gắn chặt trong tâm trí họ. Ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ họ lại mong ngóng tiếng còi tàu về ga. Hôm nào tàu về muộn, trễ giờ, tâm trạng cũng thấp thỏm không kém những khách đi xa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Vẫn biết có những chuyến tàu chẳng bán được gói xôi, chai nước nào, nhưng hết ngày này qua ngày nọ, họ vẫn luôn đợi tiếng còi tàu với hy vọng mong được đắt khách. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cô Thu (57 tuổi) hồi trẻ từ làm kho, vật cấp vật tư ở đường sắt được 20 năm. Nghỉ hưu thì cô xin ở lại bán hàng. Hàng ngày cô đi bán từ 5 giờ sáng đến 19 giờ 30 mới về. Vào những mùa thấp điểm, tiền cô bán được không đủ trả tiền kiốt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
"Ở ga tuy ít người, nhưng mấy chị em cứ túm tụm noi chuyện trêu trọc nhau cũng vui". Cô bảo nghỉ hưu buồn lắm: Bán hàng ở đây vừa kiếm đồng ra đồng vào vừa ngắm tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đằng sau mỗi kiốt là một căn phòng nhỏ độ chừng 10m2 vuông. Khi tàu chạy qua, những chị em lại đóng tạm quầy hàng rồi vào trong phòng ngồi chuyện trò cho đến chuyến tàu tiếp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nằm khuất sau ga Huế là bóng một phụ nữ nhỏ nhắn đang thoăn thoắt làm bánh canh cho khách, chị Thúy (50 tuổi) đã bán hàng ở đây hơn 20 năm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đối diện bên cạnh là hàng xôi, bánh mì của cô Diệu Anh, cô cũng gắn bó với nhà ga này hơn 11 năm. Với cô, ga Huế giống như ngôi nhà thứ hai. Nhờ những đồng tiền kiếm được ở ga, các con cô có điều kiện ăn học, cuộc sống gia đình ổn định hơn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhìn những người phụ nữ Huế khắc khổ mưu sinh ở ga khiến nhiều người không khỏi xót xa. Nhưng có một điều, những người phụ nữ này chưa bao giờ bỏ cuộc dù công việc vất vả đến mấy. Tất cả điều nhỏ bé nơi sân ga Huế cứ ngày này qua tháng khác bám chặt theo những chuyến tàu đến và đi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)