Theo đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tính đến ngày 17/5, số đầu lợn trọng lượng từ 100-150kg/con còn tồn đọng trong các cơ sở chăn nuôi trên cả nước khoảng 1,5 triệu con, tương đương khoảng 300.000 tấn thịt hơi.
"Trong những ngày qua, chúng ta đã giải quyết được khoảng 200.000 - 250.000 tấn lợn. Đây là kết quả rất tốt, chúng tôi kỳ vọng trong tháng Năm và Sáu sẽ tiếp tục tiêu thụ nhiều thịt lợn hơn nữa để giải quyết lợn quá cỡ cho người dân,” ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói.
[Các doanh nghiệp bán lẻ cam kết đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn]
Người đứng đầu ngành chăn nuôi này cũng cho biết, trong bốn tháng đầu năm 2017, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do giá cả liên tục xuống thấp dưới giá thành, nguồn cung nhiều hơn so với nhu cầu tiêu thụ.
Ước tính số lượng lợn hiện tại của cả nước giảm khoảng 0,2% so với cùng kỳ năm 2016, sản lượng thịt lợn hơi đến thời điểm có thể xuất chuồng tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện nay, đàn lợn vẫn đang tiếp tục giảm do hiệu ứng về giá ở tất cả các địa phương, nhất là lợn nái.
Tổng hợp thông tin từ một số doanh nghiệp chăn nuôi cũng cho biết, sau thời điểm giảm giá tháng 12/2016, đến đầu năm 2017 giá lợn thịt hơi siêu nạc tăng nhẹ dao động ở mức 40.000-41.000 đồng/kg tại miền Bắc và 29.000-34.000 đồng/kg ở phía Nam. Tuy nhiên, từ tháng Hai, giá thịt lợn hơi xuất chuồng bắt đầu giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua và xuống mức dưới 20.000 đồng/kg.
Tính đến thời điểm đầu tháng Năm, giá lợn hơi có nơi chỉ bán được khoảng 18.000-20.000 đồng/kg, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng - mỗi con lợn có thể lỗ từ 1-1,5 triệu đồng.
(Bảng giá thịt lợn hơi siêu nạc xuất chuồng từ tháng 12/2016 đến nay. (Đơn vị: Đồng/kg))
Theo Cục trưởng Hoàng Thanh Vân, nguyên nhân chính làm giá lợn xuống thấp là do cung vượt cầu. Vì sau nhiều năm phát triển nóng (nhất là đối với chăn nuôi lợn) các loại thực phẩm trong nước đã vượt khá xa khả năng tiêu thụ của thị trường trong nước.
"Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ vẫn chưa được mở rộng, việc bán lợn hơi qua tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn do chính sách quản lý đường biên; vấn đề chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm và kết nối thị trưởng cả trong nước. Xuất khẩu với mặt hàng thịt lợn còn yếu kém, bất cập không tương xứng với tốc độ tăng đàn và sản lượng thịt lợn sản xuất ra.
Ngoài ra, khâu kiểm soát tiêu thụ (nhất là đối với thương lái thu mua lợn hơi) còn nhiều lỗ hổng, từ đó gây ra lũng đoạn thị trường và tâm lý đám đông ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi cũng như giá cả thịt lợn,” Cục trưởng Hoàng Thanh Vân nhấn mạnh.
"Không bỏ trống chuồng tránh khủng hoảng thiếu”
Dự báo về tình hình chăn nuôi 6 tháng cuối năm 2017, Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cho rằng đây vẫn là giai đoạn khó khăn của ngành chăn nuôi khi thị trường chưa ổn định. Mặt khác, các tác nhân của biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và tăng chi phí cho người chăn nuôi.
"Mặt khác, việc tăng trưởng nóng của đàn lợn, lĩnh vực thức ăn chăn nuôi công nghiệp và giá cả xuống thấp gây tâm lý bất ổn đối với các khu vực chăn nuôi (kể cả chăn nuôi nông hộ). Nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi không còn nguồn lực và không tiếp cận được nguồn vốn để duy trì, tái đàn sau đợt giảm giá lợn vừa qua. Chăn nuôi thiếu bền vững cả về quy hoạch lẫn sản phẩm. Đặc biệt, người dân vẫn còn biểu hiện tâm lý theo đám đông, theo phong trào có lãi thì đồng loạt vào đàn,” Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cho hay.
["Thủ phủ" nuôi lợn của miền Bắc: Nhiều người dân "mất cả chì lẫn chài"]
Trước tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã kêu gọi các bộ, ngành và các doanh nghiệp chung tay để giải cứu ngành chăn nuôi lợn. Bộ cũng khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tham gia làm trung tâm cho từng vùng, từng khu vực để gia tăng tiêu thụ thu mua thịt lợn cho người dân.
Đồng thời Bộ yêu cầu các địa phương thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín, tập trung từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung, cầu thị trường sản phẩm chăn nuôi.
Đặc biệt, Bộ đề nghị các đơn vị cơ sở triển khai mọi giải pháp để người chăn nuôi có điều kiện duy trì hoạt động vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, không bỏ trống chuống và tiếp tục tái đàn lợn tránh để xảy ra tình trạng khủng hoảng thiếu nguồn cung trong thời gian tới. Theo đó, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh./.