"Thủ phủ" nuôi lợn của miền Bắc: Nhiều người dân "mất cả chì lẫn chài"

Hà Nam: Đàn lợn uống nước cầm hơi, người dân bữa ăn bữa lo

Giá lợn hơi xuống dốc không phanh mặc người dân đang thẫn thờ, buồn bã và bất lực. Nhiều người nuôi đang hết sức chán nản và liệu họ có tiếp tục bám nghề khi càng nuôi càng lỗ nặng?
Hà Nam: Đàn lợn uống nước cầm hơi, người dân bữa ăn bữa lo ảnh 1Người chăn nuôi thẫn thờ khi nhìn đàn lợn ngày một lớn nhưng không có người mua. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Những tuần qua, giá lợn hơi rớt thảm đến mức “kỷ lục” từ trước đến nay khiến người chăn nuôi lao vào cảnh điêu đứng. Nhiều hộ gia đình đứng trước nguy cơ phá sản, vỡ nợ và thậm chí còn mất nhà, mất đất vì cú sốc về giá này.

Nhiều người chăn nuôi đang hết sức chán nản và liệu họ có tiếp tục bám nghề khi càng nuôi càng lỗ nặng như hiện nay? Đó đang là nỗi băn khoăn lớn của nhiều người chăn nuôi khi họ đang ngày đêm trông tình hình giá lợn hơi nhích lên.

“Lợn bữa ăn bữa đói - người bữa ăn bữa lo”

Những ngày qua có thể nói là những ngày đen tối nhất của người chăn nuôi lợn. Giá lợn hơi xuống dốc không phanh mặc người dân đang thẫn thờ, buồn bã và bất lực trước giá lợn.

Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, những ngày qua giá lợn hơi ở trên thị trường chỉ dao động từ 18.000-25.000 đồng/kg, thậm chí nhiều vùng giá lợn hơi còn sụt xuống dưới mức 14.000-15.000 đồng/kg.

Anh Trần Lê Nhượng, chủ gia trại chăn nuôi lợn tại xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - khu vực được mệnh danh là "thủ phủ" nuôi lợn lớn nhất ở miền Bắc, những ngày qua như người mất hồn khi nhìn thấy chuồng vẫn đang hơn trăm con lợn nằm chờ bán mà chưa ai hỏi mua.

[Đồng Nai còn hơn 300.000 con lợn xấp xỉ 1 tạ cần được "giải cứu"]

Anh Nhượng chia sẻ, đây là lứa lợn đầu tiên anh đầu tư nuôi với quy mô hơn 200 con, nhưng không ngờ lại “bể ngay từ vụ đầu tiên” khiến anh vô cùng chán nản.

Anh Nhượng cho biết, sau 9 năm đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc về, anh quyết chí dốc vốn đầu tư một trang trại chăn nuôi lợn để gắn bó sinh kế lâu dài. Thế nhưng, đúng là “vạn sự khởi đầu nan” anh đã "mất cả chì lẫn chài" ngay lứa lợn đầu.

“Tính sơ sơ vốn đầu tư chuồng trại là khoảng 800 triệu đồng cộng với tiền vốn 1 triệu đồng/con giống và tiền thức ăn chăn nuôi mỗi con/lứa khoảng 2,5 triệu đồng. Như thế mỗi con lợn kích cỡ trên 1 tạ cũng đã ngốn gần 4 triệu đồng/con, không kể chi phí công chăm sóc 5-6 tháng mới đạt kích cỡ đó. Tuy nhiên, hiện đàn lợn chỉ được giá khoảng 18.000 đồng/con, như vậy mỗi con lợn tôi chịu lỗ hơn 1,7-1,8 triệu đồng/con. Tính chung cả đàn lợn chắc lỗ hơn 400 triệu đồng,” anh Nhượng rầu rĩ.

Hiện đàn lợn đang đến kỳ xuất bán nhưng giá thương lái trả quá thấp nên người nông dân này như đang “sống dở chết dở” vì ôm đống lợn mà không lấy được cả tiền vốn.

"Với mức giá chỉ từ 14.000-18.000 đồng/kg lợn hơi thì 1kg thịt lợn hơi còn rẻ hơn cả 1 kg khoai lang bán ở ngoài chợ. Mà càng nuôi lại càng lỗ vì thương lái rất kén chọn lợn, lợn càng to giá càng rẻ. Con dưới 1 tạ và nhiều nạc thì còn được 18.000-20.000 đồng/kg, chứ những con trên tạ hoặc tạ rưỡi đổ lên thì thậm chí không ai hỏi mua," anh Nhượng não nề.

Thậm chí anh đã phải đối phó với đàn lợn bằng cách giảm bữa ăn của lợn, thay vào đó cho lợn uống nước cầm hơi và tăng cường cám ngô, rau xanh thay cho thức ăn chăn nuôi.

Hà Nam: Đàn lợn uống nước cầm hơi, người dân bữa ăn bữa lo ảnh 2Cho lợn ăn uống nước và thêm cám để cầm hơi chờ giá lên. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

“Giờ các đại lý thức ăn chăn nuôi cũng không cung cấp cám cho những hộ chịu nợ nữa nên giờ nuôi không được, bán không xong. Lợn thì bữa ăn bữa đói, người thì bữa ăn bữa lo,” anh Nhượng vò đầu bứt tai cho hay.

["Giải cứu thịt lợn": Doanh nghiệp kê khai giá bán thức ăn chăn nuôi]

Gia đình ông Nguyễn Huy Vui, thôn An Lão, xã An Lão, Bình Lục, Hà ​Nam cũng đang trong tình cảnh tương tự, khi đàn lợn cũng bữa ăn bữa nhịn vì không còn vốn để mua thức ăn chăn nuôi.

Ông Nguyễn Huy Vui cũng nơm nớp lo lắng vì cứ đà giá này thì chắc tài sản gia đình “đội nón ra đi hết” vì ông không có khả năng để trả nợ. Từ trước đến nay, cả nhà đều trông đợi hết cả vào lứa lợn, nay thì không còn hi vọng vớt vát gì được nữa.

Nói đến hoàn cảnh éo le của nhà ông Vui thì ít ai hình dung được một nông dân gần sáu chục tuổi đang mang gánh nặng làm kinh tế nuôi cả gia đình. Người con cả của ông Vui ốm đau, gần như không còn sức lao động. Đứa con của anh con trai cả này chưa đầy 6 tháng tuổi đã vừa trải qua ca mổ bệnh tim bẩm sinh.

Đằng sau câu chuyện "giải cứu lợn", dường như đó không chỉ còn là câu chuyện giá cả nữa mà đó còn là cuộc sống mưu sinh, là miếng cơm manh áo, là hạnh phúc của nhiều hộ gia đình. Họ biết làm gì để trang trải cuộc sống nếu không tiếp tục nghề?

Liệu người chăn nuôi có “bỏ” nghề lợn?

Khi được hỏi, nếu kết thúc lứa lợn này và thị trường vẫn chưa có tín hiệu khả quan thì những hộ nuôi còn tiếp tục bám nghề hay không, ngay lập tức có sự mâu thuẫn trong lựa chọn của người chăn nuôi.

Bỏ ra chi phí tiền tỷ đầu tư đối với một hộ nông dân nhỏ lẻ là một vấn đề không hề nhỏ và “hứng” ngay đợt khủng hoảng chưa từng có khiến người chăn nuôi hoang mang tột độ.

Thất bại ngay từ lứa đầu nuôi, anh Nhượng đã vô cùng chán nản mặc dù muốn gắn bó lâu dài khi bắt đầu ý định đầu tư. Anh Nhượng cho biết: “Giờ muốn nuôi nữa cũng không có vốn mà làm vì vốn nhà đã cạn, trong khi nếu đi vay ngân hàng chỉ cần nghe nói vay để nuôi lợn thì ngân hàng họ đã không giải quyết.”

Mong muốn lớn nhất hiện nay của anh Nhượng là làm sao trong chuồng hết lợn là mừng, còn lợn là còn lo. “Sau vụ này, chắc anh phải ‘treo chuồng’ một thời gian,” anh Nhượng tặc lưỡi nói.

Tuy nhiên, đối với nhiều hộ gia đình thâm niên lâu năm trong nghề như ông Vui, thì không thể bỏ nghề được, vì nếu “bỏ” lợn thì nhà ông biết làm gì khác để mưu sinh.

Ông Vui cũng cho biết, ông sẽ tìm cách để luân phiên gối các lứa lợn đồng thời giảm quy mô đàn và giãn đàn. Bởi theo kinh nghiệm của ông giá cả lên xuống là quy luật của thị trường nhưng nếu lứa lời có thể gánh cho lứa lỗ thì vẫn tốt hơn là đầu tư ào ạt vào một thời điểm.

Bên cạnh đó, ông Vui cũng bày tỏ mong mỏi và hy vọng những chính sách của Nhà nước đến được từng hộ dân và tạo cơ hội cho họ tiếp tục bám trụ được với nghề.

Chăn nuôi an toàn

Ông Vũ Văn Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho biết, theo thống kê nhanh, số lượng lợn trên địa bàn xã thời điểm cuối tháng 4/2017 có 21.085 con lợn. Trong số đó, lợn thịt khoảng 13.400 con, lợn nái khoảng 2.350 con, lợn con theo mẹ khoảng 5.323 con.

Hà Nam: Đàn lợn uống nước cầm hơi, người dân bữa ăn bữa lo ảnh 3Ông Vũ Văn Bộ cho biết chăn nuôi chiếm tỷ trọng hơn 60% trong ngành nông nghiệp toàn xã. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Vũ Văn Bộ cũng cho biết, mặc dù tình hình giá lợn vẫn còn thấp, nhưng so với thời điểm tháng Tư thì hiện giá lợn đã nhích cao hơn. Với tổng số hộ nuôi lợn trên địa bàn xã khoảng 613 hộ nhưng chỉ có 2 hộ bỏ trống chuồng.

“Chăn nuôi chiếm tỷ trọng hơn 60% trong toàn ngành nông nghiệp của xã nên mặc dù đợt giá lợn thấp có ảnh hưởng đáng kể đối với sinh kế của người chăn nuôi cũng như kinh tế toàn xã nhưng người nuôi không thể nói bỏ lợn là bỏ lợn được. Vì đây vẫn là một nghề mang lại thu nhập cho người dân nếu vượt qua giai đoạn khó khăn này,” Phó Chủ tịch Vũ Văn Bộ nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Vũ Văn Bộ, hiện xã cũng đã làm việc với phía ngân hàng và đề xuất giãn nợ, khoanh nợ cho các hộ chăn nuôi, đồng thời khuyến cáo người dân không tăng đàn vào thời điểm này.

“Bên cạnh đó, địa phương cũng đã vận động bà con giữ môi trường chăn nuôi sạch sẽ, để không để phát sinh dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi an toàn. Đặc biệt, xã cũng đang xúc tiến để xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong thời gian tới, đầu tư bài bản thì thị trường ‘đầu ra’ sẽ tốt hơn,” Phó Chủ tịch Vũ Văn Bộ nói./.

Người dân chán nản với nghề nuôi lợn
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục