Bài 2: Hóa giải “bài toán tuyến tính” về sinh kế bằng công cụ tư duy

Sau mỗi buổi sinh hoạt, mỗi thành viên cần có ngay cho mình một số hành động và cam kết cụ thể để thực hiện. Hơn thế, những thay đổi dù nhỏ đều yêu cầu ghi nhận và khuyến khích duy trì và nhân rộng.
Bà con xã viên tại ấp Tư, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh sử dụng công cụ tư duy tìm ra các phương án và cách thức cùng nhau tổ chức kinh tế. (PV/vietnam+)
Bà con xã viên tại ấp Tư, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh sử dụng công cụ tư duy tìm ra các phương án và cách thức cùng nhau tổ chức kinh tế. (PV/vietnam+)

Tham dự một buổi họp của bà con xã viên tại ấp Tư, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, tôi hoàn toàn bất ngờ và học được rất nhiều từ cách sử dụng công cụ tư duy của người dân trong việc tìm ra các phương án và cách thức cùng nhau tổ chức kinh tế.

Đau đầu bài toán “tôm syphon”

Nếu như các bà, các chị nội trợ trên thành phố mỗi khi mua tôm thẻ thường thích chọn những con lột vỏ bởi những con tôm này vỏ sẽ rất mềm và khi chế biến thịt tôm vẫn săn chắc và ngon, thì ngược lại, những người nuôi tôm lại rất “đau đầu” với bài toán làm sao có thể tận dụng tôm lột vỏ, rớt đáy lên đến hàng tấn mỗi ngày. Do, những con tôm yếu không thể vận chuyển và bán trong thành phố. Thay vào đó, chúng được bán ở chợ địa phương và nếu bán không hết người dân sẽ phải thuê nhân công xử lý, như chôn chúng xuống đất nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.

Giải thích về điều này, ông Phạm Văn Sánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Đồng Tiến, ấp Tư, xã Mỹ Long Nam, chia sẻ nuôi tôm công nghệ cao, phải sử dụng giải pháp syphon hàng ngày để hút các chất thải, thức ăn dư thừa lắng tụ trong hồ nuôi, từ đó giải phóng các khí độc đồng thời tăng oxy hòa tan trong nước cho hồ nuôi tôm. Nhưng trong quá trình syphon, những con tôm lột, tôm yếu không bò được cũng bị hút lên.

Bài 2: Hóa giải “bài toán tuyến tính” về sinh kế bằng công cụ tư duy ảnh 1 Những người nuôi tôm lại rất “đau đầu” với bài toán làm sao có thể tận dụng tôm lột vỏ, rớt đáy lên đến hàng tấn mỗi ngày. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Bà con rất đau đầu trong việc xử lý những con tôm lột và tôm rớt đáy. Mỗi ngày, khối lượng ‘tôm syphon’ tại các hồ trong khu vực lên tới hàng tấn. Song, những con tôm này rất yếu không bán được cho thương lái, mà chỉ có thể bán trong chợ cho bà con chòm xóm. Khối lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu tiêu thụ lại rất thấp, do đó khối lượng tôm bán không được bao nhiêu. Bên cạnh đó, giá bán cao thì được 50.000 đồng/kg, nhưng do tôm rớt đáy nhiều quá khiến giá xuống chỉ còn 10.000 đồng/kg mà vẫn không bán hết,” ông Sánh trầm tư.

Bài toán này đã khiến các xã viên hợp tác xã Đồng Tiến và bà con nuôi tôm tại ấp Tư trăn trở và băn khoăn lâu nay.

Bà Dương Thị Lan, ấp Tư, xã Mỹ Long Nam với khuôn mặt buồn thiu, chia sẻ mối bận tâm này, con ‘tôm syphon’ chỉ bán ở chợ xung quanh đây nên không có nhiều người mua. Mặc dù tôm lột vỏ rất ngon nhưng bán rẻ cũng không có thị trường tiêu thụ. Mỗi lần ‘tôm syphon’ chết bỏ đi rất uổng, hơn nữa nếu chúng tôi mang đổ ra môi trường sẽ bị phạt, mà chôn xuống đất lại mất thêm nhân công.”

Theo ông Sánh, lâu nay người dân nuôi tôm chưa nghĩ ra phương pháp hiệu quả để tận dụng những con “tôm syphon” này. Trên thực tế, những con tôm thẻ đến kỳ lột vỏ, thân rất mềm nên không thể làm tôm khô, nhưng nếu chế biến tôm thành thực phẩm, như sản xuất bánh phồng tôm sẽ chất lượng hoặc xay thịt làm chả tôm cũng rất ngon, nhưng ý tưởng này đòi hỏi bà con phải tính đến việc đầu tư kho lạnh, nhà xưởng, kỹ thuật sản xuất, kiến thức kinh doanh...

Đơn giản hóa những con tính phức tạp

Trong một căn phòng nhỏ với hai dãy bàn, khoảng hơn hai chục người đàn ông và phụ nữ, có cả thanh niên, trung niên, người cao tuổi đang cùng nhau tham gia một buổi họp bàn tận dụng “tôm syphon” và hướng giải quyết, xử lý con tôm rớt đáy.

Một điều bất ngờ, những người nông dân này đã sử dụng miếng giấy ghi chú nhỏ, dán trên những tờ giấy A0 thực hành một loại công cụ tư duy. Việc làm này giống như thời sinh viên đại học chúng tôi giải những bài toán quy hoạch tuyến tính viết dưới dạng ma trận.

Ban đầu, mỗi người trong số họ viết lên những miếng giấy màu hồng về từng công việc sinh kế hàng ngày và những sáng kiến của mình. Sau đó, họ xếp những miếng giấy đó lên tờ giấy A0 treo trên một cái bảng. Với những ý kiến giống nhau, họ xếp thành một tệp, dần dần các loại công việc sinh kế phổ biến trong ấp hiện lên. Tiếp đến, những nhóm công việc hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao, có tính khả thi… được họ xếp riêng sang một bên. Từng bước trao đổi và cuối cùng, họ đi đến thống nhất ưu tiên bàn về công việc nuôi tôm.

Bài 2: Hóa giải “bài toán tuyến tính” về sinh kế bằng công cụ tư duy ảnh 2Những người nông dân này đã sử dụng miếng giấy ghi chú nhỏ, dán trên những tờ giấy A0 thực hành một loại công cụ tư duy.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Quan sát cách làm việc của những người nông dân này, có thể rất nhiều sinh viên đại học, thậm chí một số bạn đã từng đạt điểm cao trong môn học toán cao cấp nhưng không biết liên hệ thực tế thì chưa chắc đã làm được những điều như trên.

Ngay sau khi đi đến kết luận nuôi tôm, những người nông dân này chuyển sang mấy tờ giấy màu vàng và họ lại viết lên đó từng vấn đề trong công việc nuôi tôm, những thuận lợi-khó khăn được xếp riêng sang hai bên trên tấm giấy A0.

Với phương pháp đó, những người nông dân tìm ra các nguyên nhân khiến việc nuôi tôm ở một số hộ bị thua lỗ, rồi họ tiếp tục chia sẻ ý kiến cho nhau-từng biện pháp xử lý lại được viết lên trên mỗi miếng giấy. Một tấm giấy A0 mới được treo lên tấm bảng trắng, các ý kiến trở nên rõ ràng hơn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên (những vấn đề được nhiều miếng giấy đề cập nhất). Sau trao đổi, bàn bạc sôi nổi đó, lời giải tương đối hoàn hảo hiện dần trên tấm bảng.

Nhìn những nét chữ nguệch ngoạc trên mỗi miếng giấy ghi nhớ nhỏ, tôi không khỏi xúc động vì biết trên đó là kết quả tối ưu của bài toán ma trận trước đó, mà ẩn chứa trong đó là kiến thức, tư duy, tâm huyết và cả kinh nghiệm xương máu của những người nông dân “hai sương, một nắng.”

Giải bài toán một cách triệt để

Theo thuật ngữ của bà con ở đây, “tôm syphon” là vẫn còn sống và “tôm rớt đáy” là tôm đã chết. Do thời gian cuộc họp đã gần hết, tạm gác lại bài toán tận dụng “tôm syphon,” những người nông dân thống nhất bàn bạc: Sử dụng những con tôm rớt đáy như thế nào?

Những mảnh giấy ghi nhớ lần lượt được chuyển lên trên phía người điều khiển cuộc họp, chúng được dính lên tờ giấy A0. Những người nông dân lần lượt đưa ra ý kiến và những ý tưởng thiếu tính khả thi được bóc xuống. Hai sáng kiến-sử dụng “tôm rớt đáy” để nghiền và trộn làm thức ăn cho gia súc hoặc phân hữu cơ cho cây trồng được đa số bà con biểu quyết.

Sau đó, những mảnh giấy ghi nhớ màu xanh ngay lập tức được phát ra, các phần công việc cần được triển khai được nêu lên: Liên hệ tìm người hướng dẫn về công thức pha trộn thức ăn gia súc hoặc phân hữu cơ; họp tổ-tổ chức trao đổi, tổ chức thu mua “tôm rớt đáy”; tìm nguồn mua máy trộn; lập tổ-lập kế hoạch cho ban quản lý nhóm sản xuất; nơi tiêu thụ sản phẩm… Kết quả, có 16 hộ đăng ký tham gia dự án xử lý “tôm rớt đáy”. Trên cơ sở đó, mọi người khẩn trương tra cứu các loại máy trộn và giá bán trên thị trường, dự trù kinh phí và tỷ lệ vốn góp.

Bài 2: Hóa giải “bài toán tuyến tính” về sinh kế bằng công cụ tư duy ảnh 3Hai sáng kiến-sử dụng “tôm rớt đáy” để nghiền và trộn làm thức ăn cho gia súc hoặc phân hữu cơ cho cây trồng được đa số bà con biểu quyết. (Ảnh: PV/vietnam+)

Đến thời điểm biểu quyết góp vốn tham gia, không khí bắt đầu trầm xuống. Một số người trầm tư và nhẩm tính, một vài người lại đưa ra một vài ý kiến còn băn khoăn. Song sau 2 giờ bàn luận, các thành viên này đi đến thống nhất, các cánh tay đồng loạt giơ lên và từng người lần lượt đặt bút ký cam kết.

Đáng chú ý, một người phụ nữ cao tuổi khá nhút nhát từ phía ngoài cửa bước vào và nói: “cho tôi điểm chỉ!” Tôi lại gần tâm sự và được biết bà tên là Nguyễn Thị Lan, 75 tuổi và không biết chữ, nhưng việc theo dõi và tham gia các buổi họp giúp bà có được tự tin đầu tư nuôi hai hồ tôm.

“Nghe mọi người trao đổi như vậy, tôi thấy rất dễ hiểu. Việc tham gia vào các buổi họp và tập huấn rất có ích. Tôi có nuôi hai hồ tôm và có vụ lỗ-vụ lãi, song bình quân tôi cũng có thể thu lời khoảng 70 triệu đồng-100.000 triệu đồng/vụ-3 tháng,” bà Lan tủm tỉm cười nói.

Giải thích về công cụ tư duy được những người nông dân nói trên sử dụng, ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới gia đình và phát triển cộng đồng, cho biết đó là Hệ thống học tập và hành động về giới (Gender Action Learning System), một phương pháp tăng quyền được thực hiện bởi chính cộng đồng, nhằm tăng quyền cho phụ nữ và nam giới để họ tự chủ trong cuộc sống, thúc đẩy và hỗ trợ phong trào bình đẳng giới một cách bền vững.

Hệ thống thực hiện trên ba nguyên tắc, mỗi người đều là lãnh đạo-mỗi thành viên tham gia được củng cố niềm tin, động lực để xây dựng kỹ năng và thực hành thể hiện quan điểm cá nhân, tham gia vào quá trình ra quyết định của tập thể. Bên cạnh đó, những người nắm giữ vị trí quản lý được khuyến khích tăng cường khả năng lắng nghe và kỹ năng giao tiếp để phát huy tối đa năng lực và sự tham gia của các thành viên. Yếu tố tiếp đến là sự bình đẳng với tất cả mọi người-mọi thành viên tham gia tiến trình này, không phân biệt giới tính, độ tuổi, địa vị, điều kiện kinh tế…, tạo cơ hội cho họ có cơ hội tham gia, ra quyết định cũng như hưởng thụ lợi ích như nhau.

Điểm mấu chốt là những bắt đầu từ những thay đổi nhỏ-sau mỗi buổi sinh hoạt, mỗi thành viên cần có ngay cho mình một số hành động và cam kết cụ thể để thực hiện. Hơn thế, những thay đổi dù nhỏ của mỗi cá nhân, mỗi gia đình hay tổ nhóm đều yêu cầu ghi nhận và khuyến khích duy trì, học hỏi và nhân rộng ở mọi cấp độ.

“Việc này sẽ giúp tạo động lực và xây đắp cho những thay đổi lâu dài và bền vững hơn,” ông Sơn nói./.

Bài 2: Hóa giải “bài toán tuyến tính” về sinh kế bằng công cụ tư duy ảnh 4Bà Nguyễn Thị Lan, 75 tuổi và không biết chữ, nhưng việc theo dõi và tham gia các buổi họp trong ấp đã giúp bà có được tự tin đầu tư nuôi hai hồ tôm.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Bài 3: Chùm ảnh: Người nông dân lập trình tư duy làm kinh tế

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục