Zimbabwe có nguy cơ quay lại siêu lạm phát như những năm 2000

Đồng tiền của Zimbabwe đã mất giá mạnh, từ tỷ giá 1 USD đổi 1 đôla Zimbabwe hồi tháng 2 xuống 1 USD đổi 16,5 đôla Zimbabwe (tính đến ngày 23/9), theo đó mức lạm phát trong tháng 8 là gần 300%.
Zimbabwe có nguy cơ quay lại siêu lạm phát như những năm 2000 ảnh 1Kiểm đồng USD tại Mutoko, Zimbabwe, ngày 14/3/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 26/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố lạm phát trong tháng 8 vừa qua tại Zimbabwe, đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế trong 20 năm qua, đã tăng vọt lên mức gần 300%, và có nguy cơ nước này quay trở lại siêu lạm phát như những năm 2000.

IMF cho biết đồng tiền của Zimbabwe đã mất giá mạnh, từ tỷ giá 1 USD đổi 1 đôla Zimbabwe hồi tháng 2 xuống 1 USD đổi 16,5 đôla Zimbabwe (tính đến ngày 23/9), theo đó mức lạm phát trong tháng 8 là gần 300%.

IMF nhấn mạnh quốc gia châu Phi này sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2019, và thậm chí tình hình sẽ còn trầm trọng hơn do tác động của thời tiết khắc nghiệt.

Tăng trưởng GDP trong năm 2019 của quốc gia này sẽ sụt giảm xuống mức âm do ảnh hưởng của hạn hán đối với sản xuất điện và nông nghiệp, hậu quả của cơn bão Idai và chính sách củng cố tài chính sẽ làm hạ mức tăng trưởng. IMF kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giải quyết các nguyên nhân của bất ổn kinh tế.

[Zimbabwe cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch thanh toán]

Những dự báo của IMF làm dấy lên lo ngại Zimbabwe sẽ trở lại tình trạng siêu lạm phát hơn 10 năm trước đây, với mức lạm phát lên tới 500 tỷ phần trăm.

Tình trạng lạm phát này dừng lại khi nước này từ bỏ đồng nội tệ năm 2009 và thiết lập hệ thống giao thương đa tiền tệ, trong đó đồng USD được sử dụng phổ biến nhất.

Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, lạm phát của Zimbabwe ở mức 176% và chính phủ nước này đã đưa ra quyết định cấm các giao dịch bằng ngoại tệ trong nỗ lực làm cạn ngoại tệ trên thị trường chợ đen và tránh sự quay trở lại của tình trạng siêu lạm phát.

Khủng hoảng kinh tế và tài chính kéo dài đã khiến hàng triệu người Zimbabwe rời bỏ đất nước. Tổng thống Emmerson Mnangagwa khi lên nắm quyền kế nhiệm cựu Tổng thống Robert Mugabe cuối năm 2017 đã cam kết khôi phục nền kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nước này vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu và điện thường xuyên lên tới 19 giờ mỗi ngày, đặc biệt thủ đô Harare bị đe dọa không còn nước sạch vì những khó khăn tài chính của nhà máy lọc nước duy nhất ở đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục