"Zero COVID" sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế Trung Quốc

Các chuyên gia nhận định, chiến lược "Zero COVID" đòi hỏi chính quyền Trung Quốc phải có những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, điều này sẽ tác động tới các hoạt động cung và cầu trong nền kinh tế.
Công nhân làm việc tại một máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các chuyên gia cảnh báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại khi nước này kiên quyết theo đuổi chiến lược "zero COVID" với mục tiêu đưa số ca mắc trong cộng đồng về 0.

Cụ thể, trả lời phỏng vấn CNBC, nhà kinh tế học Hao Zhou, chuyên gia phân tích các thị trường mới nổi của Commerzbank (Đức), nhận định nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách "Zero COVID" nhu cầu trong nước sẽ bị hạn chế.

Theo chuyên gia này, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ sớm thay đổi chiến lược trên nên trong vài quý tới hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục chậm lại.

Chiến lược "Zero COVID" đòi hỏi chính quyền phải nhanh chóng phong tỏa nghiêm ngặt khu vực bùng phát dịch kể cả là phát hiện một hay nhiều ca bệnh, tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, đóng cửa hoặc kiểm soát chặt chẽ các đường biên giới, cùng với đó là phải triển khai các hệ thống truy dấu tiếp xúc và cách ly bắt buộc.

[Giới chức Trung Quốc khẳng định tiếp tục chính sách Zero COVID-19]

Mà những biện pháp này cuối cùng đều tác động tới các hoạt động cung và cầu trong nền kinh tế. Nhiều quốc gia ở châu Á cũng từng theo đuổi chính sách "Zero COVID" và nỗ lực để đánh bật hoàn toàn virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, các nước này đã dần từ bỏ chiến lược trên khi biến thể Delta xuất hiện và lây lan khó kiểm soát đến mức mà các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt cũng không thể phát huy hiệu quả kiềm chế.

Bên cạnh những tác động của các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, "quả bom nợ" Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 tại Trung Quốc - cũng là một mối nguy lớn với nền kinh tế thứ 2 thế giới này.

Những lo ngại từ Evergrande đang lan sang các công ty bất động sản khác, một vài trong số này đã hoãn thanh toán nợ hoặc ghi nhận tình trạng nợ xấu.

Đây đều là những diễn biến đáng lo ngại trong bối cảnh ngành bất động sản và các ngành liên quan đóng góp khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc, theo ước tính của Moody.

Theo khảo sát của CNBC, 10 ngân hàng lớn trên thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 của Trung Quốc. Với khảo sát của Reuters, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4,9% trong quý 3, thấp hơn mức kỳ vọng 5,2% và giảm sâu so với mức 7,9% được ghi nhận ở quý trước đó.

Eswar Prasad, Giáo sư chính sách thương mại từ Đại học Cornell (Mỹ) cho rằng dựa trên thực tế tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại rõ rệt, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc một số biện pháp cụ thể, có thể là điều chỉnh chính sách tiền tệ, hướng các nguồn cho vay vốn vào những lĩnh vực kinh tế khác có hiệu quả và sáng tạo hơn.

Giáo sư Prasad cho rằng Bắc Kinh đang đứng trước nhiều thách thức để đưa ra những biện pháp có thể cân bằng các mục tiêu là vừa đảm bảo duy trì tăng trưởng ở mức tốt lại vừa giảm phụ thuộc vào công nghiệp và siết chặt quản lý ngành bất động sản trong khi ngành này là một phần quan trọng của nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục