Yoga - luyện tập sự cân bằng thể chất, tinh thần và cảm xúc

Trải qua hàng nghìn năm phát triển, thế giới Yoga trở nên đa dạng và được phân chia ra thành nhiều thể loại khác nhau để phù hợp với thể trạng và nhu cầu của từng người.
Yoga - luyện tập sự cân bằng thể chất, tinh thần và cảm xúc ảnh 1Kỹ thuật thở rất quan trọng khi tập luyện Yoga. Nó chính là nền tảng của một bài tập Yoga. (Nguồn: Anri Shiga)

Yoga bắt nguồn từ Ấn Độ vào thời điểm cách đây hơn 5.000 năm. Cái tên Yoga bắt nguồn từ tiếng Phạn có nghĩa là hợp nhất tinh thần, thể chất và linh hồn.

Ngày nay, hàng triệu người trên khắp thế giới luyện tập Yoga vì những lợi ích sức khỏe thể chất và tinh thần mà nó mang lại.

Trải qua hàng nghìn năm phát triển, thế giới Yoga trở nên đa dạng và được phân chia ra thành nhiều thể loại khác nhau để phù hợp với thể trạng và nhu cầu của từng người.

[5 điểm đến lý tưởng của Việt Nam cho loại hình du lịch yoga]

“Khi nói đến việc luyện tập yoga sẽ không có đúng hay sai, không có tốt hơn hay tốt nhất, chỉ là cách tập luyện với hơi thở và chuyển động mà bạn có thể kết hợp vào cuộc sống của mình, như một cách giúp bạn vượt qua những thách thức và căng thẳng trong cuộc sống," Charlotte Douglas, một giáo viên Yoga ở Hong Kong, cho biết.

Douglas nói thêm: “Tất cả các trường phái Yoga đều giúp bạn khỏe hơn, cải thiện tính linh hoạt và sự cân bằng ở thể chất, tinh thần và cảm xúc.”

Viyasa Yoga

Vinyasa Yoga liên kết chuyển động và hơi thở, tập trung tạo ra một dòng chảy các tư thế, luân chuyển nhịp nhàng từ bài này tới bài khác.

Lớp học sẽ dựa vào rất nhiều sự sáng tạo của giáo viên và nó không có một cấu trúc buổi tập cứng nhắc. Phong cách Yoga này có thể chậm rãi, nhẹ nhàng hay nhanh, cường độ cao, tùy thuộc vào khả năng của bạn.

Hatha Yoga

Hatha lấy tên từ tiếng Phạn có nghĩa là năng lượng Mặt Trời và năng lượng Mặt Trăng. Hatha Yoga giúp người tập cân bằng 2 nguồn năng lượng này trong cơ thể.

Hatha Yoga là loại nhẹ nhàng, phù hợp cho người mới bắt đầu tập hoặc cho những người rèn luyện Yoga đã thành thạo cần thư giãn.

Hiện nay có hàng trăm tư thế Hatha Yoga và nhiều biến thể khác nhau để giúp cơ thể được thư giãn, cân bằng và dẻo dai, hỗ trợ lưu thông máu huyết giữa các cơ quan giúp việc trao đổi chất trong cơ thể mạnh mẽ hơn, từ đó những người tập yoga trở nên khỏe hơn.

Iyengar Yoga

Loại hình Yoga này tập trung vào khả năng giữ thẳng người. Mỗi tư thế cần tập luyện lâu và người tập cần nhiều thời gian để giữ cố định. Loại hình này cần sự kết hợp của nhiều dụng cụ như dây đai, gạch tập Yoga...

Yin Yoga

Yin Yoga, một loại hình yoga nhẹ nhàng, chậm rãi, với các tư thế được giữ trong vài phút, sẽ giúp bạn tận hưởng sự tĩnh lặng và cảm nhận rõ ràng mọi thứ đang diễn ra bên trong cơ thể.

Các bài tập Yin Yoga thường bao gồm các tư thế thư giãn, tương đối thụ động, phải giữ trong 5 phút hoặc hơn và chủ yếu hoạt động ở phần dưới của cơ thể - hông, xương chậu, đùi trong, cột sống, những nơi có nhiều mô liên kết.

Kundalini Yoga

Kundalini Yoga là loại hình Yoga tập trung vào sức khỏe tinh thần với mục đích đánh thức trí tuệ và nguồn năng lượng từ bên trong mỗi người.

Trong tiếng Phạn, Kundalini có nghĩa là 'cuộn như con rắn' và năng lượng kundalini đề cập đến năng lượng cuộn lại nằm ở đáy cột sống.

Bởi trong quá trình tập luyện, Kundalini Yoga sẽ khơi dậy nguồn năng lượng hoặc sức mạnh đang ngủ yên ở gốc cột sống theo dạng một con rắn cuộn tròn trong cơ thể. Khi nguồn năng lượng này được đánh thức, cơ thể sẽ được cân bằng và đem đến sự hỗ trợ rất lớn cho sức khỏe tinh thần.

Hot Yoga

Hot Yoga không phải là các bài tập Yoga thông thường mà là một hệ thống gồm 26 tư thế Yoga được tập trong một căn phòng có nhiệt độ từ 35-40 độ C hoặc cao hơn với độ ẩm 40%.

Yoga - luyện tập sự cân bằng thể chất, tinh thần và cảm xúc ảnh 2(Nguồn: Shutterstock)

Các động tác của Yoga nóng theo cấp độ từ thấp đến nâng cao và chủ yếu là các tư thế tĩnh.

Khi tập luyện, Hot Yoga sẽ sử dụng nhiệt độ bên ngoài để giữ căn phòng có độ nóng cần thiết. Tuy nhiên, khi tập luyện, cơ thể cũng sẽ sản sinh ra nhiệt và làm nóng lên. Với sức nóng như vậy, cơ thể sẽ được kích thích khả năng vận động.

Ashtanga Yoga

Ashtanga Yoga được coi là một hình thức Yoga hiếm hoi tập trung vào một chuỗi bài tập thể chất mạnh mẽ và năng động. Đây là một điểm rất phù hợp cho những ai ưa thích Yoga mà muốn đồng thời có thể đốt cháy nhiều calo và cải thiện vóc dáng đẹp hơn.

Ashtanga Yoga mang đến bạn giáo trình tập luyện với một loạt các tư thế chuyên sâu để giúp bạn vượt qua những rào cản của tinh thần và cảm xúc.

Mục tiêu cuối cùng là giúp bạn nuôi dưỡng sự minh mẫn, sức mạnh, sự linh hoạt và bền bỉ của cơ thể và tinh thần. Kế hoạch luyện tập với tần suất hợp lý có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe một cách nhanh chóng.

Yoga Therapy

Yoga Therapy là một loại hình Yoga trị liệu, một hình thức tập Yoga để nâng cao sức khỏe. Phương pháp tập luyện này đã có thời gian tồn tại lâu dài, được ứng dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày nhằm giúp cho con người cải thiện sức mạnh thể chất.

Những kỹ thuật, bài tập của Yoga Therapy chú trọng đến yếu tố trị liệu như việc áp dụng tư thế tập, cách thở và hoạt động thiền định. Tính chất của các hoạt động là nhẹ nhàng, tác động lên đa dạng nhóm cơ, giảm căng cơ, xoá bỏ các biểu hiện của đau nhức xương khớp, làm cho cơ thể được săn chắc hơn.

Yoga Therapy là trường phái Yoga cổ điển, có thể thích hợp với nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau với chung mục đích là có được một sức mạnh thể chất dẻo dai, ngăn ngừa bệnh tật và sống thọ.

Restorative Yoga

Restorative Yoga là phong cách Yoga được biết đến với tác dụng làm thư giãn và hồi phục.

Bất kỳ động tác nào được kết hợp với nhau và có cảm giác nhẹ nhàng thư giãn thì vẫn được gọi là Yoga phục hồi. Và một điều rất giống Iyengar Yoga, với Restorative Yoga, bạn sẽ phải thường xuyên sử dụng đạo cụ như gạch tập Yoga, thảm, vòng, dây đai… Các động tác của Restoretive Yoga cũng thường giữ lâu hơn so với các động tác của loại hình khác.

Đối với Yoga, ngay cả khi bạn thực hành các bài tập mạnh mẽ với cường độ cao hơn như Ashtanga hoặc Vinyasa thì mục tiêu cuối cùng vẫn không đổi: phát triển nhận thức và tìm thấy sự bình yên bên trong./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục