Yếu tố nào làm giảm sức hấp dẫn của đồng bạc xanh?

Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng ngày cuối tuần là 25.059 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.672 VND/USD.
Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phiên giao dịch cuối tuần (29/12), tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.866 VND/USD, so với đầu tuần, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và USD giảm 29 đồng.

Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng ngày cuối tuần là 25.059 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.672 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng bạc xanh ngày cuối tuần được niêm yết tại BIDV ở mức 24.110-24.410 VND/USD (mua vào-bán ra). Như vậy, so với đầu tuần, giá đồng bạc xanh tại ngân hàng này giữ nguyên ở cả chiều mua vào và bán ra.

Giá đồng USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 24.040-24.410 VND/USD (mua vào-bán ra). Trong tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng này giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Trong khi đó, trên thị trường thế giới, đồng USD tiếp tục được ghi nhận giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng qua so với đồng euro và các đồng tiền chủ chốt khác trong phiên giao dịch 27/12, trước những dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ sớm hạ lãi suất.

Nhưng khi nhiều nhà giao dịch vẫn đang nghỉ lễ, khối lượng giao dịch có thể vẫn thấp cho đến sang năm mới và các biến động giá có thể bị phóng đại do thanh khoản thấp.

Chỉ số đồng USD, đo sức mạnh của "đồng bạc xanh" so với rổ các đồng tiền chủ chốt, đã giảm 0,48% xuống 100,98 (điểm), mức thấp nhất kể từ ngày 27/7. Chỉ số này đang trên đà hướng đến mức giảm 2,45% trong năm 2023 sau hai năm tăng mạnh trước đó nhờ chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed.

So với các ngân hàng trung ương lớn khác, Fed đang thiên nhiều hơn về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ.

Các dự đoán về khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 3/2024 gia tăng sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell bất ngờ thể hiện lập trường ủng hộ nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp tháng 12 vừa qua của Fed.

Các ngân hàng trung ương khác, trong đó có Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn giữ lập trường sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm một thời gian nữa.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết đang tiến gần hơn đến việc kết thúc chính sách lãi suất âm, dù vẫn giữ quan điểm là ngân hàng này không vội thay đổi chính sách.

Năm 2023 được cho là một năm tồi tệ nhất đối với đồng USD kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong bối cảnh phố Wall đồn đoán Fed sẽ hạ lãi suất sau khi đưa lạm phát vào tầm kiểm soát một cách an toàn.

Phần lớn sự sụt giảm của đồng USD diễn ra trong quý 4/2023 do thị trường ngày càng tin tưởng rằng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2024 khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại.

Điều này đã làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD vì các ngân hàng trung ương khác có thể giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục