Yếu tố Mỹ- Trung Quốc sẽ chi phối Hội nghị thượng đỉnh G20

Căng thẳng thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc dường như sẽ là nội dung chi phối chương trình nghị sự của G20 tại Osaka.
(Nguồn: Daily Sabah)
(Nguồn: Daily Sabah)

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại Nhật Bản trong hai ngày 28-29/6 tới tại Nhật Bản được dự đoán sẽ là một hội nghị “sóng gió” về thương mại, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chỉ trích Bắc Kinh và đe dọa đánh thuế hơn nữa đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Căng thẳng thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới dường như sẽ là nội dung chi phối chương trình nghị sự của G20 tại Osaka.

Trả lời phỏng vấn của kênh Fox Business Network trước khi sang Nhật Bản, Tổng thống Trump cho rằng kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và Bắc Kinh muốn đạt được một thỏa thuận với Mỹ.

Sau khi đánh thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vị tổng thống này đe dọa Trung Quốc vẫn còn 325 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ mà Washington chưa đánh thuế.

[Tổng thống Trump 'nước đôi' về đàm phán thương mại Mỹ-Trung]

Các thị trường trên toàn cầu đều hy vọng hai siêu cường kinh tế này có thể đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt tình hình căng thẳng vốn đã là một “cơn gió ngược” lớn đối với kinh tế thế giới thời gian qua.

Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia cho rằng hai nên khó có thể đạt được một thỏa thuận chính thức tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này do thiếu thời gian chuẩn bị cho những vấn đề phức tạp có liên quan. Theo giới chuyên gia, kịch bản tốt nhất có thể diễn ra là một “thỏa thuận đình chiến” và cam kết sẽ tiếp tục đàm phán.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể nhất trí tái khởi động quá trình đàm phán thương mại, một kịch bản tương tự với kết quả hai bên đạt được trong cuộc gặp gần đây nhất vào tháng 12 năm ngoái tại Argentina.

Trong trường hợp này, các mức thuế hiện hành của hai bên đối với hàng hóa của nhau sẽ vẫn được áp dụng, nhưng sẽ không bên nào áp thêm thuế để thể hiện thiện chí trong đàm phán.

Bên cạnh đó, tại cuộc gặp Thủ tướng Shinzo Abe vào ngày 28/6, Tổng thống Trump được dự đoán sẽ yêu cầu Nhật Bản cắt giảm thuế đối với các mặt hàng nông sản của Mỹ như một phần trong thỏa thuận thương mại giữa hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục