Yếu tố giúp doanh nghiệp bán lẻ điện thoại, laptop tăng trưởng cao

Dù là mùa thấp điểm đối với laptop nhưng doanh thu từ sản phẩm laptop quý 2/2021 của Công ty cổ phần Thế giới số vẫn tăng tới 23,1% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1.330 tỷ đồng.
Một cửa hàng của Thế giới Di động. (Nguồn: Kinhtedothi.vn)

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người lao động, học sinh phải học tập và làm việc tại nhà; doanh nghiệp và trường học cần đổi mới quy trình làm việc, giảng dạy để thích nghi.

Do đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ như điện thoại, laptop, máy tính bảng… rất cao. Điều này đã giúp doanh nghiệp bán lẻ điện thoại, laptop đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao.

Lợi nhuận cao từ điện thoại, laptop

Trên sàn chứng khoán, không có nhiều doanh nghiệp bán lẻ phân phối điện thoại di động. Các doanh nghiệp trong mảng này gồm có: Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG), Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - Digiworld (mã chứng khoán FRT), Công ty cổ phần Thế giới số (mã chứng khoán DWG).

Hiện, các doanh nghiệp này đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau để tìm kiếm cơ hội mới. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ tân dược với chuỗi nhà thuốc Long Châu, Công ty cổ phần Thế giới số mở rộng kinh doanh bằng chuỗi Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận mảng kinh doanh truyền thống của doanh nghiệp là bán lẻ hàng công nghệ vẫn giữ vai trò trụ cột; đóng góp lớn cho doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mảng kinh doanh này đang là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp.

Theo Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2021 của Công ty cổ phần Thế giới số, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng 63,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 4.217,5 tỷ. Trong khi đó, lợi nhuận ròng đạt kỷ lục mới ở mức 116,5 tỷ đồng, tăng 140,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Dù là mùa thấp điểm đối với laptop nhưng doanh thu từ sản phẩm laptop quý 2/2021 của Công ty cổ phần Thế giới số vẫn tăng tới 23,1% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1.330 tỷ đồng.

Doanh thu điện thoại di động cũng tăng đến 87,3% so với cùng kỳ năm 2020, lên 2.146 tỷ đồng. Doanh thu mảng điện thoại di động được thúc đẩy bởi hai động lực từ việc Xiaomi mở rộng thị phần từ 12-13% so với mức từ 8-9% trong quý 2/2020.

Với những kết quả này, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới số đã chứng tỏ là doanh nghiệp được hưởng lợi về nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông như: máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động.

Trong quý 3/2021, công ty này kỳ vọng doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 121 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 24% về doanh thu và 61% về lợi nhuận so với cùng kỳ 2020.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, kế hoạch kinh doanh quý 3/2021 của công ty được đặt ra dựa trên giả định rằng, dịch COVID-19 tại Việt Nam sẽ được kiểm soát tốt hơn vào giữa tháng Tám, cho phép các nhà bán lẻ mở lại cửa hàng và tích cực dự trữ hàng tồn kho trước mùa tựu trường vào tháng Chín.

Tiếp đến, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT cũng công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu đạt 4.359,3 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 30,2 tỷ đồng, tăng 253,1%. Sở dĩ doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh cao là do nửa đầu năm, sản phẩm laptop tiếp tục là trụ đỡ tăng trưởng ngành công nghệ thông tin cho công ty.

Trong quý 2/2021, tận dụng lợi thế của chuỗi bán lẻ laptop và lợi thế bán hàng Apple, doanh thu 2 lại sản phẩm này tăng đáng kể mạnh, lần lượt là 31% đối với laptop và 50% đối với hàng của Apple, giúp doanh nghiệp có doanh thu khả quan.

Theo công ty nghiên cứu thị trường GFK tại Việt Nam, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu làm việc, học tập tại nhà duy trì ở mức cao đưa thị trường máy tính xách tay, laptop tiếp đà tăng từ tháng 4/2020; trong đó, FPT Shop đang là chuỗi cửa hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh và đứng đầu thị trường bán lẻ laptop với 31% thị phần.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Laptopaz)

Đối với Công ty cổ phần Thế giới Di động, lũy kế 6 tháng năm 2021, doanh thu thuần đạt 62.487 tỷ đồng, tăng 12,3%; lãi sau thuế đạt 2.551 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm nay, nhà bán lẻ này đã thực hiện được 50,4% chỉ tiêu doanh thu và 53,7% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Chuỗi cửa hàng Thế giới Di động chuyên bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động bao gồm: điện thoại di động, máy tính bảng, laptop và phụ kiện... Đây vẫn là mảng kinh doanh đóng góp quan trọng với 25% tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Doanh thu chuỗi Thế giới Di động quý 2/2021 tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020 và đặc biệt, mảng điện thoại có mức tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều yếu tố hỗ trợ

Giới phân tích cho rằng trước tình tình dịch COVID-19 kéo dài với nhiều diễn biến phức tạp, người lao động, học sinh thường phải học tập và làm việc tại nhà, doanh nghiệp và trường học cần đổi mới quy trình làm việc, giảng dạy để thích nghi. Do đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ như điện thoại, laptop, máy tính bảng… hiện đang rất cao.

Về mảng điện thoại, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, những kỳ vọng tăng trưởng của doanh nghiệp bán lẻ điện thoại được hỗ trợ bởi động lực cung-cầu thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, từ 1/7/2021, các thiết bị di động được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải có kết nối từ 4G trở lên và điều này sẽ có một số tác động tích cực khiến người tiêu dùng chuyển sang mua điện thoại thông minh.

Thông tư 43/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy cập vô tuyến" chính thức có hiệu lực từ 1/7, trong đó quy định tất cả điện thoại di động được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ thời điểm này phải tích hợp công nghệ E-UTRA (4G).

[Thị trường điện thoại di động và laptop trước cơ hội tăng trưởng mới]

Đây là giải pháp đầu tiên của kế hoạch tắt sóng 2G, 3G bằng hàng rào kỹ thuật và Việt Nam dự kiến dừng công nghệ 2G vào quý 1/2022.

Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự đoán, sự chuyển dịch sang điện thoại thông minh sẽ diễn ra nhanh chóng hơn do Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai rất nhiều biện pháp để hỗ trợ người dân trang bị smartphone, từ đó, loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào mạng viễn thông 2G. Theo lộ trình, đến quý 1/2022 Việt Nam sẽ bắt đầu tắt sóng viễn thông 2G.

Chuyên gia Debasish Jana thuộc Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho biết thị trường điện thoại thông minh Việt Nam đang không ngừng phát triển. Nhiều yếu tố đang thúc đẩy sự tăng trưởng này, chẳng hạn như: sự chuyển hướng sang điện thoại thông minh từ điện thoại phổ thông; sự ổn định kinh tế gia tăng và các chương trình khuyến mãi từ các chương trình khuyến mãi từ các hãng sản xuất.

Ông cho biết thêm các kênh bán hàng trực tuyến ngày càng đóng một vai trò quan trọng trên thị trường, đặc biệt là sau đại dịch. Dưới tác động của dịch COVID-19, các cửa hàng bị đóng cửa, thị phần kênh trực tuyến đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 14% thị trường điện thoại thông minh.

Việt Nam bắt đầu thử nghiệm 5G và Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) trở thành nhà mạng đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm công nghệ này. Tiếp theo là Công ty Vinaphone và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã triển khai công nghệ 5G. Dù có thể mất một vài năm để có mạng 5G trên toàn quốc, nhưng có thể coi đây là một khởi đầu tốt.

Hiện tại, điện thoại thông minh hỗ trợ 5G đã chiếm 14% thị phần tại thị trường Việt Nam. Chuyên gia Debasish Jana kỳ vọng điện thoại thông minh hỗ trợ 5G sẽ phát triển trong thời gian tới khi các nhà khai thác chuẩn bị tung ra các dịch vụ 5G.

Theo số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, trong quý 2/2021, lượng điện thoại thông minh xuất xưởng tại Việt Nam đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường phát triển mạnh trong hai tháng đầu của quý và chững lại trong tháng thứ 3. Ngoài ra, lượng smartphone xuất xưởng còn bị chịu tác động tiêu cực bởi sự bùng phát của dịch COVID-19.

“Dù Việt Nam đang trải qua làn sóng COVID-19 thứ 4, chúng tôi kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát. Thực tế, Việt Nam đã từng kiểm soát khá tốt dịch bệnh COVID-19 trong quá khứ," chuyên gia Debasish Jana nhận định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục