Yêu thương lan tỏa - Chuyện xúc động về gia đình quân nhân hiếm muộn

Tiếng khóc, tiếng cười trẻ thơ trong gia đình là điều bình dị với nhiều cặp vợ chồng nhưng đối với các quân nhân, những điều bình dị đó lại trở nên xa vời khi họ thường xuyên xa nhà...
Gia đình Thiếu tá Hoàng Đức Cảnh vui mừng với hai bé gái xinh xắn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiếng khóc, tiếng cười trẻ thơ trong gia đình là điều bình dị với nhiều cặp vợ chồng nhưng đối với gia đình quân nhân, những điều bình dị đó càng trở nên nhiều khó khăn hơn và họ vẫn đang đau đáu trong hành trình khắc khoải hy vọng nhưng cũng đầy gian nan ấy.

Tại Gala “Hạt mầm khát vọng,” các gia đình quân nhân đã có những chia sẻ xúc động về hành trình tìm con của mình.

Những "trái ngọt" đã đơm hoa

Gia đình Thiếu tá Hoàng Đức Cảnh (công tác tại Phòng hậu cần - Sư đoàn 316) và chị Đặng Thị Hoài Trang (Xã Chí Đám, Huyện Đoan Hùng, Tỉnh Phú Thọ) đã bước trên hành trình tìm con được 8 năm kể từ khi kết hôn vào năm 2013. Sau ba lần không may sảy thai, anh Cảnh và chị Trang đã lặn lội thăm khám tại nhiều bệnh viện để tìm con.

[Hơn 1.000 lượt quân nhân hiếm muộn được hỗ trợ từ ‘Yêu thương lan tỏa']

Năm 2021, gia đình quân nhân Hoàng Đức Cảnh được nhận hỗ trợ 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm từ Chương trình hỗ trợ quân nhân hiếm muộn “Yêu thương lan toả,” do Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội phối hợp cùng Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức. Là gia đình hiếm muộn lâu năm nhất trong đơn vị, gia đình anh Cảnh, chị Trang được các anh em đồng chí động viên, quyết định làm hồ sơ và may mắn là 1 trong 10 gia đình đủ điều kiện xét duyệt.

Ngay lập tức, vợ chồng anh bắt đầu quá trình điều trị tại bệnh viện và ba tháng sau, hạnh phúc đã mỉm cười khi chị Trang đậu thai ngay ở lần chuyển phôi đầu tiên. Vào ngày 02/11/2022, hai bé gái xinh xắn, đáng yêu của cặp vợ chồng quân nhân Hoàng Đức Cảnh đã chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình và ông bà hai bên.

Một trường hợp khác là gia đình Thượng úy Vừa A Ninh (Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Na Cô Sa, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) và vợ là chị Vàng Thị Hoa (Bản Nậm Kè, Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Vợ chồng Thượng úy Vừ A Ninh kết hôn năm 2017 nhưng do đặc thù công việc, chồng là Bộ đội Biên phòng, vợ là giáo viên mầm non, cả hai thường xuyên phải đi công tác, làm việc tại các điểm bản xa. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hai vợ chồng lại càng khó có thời gian ở bên nhau. Thêm vào đó, kinh tế khó khăn cũng khiến hành trình của hai vợ chồng dường như phải gác lại để lo toan cuộc sống.

Năm 2021, biết đến chương trình hỗ trợ 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí dành cho quân nhân, vợ chồng anh Vừ A Ninh đã nộp hồ sơ và may mắn được nhận gói hỗ trợ này.

Thực hiện quá trình Thụ tinh trong ống nghiệm trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần (2022), vợ chồng chị Hoa đã được bệnh viện, chỉ huy đơn vị tạo điều kiện tốt nhất để hai vợ chồng yên tâm điều trị. Đó là một cái Tết thật đặc biệt của hai vợ chồng bởi sau bao lần khó khăn, hy vọng rồi lại thất vọng trong hành trình đi tìm con, "trái ngọt" đầu tiên đã đơm hoa, kết trái với gia đình anh chị.

10 gia đình quân nhân nhận được hỗ trợ 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trong khuôn khổ chương trình “Yêu thương lan toả” năm 2022. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Câu chuyện của các gia đình quân nhân nhận hỗ trợ 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm năm 2021 đã là nguồn động lực cho các gia đình quân nhân hiến muộn trong hành trình tìm kiếm con yêu của mình. Có thể điểm khởi đầu sẽ vô cùng gian nan, khó khăn, vất vả, tưởng chừng sẽ phải bỏ cuộc nhưng với tình yêu thương, sự chia sẻ của cộng đồng, với niềm tin và sự kiên trì thì phép màu sẽ đến.

Mong sự chung tay chia sẻ

Gia đình Thượng uý quân nhân chuyên nghiệp Ngô Văn Cường và Thượng uý quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Hạnh (cả hai đều công tác tại Kho K812, Cục Quân khí, Tổng cục Kĩ thuật) ở Nghệ An nhiều năm qua chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn chưa được đón nhận niềm hạnh phúc làm cha làm mẹ. Hai vợ chồng anh Cường kết hôn từ năm 2014, đã trải qua ba lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

8 năm ngược xuôi, trải qua biết bao đau đớn, khó khăn, vất vả, có những lúc tưởng chừng không thể gắng gượng được nữa vì nỗi đau mất con ở tháng thứ 6 của thai kì. Chưa dừng lại ở đó, đôi vai của cặp vợ chồng quân nhân còn thêm phần nặng trĩu vì nỗi buồn cứ ập đến liên tiếp với gia đình anh chị. Bố và em trai chị Hạnh đã mất vì ung thư, mẹ chị lại là người tiếp theo mắc căn bệnh này. Hai vợ chồng phải tạm gác lại hành trình tìm con của mình để tập trung chăm sóc mẹ.

Vì cả hai đều là quân nhân nên họ phải tranh thủ những ngày phép ít ỏi để thay phiên nhau ra với mẹ đang điều trị tại Hà Nội. Ước mơ tưởng chừng đơn giản với các cặp đôi sau kết hôn nhưng với anh Cường chị Hạnh thì vẫn mãi chưa chạm đến được.

Hay như gia đình Thượng uý Sùng A Dình (công tác tại Đồn biên phòng Mường Nhé thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên) và vợ là chị Hờ Thị Vá (Bản Nậm San, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), hai vợ chồng là người dân tộc Mông, kết hôn đến nay đã 8 năm nhưng chưa một lần được đón con yêu.

Gia đình Thượng uý Sùng A Dình chia sẻ từ điểm cầu Điện Biên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm 2014, sau khi kết hôn, anh Sùng A Dình được điều động công tác ở nước bạn Lào, rồi đến các điểm bản xa, 2-3 tháng mới về thăm nhà một lần, ít có thời gian ở bên nhau cộng thêm kinh tế khó khăn nên phải đến năm 2017, hai vợ chồng mới có điều kiện để thăm khám và biết rõ bệnh tình của mình.

Tại thời điểm đó, anh chị đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhưng chưa thành công. Vậy là bao hy vọng, số tiền tích cóp của hai vợ chồng đã dồn hết cho lần điều trị này mà con vẫn chưa về. Khi biết tin nhận được hỗ trợ của chương trình, vợ chồng Thượng uý Sùng A Dình đã vượt hơn 800km từ xã vùng cao, xa nhất của tỉnh Điện Biên xuống Hà Nội để tiếp tục hành trình “tìm con.”

Hiện nay, toàn quân có khoảng hơn 3.000 quân nhân hiếm muộn đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Thị Việt Hoa, Chánh văn phòng Ủy ban Dân số-gia đình và trẻ em (Bộ Quốc phòng) cho hay những năm gần đây, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ quân nhân hiếm muộn với nhiều chính sách thiết thực, cách làm linh hoạt, sáng tạo, giúp quân nhân hiếm muộn đạt kết quả tốt trong khám, điều trị. Tuy nhiên, để công tác này đạt kết quả tốt hơn nữa cần huy động thêm nhiều nguồn lực.

Đặc biệt, hiện nay kinh phí, chi phí điều trị cho hiếm muộn vô sinh rất lớn, tốn kém. Trong khi đó, theo quy định theo Luật bảo hiểm y tế thì việc chữa trị vô sinh hiếm muộn không nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế thanh toán, như vậy gây ra khó khăn lớn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, đặc biệt là các cặp vợ chồng hiếm muộn là quân nhân.

Bởi hiện thu nhập của các quân nhân không cao, trong khi chi phí hiếm muộn rất cao, nên cần có sự tạo điều kiện trong thực hiện chính sách của nhà nước đối với quân nhân lao động trong môi trường độc hại. Bên cạnh đó, rất cần sự chung tay chia sẻ của các tổ chức cá nhân cùng đồng hành, giúp đỡ các cặp vợ chồng hiếm muộn như chương trình lan toả yêu thương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục