Sau khi phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có bài viết "Núp bóng" khám mắt miễn phí cho người cao tuổi để bán thực phẩm chức năng, ngày 23/9, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai Lý Minh Thái đã có Quyết định số 515/QĐ-SYT kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; hành nghề dược và kinh doanh thực phẩm chức năng đối với cơ sở Viện Nghiên cứu ứng dụng khúc xạ mắt quốc gia - Văn phòng tỉnh Gia Lai (địa chỉ 52 Nguyễn Tất Thành, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng chưa kịp kiểm tra, trụ sở của Viện Nghiên cứu ứng dụng khúc xạ mắt quốc gia - Văn phòng tỉnh Gia Lai đã gỡ biển, “cửa đóng then cài,” chủ cơ sở “bặt vô âm tín.”
Theo người dân, mấy ngày trước, Viện này vẫn hoạt động bình thường nhưng sau đó trụ sở đóng kín cửa, không thấy người ra vào. Sáng 23/9, có người đến gỡ bảng hiệu xuống.
Tìm hiểu của phóng viên, trụ sở có tên Viện Nghiên cứu ứng dụng khúc xạ mắt quốc gia - Văn phòng tỉnh Gia Lai được Phòng Tài chính-Kế hoạch, Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 4/7/2024 với thông tin là Hộ kinh doanh Viện Nghiên cứu ứng dụng khúc xạ mắt quốc gia - Văn phòng tỉnh Gia Lai (địa chỉ tại 52 Nguyễn Tất Thành, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Chủ hộ kinh doanh là Tạ Hữu Phương (sinh năm 1998, trú tại 41B Chùa Mới, phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội).
Ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ hàng hóa trong các cửa hàng chuyên doanh (kính mắt), kèm theo bán buôn thực phẩm (sỉ và lẻ sữa bột, các thực phẩm bổ sung và các thực phẩm bảo vệ sức khỏe).
Sau phản ánh của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ngày 20/9, Phòng Tài chính- Kế hoạch thành phố Pleiku nhận được hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động của Hộ kinh doanh Viện Nghiên cứu ứng dụng khúc xạ mắt quốc gia-Văn phòng tỉnh Gia Lai.
Về thông tin Viện Nghiên cứu ứng dụng mắt quốc gia - Văn phòng tỉnh Gia Lai có pháp nhân thuộc Công ty Cổ phần Viện Nghiên cứu và ứng dụng khúc xạ mắt quốc gia (ấp Tân Lợi, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), ông Trịnh Hùng Bạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cho biết Công ty không đặt văn phòng kinh doanh tại Gia Lai cũng như bán lẻ hàng hóa là thực phẩm chức năng ở tỉnh.
Các sản phẩm được bán cho người cao tuổi không phải là sản phẩm của công ty.
Đơn vị có sản phẩm là thực phẩm bổ sung viên sáng mắt Lutein Zeaxanthin Đông trùng hạ thảo đã được kiểm duyệt, kiểm định rõ ràng. Vì thế, việc ông Tạ Hữu Phương nhận là đại diện công ty là không đúng.
Ông Đỗ Việt Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku cho biết sau sự việc trên, thành phố đã có văn bản chỉ đạo các phường, xã trên địa bàn xem xét kỹ các cá nhân, tổ chức xin thực hiện chương trình từ thiện về đo, khám mắt liên quan đến người cao tuổi.
Trước đó, bài viết "Núp bóng" khám mắt miễn phí cho người cao tuổi để bán thực phẩm chức năng của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh việc hàng trăm người cao tuổi ở các phường, xã khu vực thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) được một đơn vị “mời” đi khai trương và khám mắt miễn phí.
Tuy nhiên, việc này chỉ là để che đậy việc tư vấn, giới thiệu và bán thực phẩm chức năng; thậm chí có trường hợp bị “ép” mua hàng.
Tại xã Trà Đa có 17 người cao tuổi đã mua "combo" thực phẩm chức năng với giá 2,1 triệu đồng, số còn lại mua kính đeo mắt./.
Gia Lai: Mời người cao tuổi đến tặng quà rồi ép mua thực phẩm chức năng
Việc khai trương và khám mắt tại Gia Lai chỉ là “bình phong” để che đậy việc tư vấn, giới thiệu và bán thực phẩm chức năng; thậm chí có trường hợp bị “ép” phải mua hàng mới được về.