Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Theo thông báo kết luận, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành điện là phải bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm trong giai đoạn 2016-2030, điện thương phẩm năm 2030 khoảng 506-559 tỷ kWh.
Trong giai đoạn đến năm 2030, ngành điện sẽ phải đầu tư đưa vào vận hành khoảng 90.000 MW công suất nguồn điện mới, đồng thời phải tiếp tục phát triển lưới điện truyền tải và phân phối đồng bộ đáp ứng yêu cầu truyền tải, phân phối điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Đây là nhiệm vụ nặng nề, đầy thách thức đối với toàn ngành điện trong giai đoạn tới.
Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương kêu gọi, thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư nguồn điện, trong đó có đầu tư của các Tập đoàn nhà nước (EVN, PVN, Vincomin), đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài chủ yếu theo hình thức Hợp đồng BOT.
EVN tiếp tục là tập đoàn nhà nước giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tăng cường công tác giám sát cung-cầu điện, tiến độ thực hiện các dự án nguồn và lưới điện trong quy hoạch được duyệt để thực hiện hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội; tính toán cơ cấu nguồn điện hợp lý, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và hiệu quả kinh tế hệ thống điện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư và sử dụng hợp lý nguồn vốn ODA nhằm tạo điều kiện cho ngành điện phát triển đồng bộ, cân đối, hợp lý và bền vững.
Phó Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tập trung mọi nỗ lực bảo đảm cung cấp đủ điện với chất lượng và độ tin cậy ngày càng cao cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân. EVN tiếp tục là Tập đoàn nhà nước giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội.
EVN bám sát tình hình phát triển kinh tế-xã hội để tính toán, dự báo nhu cầu điện toàn quốc phù hợp, đồng thời thường xuyên cập nhật các yếu tố về sản xuất điện để xây dựng phương án vận hành hệ thống điện quốc gia một cách chủ động, phù hợp, có dự phòng, bảo đảm an ninh cung cấp điện và hiệu quả kinh tế vận hành hệ thống điện. Bên cạnh đó, EVN tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động.
EVN tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những cơ chế chính sách cụ thể trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về kiến nghị giá bán than trong nước cho sản xuất điện thực hiện theo cơ chế thị trường, cho phép EVN chào giá mua than trong nước để bảo đảm tính cạnh tranh và cần tham chiếu giá bán than nhập khẩu từ các nước trên thị trường thế giới để có giá bán than trong nước cho sản xuất điện không cao hơn giá bán than nhập khẩu từ các nước trên thị trường thế giới; kiến nghị cho phép các chủ đầu tư trong đó có EVN được chủ động nhập khẩu than cho các dự án do mình đầu tư, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của EVN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về kiến nghị đôn đốc các chủ đầu tư khác đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đặc biệt là các dự án nhiệt điện than khu vực miền Nam, để đáp ứng nhu cầu điện toàn quốc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương tăng cường công tác giám sát cung-cầu điện, tiến độ thực hiện các dự án nguồn và lưới điện trong quy hoạch được duyệt để thực hiện hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội; tính toán cơ cấu nguồn điện hợp lý, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và hiệu quả kinh tế hệ thống điện.
Đối với kiến nghị sớm ban hành cơ chế kiểm soát tiến độ của các chủ đầu tư các dự án nguồn điện, kể cả các dự án BOT, IPP, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện, ban hành cơ chế xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ, kiên quyết thực hiện biện pháp thu hồi dự án để giao cho nhà đầu tư khác trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng các cam kết, kéo dài thời gian gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của dự án./.