Yêu cầu EVN rà soát tiến độ dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương yêu cầu EVN rà soát, hoàn thiện dự kiến tổng tiến độ thực hiện các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm đảm bảo yêu cầu cao nhất là an toàn.
Yêu cầu EVN rà soát tiến độ dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận ảnh 1Khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Ngày 18/9, tại Ninh Thuận, Đoàn công tác Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong năm 2014.

Cùng làm việc có Bộ Công Thương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo Nghị quyết 41/2009/QH 12 của Quốc hội, tiến độ khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ thực hiện vào cuối năm 2014 và vận hành tổ máy số 1 vào năm 2020.

Tiến độ dự kiến này được tính toán từ năm 2006, tuy nhiên vào thời điểm trên Luật Năng lượng nguyên tử của Việt Nam mới được ban hành, có hiệu lực năm 2009, chưa có Nghị định hướng dẫn và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nên chưa lường hết nội dung, trình tự, các bước thực hiện và thời gian cần thiết cho từng giai đoạn của dự án.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 70/2012/NĐ-CP quy định rõ nội dung, trình tự các giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư, quy định trách nhiệm các Bộ, ngành, thời gian thực hiện cho từng bước lập và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, các báo cáo chuyên ngành đối với việc thực hiện dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân. Với Nghị định này, các cơ quan mới có cơ sở để xác lập được tương đối, chính xác các mốc thời gian cần thiết thực hiện dự án điện hạt nhân.

Dù vậy sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát các biện pháp an toàn, yêu cầu tư vấn đưa ra các biện pháp thiết kế an toàn chống động đất, sóng thần, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn mới đối với an toàn địa điểm xây dựng điện hạt nhân với mục tiêu số 1 là khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải đảm bảo an toàn cao nhất. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến sự cần thiết phải điều chính tiến độ tổng thể của dự án so với dự kiến ban đầu.

Theo Bộ Công Thương, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Thông báo kết luận cuộc họp số 296/TB- VPCP ngày 29/7/2014 về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại cuộc họp về cơ chế đặc thù thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ngày 15/7/2014, trên quan điểm xác định dự án điện hạt nhân là dự án quan trọng của quốc gia, có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật đa dạng, phức tạp, việc xây dựng cần đảm bảo yêu cầu cao nhất là an toàn, thận trọng tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Do đó Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN rà soát, hoàn thiện dự kiến tổng tiến độ thực hiện các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Việc khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận muộn hơn dự kiến ban đầu cũng đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam, đã bố trí các giải pháp bổ sung các nguồn điện khác thay thế để đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện tại EVN đã trao đổi, phối hợp với Tư vấn E4 bổ sung để hoàn thiện hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, đồng thời đề xuất định hướng lựa chọn công nghệ lò phản ứng hạt nhân cho dự án.

EVN đang cùng với Tư vấn E4 bổ sung các nội dung về công nghệ ASE-2006 để hoàn thiện dự án đầu tư vào tháng 12/2014 này. Như vậy từ nay đến cuối năm 2014, chỉ có thể khởi công một số dự án thành phần hạ tầng phục vụ thi công như đường, nước, điện thi công, dự án trung tâm quan hệ công chúng, dự án khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở Ban quản lý dự án.

Hiện nay tiến độ triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đang được phía Việt Nam phối hợp chặt chẽ với phía Nga để từng bước xác định, xây dựng và hoàn chỉnh nhằm đạt tới kết quả tốt nhất, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và điều kiện thực tế để xây dựng nhà máy một cách có hiệu quả, có độ an toàn cao nhất.

Đối với dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư, qua đó để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau khi dự án đầu tư được phê duyệt và hiệp định tài chính cho dự án được đàm phán và ký kết với đối tác Nhật Bản, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo chủ đầu tư thống nhất với đối tác thực hiện dự án để xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ báo cáo với Quốc hội tình hình thực hiện dự án tại kỳ họp vào tháng 10/2014 này.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho rằng hiện nay việc xây dựng đề cương, xác định các nội dung chủ yếu về cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ cho xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã hình thành. Do đó, tỉnh mong muốn cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để có cơ sở tính toán việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tuyên truyền nâng cao sự đồng thuận của người dân, đồng thời quan tâm hỗ trợ, giúp người dân vùng dự án sớm an cư lạc nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh từ khi Ninh Thuận được chọn là nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tuy dự án chưa bắt đầu nhưng bộ mặt kinh tế, xã hội của tỉnh Ninh Thuận đã và đang có sự thay đổi lớn thông qua nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, đến nay tiến độ triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là chậm. Nhưng với sự cố gắng của các Bộ, ngành liên quan và chủ đầu tư, hiện nay nhiều công việc như việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, việc đào tạo, phát triển kinh tế-xã hội, việc xây dựng cơ chế đặc thù cũng đang được khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên việc ấy cũng chỉ là mới bắt đầu, còn rất nhiều việc phía trước phải khẩn trương thực hiện.

Các Bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp đồng bộ, phân công trách nhiệm cụ thể để tiến hành công việc một cách thuận lợi và khoa học. Bên cạnh đó cũng cần tập trung giải quyết những kiến nghị của tỉnh, đồng thời sớm hoàn thiện các công đoạn, các dự án thành phần để sớm báo cáo với Chính phủ, qua đó để trình Quốc hội tại kỳ họp tới này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục