Sáng 17/4, tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các cán bộ công chức phục vụ nhân dân, là công bộc của dân phải thấm nhuần văn hóa công sở, luôn có tác phong chuẩn mực như biết nói lời xin chào, xin lắng nghe, xin cảm ơn, xin lỗi khi tiếp xúc với dân.
Khẳng định những năm qua, công tác cải cách hành chính đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, việc công khai, minh bạch được thực hiện tốt hơn, song Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan hành chính Nhà nước.
Phó Thủ tướng cho rằng việc cải cách chế độ công vụ, công chức hiện còn rất hạn chế, tiến độ chậm, công tác thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo, quản lý, tuyển dụng công chức bằng hình thức thi trực tuyến và thi nâng ngạch theo hình thức cạnh tranh mới chỉ được một số bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm.
Phó Thủ tướng yêu cầu cải cách phải mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện hơn nữa. Các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về công tác cải cách hành chính tại cơ quan, địa phương mình.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng phải chống thất thoát, lạm dụng, tìm ra mặt trái của cải cách để chủ động ngăn chặn vi phạm; tiếp tục thực hiện và nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông để giải quyết thủ tục cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả không chỉ là nơi tiếp nhận và trả kết quả đơn thuần mà còn là nơi hướng dẫn, góp ý cho nhân dân về thủ tục, hướng đến thực hiện “một thẩm định, một phê duyệt” tại chỗ.
Nhấn mạnh đến yếu tố con người, Phó Thủ tướng chỉ rõ cho dù có thực hiện cải cách bao nhiêu nhưng người thực thi công vụ yếu kém về phẩm chất, năng lực, nhũng nhiễu, tiêu cực thì khó có thể làm tốt được. Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cần tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát quyết liệt việc triển khai cải cách thủ tục hành chính theo 25 Nghị quyết của Chính phủ, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, thuế, hải quan; triển khai hiệu quả Đề án 896 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai cải cách mạnh mẽ công chức, công vụ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ bám sát Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, triển khai đúng tiến độ, lựa chọn các vấn đề trọng tâm để thực hiện một cách hiệu quả nhất. Bộ Nội vụ chủ động nghiên cứu mô hình Trung tâm Dịch vụ hành chính tỉnh Quảng Ninh, Khu hành chính mở của tỉnh Bình Dương, tiến hành đánh giá tổng kết, trình Chính phủ cho phép nhân rộng; phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thành hai dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Chính quyền địa phương. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng cùng vào cuộc thông tin tuyên truyền, nêu gương điển hình, phê phán những nơi làm kém.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã công bố Quyết định kiện toàn tổ chức, đóng góp ý kiến vào Dự thảo quy chế hoạt động và kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo, Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính dài hạn và hàng năm do Bộ Nội vụ trình Chính phủ.
Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, xem xét nội dung các đề án, dự án, dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng có nội dung liên quan đến cải cách hành chính; đồng thời đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính; chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác cải cách hành chính; nghiên cứu, đánh giá và kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực cải cách hành chính theo quy định của Chính phủ.
Theo kế hoạch, năm 2014, Ban Chỉ đạo tập trung đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức,” cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện 25 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước; triển khai Đề án 896 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính ở tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực trọng tâm như đất đai, kinh doanh, xây dựng, thuế, hải quan...
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; trình Thủ tướng Đề án “Hỗ trợ nhân rộng triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại Ủy ban Nhân dân cấp huyện; nghiên cứu mô hình Trung tâm Dịch vụ hành chính tỉnh Quảng Ninh, Khu hành chính mở của tỉnh Bình Dương để đề xuất thiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng ISO trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Đóng góp ý kiến vào kế hoạch hoạt động, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị cần cụ thể hóa trách nhiệm, nội dung và quan điểm phối hợp giữa các thành viên Ban chỉ đạo cũng như giữa các bộ, ngành; xác định các khâu đột phá cần tập trung cải cách trong thời gian tới, trong đó có việc tập trung cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 trở lên.
Các ý kiến cho rằng cải cách hành chính là công việc khó, nhiều va chạm, cải cách phải có chuẩn mực, phải chú trọng đến việc nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức, tạo cơ chế giám sát, chống quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực; tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tạo cầu nối thông tin giữa người dân và Chính phủ, phản ánh ý kiến kiến nghị của nhân dân; công khai những đơn vị làm chưa tốt, có chỉ số cải cách hành chính thấp.../.