Yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam

Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.
Chiến sĩ hải quân Việt Nam trên đường ra bảo vệ nhà giàn DK1 - bảo vệ cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Chiều 8/4, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời các câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước các diễn biến gần đây trên Biển Đông và các vấn đề liên quan, trong đó có việc nhiều tàu Trung Quốc hoạt động tại Bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, trên các vùng biển Việt Nam phù hợp với các quy định, luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Người Phát ngôn cũng nêu rõ: "Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, trong khu vực và của cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, kiên trì, thiện trí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu nói trên.

Việt Nam kêu gọi các nước đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông; thiện trí thực hiện luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; nghiêm chỉnh tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên khu vực Biển Đông."

Trước việc một số nhãn hàng nước ngoài sử dụng bản đồ có đường chín đoạn phi pháp trên website bản tiếng Trung, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Như đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

[Video] Làn sóng tẩy chay thương hiệu thời trang H&M tại Việt Nam

Mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như thực tế vấn đề Biển Đông.

Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục