Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định chỉ đạo ban tổ chức lễ hội Đền Trần bố trí các điểm phát ấn thuận lợi cho người dân, du khách; có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm “đưa tiền lấy ấn”…
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Công văn số 99/VHCS-QLHĐLH (ngày 27/2) của Cục Văn hóa Cơ sở gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định yêu cầu siết chặt công tác quản lý và tổ chức lễ hội Đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) năm 2018.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Văn hóa Cơ sở cũng đề nghị ban tổ chức lễ hội có phương án khắc phục những hiện tượng phản cảm xảy ra tại lễ hội này những năm trước.
Cụ thể, ban tổ chức cần đổi mới phương thức và bố trí khuôn viên rước kiệu phù hợp, đảm bảo không để hiện tượng đại biểu tham gia dự lễ ném tiền vào kiệu ấn; không để xảy ra hiện tượng cướp lộc trên ban thờ; có biện pháp khắc phục hiện tượng chen lấn, xô đẩy gây mất an ninh trật tự.
[Mùa lễ hội 2018: Giải ‘bài toán’ chọi trâu, ‘cướp’ lộc phản cảm]
Công văn cũng nêu rõ, trong trường hợp để xảy ra các hiện tượng phản cảm, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tính mạng người tham gia lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm về quản lý hoạt động lễ hội theo quy định tại Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL (ngày 22/12/2015) của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội.
Lễ hội Đền Trần đã chính thức khai hội vào ngày 26/2 và sẽ kéo dài đến hết ngày 3/3 (tức từ ngày 11 đến hết ngày 16 tháng Giêng Âm lịch) với nhiều hoạt động như: Rước kiệu Ngọc Lộ, rước nước, tế cá, biểu diễn võ thuật…
Theo kế hoạch, vào đêm 1/3 (tức 14 tháng Giêng Âm lịch), ban tổ chức sẽ thực hiện nghi lễ khai ấn. Thời gian phát ấn cho du khách bắt đầu từ 5 giờ (ngày 2/3, tức 15 tháng Giêng Âm lịch) cho đến khi hết ấn.
Năm nay, ban tổ chức lễ hội Đền Trần thí điểm lắp camera để xử lý những hành vi phản cảm trong lễ hội như nâng giá dịch vụ, ném tiền lẻ lên kiệu…./.