Theo Kế hoạch hành động Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp vừa được ban hành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu 100% các địa phương phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn; tổ chức kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận bán sản phẩm an toàn và công khai tại nơi bày bán cho người tiêu dùng.
Tại hội nghị trực tuyến “Tổng kết hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và triển khai kế hoạch năm 2016” do Bộ này tổ chức sáng nay (3/3), Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đánh giá, thời gian qua, thanh tra Bộ và các đơn vị đã hành động quyết liệt trong đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm và đã có kết quả tích cực. Các mục tiêu cơ bản của đợt cao điểm đều đạt tương đối tốt tuy nhiên vẫn yếu trong xây dựng chuỗi sản xuất, kết nối thực phẩm an toàn.
“Có rất ít điểm bán nông thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi và được xác nhận sản phẩm an toàn cho thấy các địa phương chưa tích cực vào cuộc triển khai phương thức mới nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng,” Bộ trưởng Phát thẳng thắn nói.
Phát biểu tại Hội nghị ông Phùng Hữu Hào, Cục Phó Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cũng chỉ rõ, hiện việc kiểm tra, lấy mẫu và xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mới chỉ diễn ra ở 35 tỉnh, thành phố (theo báo cáo gửi về Cục), việc phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm tại các địa phương còn rất hạn chế.
Mặt khác, việc ngăn chặn hiệu quả, tiến tới giải quyết dứt điểm việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y thủy sản trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản chưa được triển khai quyết liệt, đồng bộ tại tất cả các địa phương,” ông Hào báo cáo.
Trong khi đó, ông Hào cho biết, lũy kế từ đầu năm 2015 đến tháng 2/2016, qua lấy mẫu kiểm tra cho thấy vẫn có 5,3% mẫu rau, quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép; 2% mẫu thịt và sản phẩm thịt vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép; 15,4% mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 7,9% mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép. Các phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm đã được các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Do đó, nhằm tiếp tục ngăn chặn, xử lý dứt điểm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu rõ nét vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục nhấn mạnh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm số một của ngành và phải có kế hoạch hành động tương xứng.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo, bên cạnh sự vào cuộc của các đơn vị cơ quan chức năng và các địa phương thì trong mọi việc phải dựa vào dân.
“Có những việc chúng ta không nắm hết được thì nhân dân sẽ là đầu mối thông tin rõ ràng nhất, dân biết ai dùng chất cấm, ai dùng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó cần phát huy tối đa thông tin từ đường dây nóng và các cán bộ cần bố trí xử lý tận gốc các thông tin,” Bộ trưởng phân tích.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung vào hai việc chính là kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, kém chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau và trái cây.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, trong hai tháng tới, các đơn vị phải hoàn thành sửa đổi các tiêu chí VietGAP phù hợp với thực tiễn nhằm khuyến khích nông dân sản xuất theo VietGAP và có xác nhận chuỗi an toàn tạo niềm tin cho người tiêu dùng./.
Theo kế hoạch hành động Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm, đến cuối năm 2016, tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau, quả, chè; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản phụ gia trong các loại sản phẩm thịt giảm 10% so với năm 2015.
Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tăng 10% so với năm 2015. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản xếp loại C (không đạt điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm ) được nâng hạng A/B tăng 10% so với năm 2015.