Yên Tử là một thắng cảnh nổi tiếng với nhiều chùa, am, tháp nằm ẩn mình trong rừng cây cổ thụ lâu đời kéo dài từ dốc Đỏ lên đến núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Chùa Yên Tử được biết đến là trung tâm Phật giáo của nước Ðại Việt thuở trước, nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái Phật giáo của người Việt. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, chùa Yên Tử lại trở thành điểm hẹn dừng chân của những người dân đất Việt trong chuyến hành hương đi lễ Phật đầu năm.
Từ lâu, dân gian đã có câu rằng: “Trăm năm tích đức, tu hành; Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu.” Điều đó cho thấy Phật giáo ở Yên Tử từ xưa đã có sự ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh của người Việt. Lễ hội Yên Tử diễn ra bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Ba âm lịch.
Hội là dịp để các tăng ni, Phật tử cùng nhân dân tỏ lòng biết ơn đến Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, người khai sáng ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, và cũng là dịp người thập phương hành hương tìm đến cõi Phật ở Yên Tử để thể hiện đức tin, cầu lộc, cầu tài.
Chính hội Yên Tử diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch với hai phần chính là lễ và hội. Phần hội là phần biểu diễn nghệ thuật với màn trống hội hoành tráng, đội múa rồng, lân sôi nổi, hát múa vui hội đầu xuân. Phần lễ bao gồm các nghi lễ khai và đóng ấn cầu may đầu tiên của năm mới, các hòa thượng làm lễ cầu nguyện quốc thái dân an cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh vui mừng cho biết, Lễ hội chùa Yên Tử tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhân dân Phật tử thập phương. Đây cũng là cách đưa lễ hội trở về với cộng đồng, để Phật giáo tạo niềm tin đối với người dân cả về vật chất và tâm linh, tín ngưỡng.
Sau các nghi lễ trang trọng, mọi người bắt đầu cuộc hành hương đi lễ Yên Tử với hành trình từ chùa Giải Oan qua tháp thờ vua Trần Nhân Tông lên đến chùa Hoa Yên, và điểm cuối là chùa Đồng.
Tương truyền, 700 năm trước, chùa Đồng là nơi vua Trần Nhân Tông từ bỏ về đây tu hành và sáng lập ra Thiền phái Trúc lâm. Vì thế, bằng lòng thành tâm hướng về cõi Phật, những ai đã từng đặt chân đến Yên Tử cũng đều cố sức leo lên đến chùa Đồng nằm trên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử để cầu khấn và dùng những đồ vật xoa lên thành chùa hay chuông đồng với ước nguyện sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Khi bước chân lên đến chùa Đồng, người hành hương đi lễ không chỉ bị choáng ngợp bởi sự kì vĩ của thiên nhiên giữa mây trời mà còn cảm thấy như mình đã đặt chân lên đến cõi Phật và tách khỏi thế giới trần tục.
Ngày nay, cứ mỗi dịp đầu xuân, việc hành hương lên Yên Tử để lễ Phật, chiêm nghiệm lại ý chí thông tuệ, đức độ thanh cao của các bậc tiền nhân xưa và để du xuân, vãn cảnh, thưởng ngoạn không khí thanh bình đã trở thành nét văn hóa truyền thống của du khách thập phương./.
Chùa Yên Tử được biết đến là trung tâm Phật giáo của nước Ðại Việt thuở trước, nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái Phật giáo của người Việt. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, chùa Yên Tử lại trở thành điểm hẹn dừng chân của những người dân đất Việt trong chuyến hành hương đi lễ Phật đầu năm.
Từ lâu, dân gian đã có câu rằng: “Trăm năm tích đức, tu hành; Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu.” Điều đó cho thấy Phật giáo ở Yên Tử từ xưa đã có sự ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh của người Việt. Lễ hội Yên Tử diễn ra bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Ba âm lịch.
Hội là dịp để các tăng ni, Phật tử cùng nhân dân tỏ lòng biết ơn đến Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, người khai sáng ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, và cũng là dịp người thập phương hành hương tìm đến cõi Phật ở Yên Tử để thể hiện đức tin, cầu lộc, cầu tài.
Chính hội Yên Tử diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch với hai phần chính là lễ và hội. Phần hội là phần biểu diễn nghệ thuật với màn trống hội hoành tráng, đội múa rồng, lân sôi nổi, hát múa vui hội đầu xuân. Phần lễ bao gồm các nghi lễ khai và đóng ấn cầu may đầu tiên của năm mới, các hòa thượng làm lễ cầu nguyện quốc thái dân an cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh vui mừng cho biết, Lễ hội chùa Yên Tử tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhân dân Phật tử thập phương. Đây cũng là cách đưa lễ hội trở về với cộng đồng, để Phật giáo tạo niềm tin đối với người dân cả về vật chất và tâm linh, tín ngưỡng.
Sau các nghi lễ trang trọng, mọi người bắt đầu cuộc hành hương đi lễ Yên Tử với hành trình từ chùa Giải Oan qua tháp thờ vua Trần Nhân Tông lên đến chùa Hoa Yên, và điểm cuối là chùa Đồng.
Tương truyền, 700 năm trước, chùa Đồng là nơi vua Trần Nhân Tông từ bỏ về đây tu hành và sáng lập ra Thiền phái Trúc lâm. Vì thế, bằng lòng thành tâm hướng về cõi Phật, những ai đã từng đặt chân đến Yên Tử cũng đều cố sức leo lên đến chùa Đồng nằm trên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử để cầu khấn và dùng những đồ vật xoa lên thành chùa hay chuông đồng với ước nguyện sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Khi bước chân lên đến chùa Đồng, người hành hương đi lễ không chỉ bị choáng ngợp bởi sự kì vĩ của thiên nhiên giữa mây trời mà còn cảm thấy như mình đã đặt chân lên đến cõi Phật và tách khỏi thế giới trần tục.
Ngày nay, cứ mỗi dịp đầu xuân, việc hành hương lên Yên Tử để lễ Phật, chiêm nghiệm lại ý chí thông tuệ, đức độ thanh cao của các bậc tiền nhân xưa và để du xuân, vãn cảnh, thưởng ngoạn không khí thanh bình đã trở thành nét văn hóa truyền thống của du khách thập phương./.
(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)