Yên Bái: Nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo về công tác dân vận

Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị ghi nhận những mô hình hay, cách làm sáng tạo của tỉnh Yên Bái trong công tác dân vận để triển khai, nhân rộng phù hợp với điều kiện của các địa phương.
Yên Bái: Nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo về công tác dân vận ảnh 1Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Ngày 13/9, Đoàn công tác do Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về công tác dân vận.

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đến nay.

Đồng thời, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận, biểu dương Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai học tập các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nói chung và công tác dân vận nói riêng; kịp thời cụ thể hóa các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về công tác dân vận, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài bày tỏ sự ấn tượng với cách làm sáng tạo, hiệu quả của Yên Bái trong việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo cũng như thực hiện mục tiêu đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc;” trong đó có sự đóng góp tích cực của công tác dân vận, với nhiều mô hình tốt, cách làm hay đã thực sự phát huy hiệu quả.

Bà Bùi Thị Minh Hoài đề nghị thời gian tới, tỉnh Yên Bái cần tập trung đổi mới, thực hiện đúng nguyên tắc cán bộ làm gương để lan tỏa từ tỉnh đến cơ sở và có sự đánh giá thường xuyên để thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn; tiếp tục quan tâm thực hiện tốt Đề án “Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2023, định hướng đến năm 2025.”

[Nâng cao vai trò của công tác dân vận ở chính quyền địa phương]

Đồng thời, tỉnh thực hiện tốt công tác dân vận khéo; trong đó cần quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ những mô hình sáng tạo từ dân, tạo nguồn động lực để đưa thành phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, tạo khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương…

Bà Bùi Thị Minh Hoài đề nghị Đoàn công tác ghi nhận những mô hình hay, cách làm sáng tạo của tỉnh Yên Bái trong công tác dân vận để triển khai, nhân rộng phù hợp với điều kiện của các địa phương trong toàn quốc và tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của tỉnh.

Tại buổi làm việc, các đại biểu của tỉnh Yên Bái đã trao đổi rõ hơn về một số vấn đề Ban Dân vận Trung ương quan tâm như công tác nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân; thực hiện luật tín ngưỡng tôn giáo, tăng chỉ số hài lòng của người dân và chỉ số cải cách hành chính...

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những năm qua, tỉnh luôn triển khai thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định bảo đảm tăng cường, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tỉnh đề xuất các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Dân vận Trung ương như: tổ chức thêm các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện công tác dân vận; ban hành hướng dẫn về xây dựng mô hình, điển hình dân vận khéo, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận…

Tỉnh Yên Bái đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương về công tác dân vận, công tác dân tộc, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác dân vận, Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và về công tác dân tộc.

Yên Bái: Nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo về công tác dân vận ảnh 2Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được gần 2.000 hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản của Trung ương về công tác dân vận, công tác dân tộc, trong đó tỷ lệ đảng viên tham gia học tập đạt 100%, quần chúng tham gia học tập đạt trên 95%.

Tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác dân vận, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân. Trong nửa nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã tổ chức được 265 hội nghị đối thoại trực tiếp, trực tuyến giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, trong đó, cấp tỉnh 16 hội nghị; cấp huyện 83 hội nghị; cấp xã 166 hội nghị để tập trung chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, phản ánh của nhân dân ngay từ cơ sở không để phát sinh điểm nóng.

Riêng trong năm 2023, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức 4 cuộc đối thoại trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 2.000 cán bộ viên chức ngành y tế, hội viên phụ nữ, nông dân, đoàn viên thanh niên, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ trong toàn tỉnh.

Các cơ chế, chính sách được ban hành phù hợp với điều kiện thực tiễn, việc triển khai các chương trình, dự án được sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong quá trình thực hiện, phát huy hiệu quả. Nổi bật là đã huy động sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đưa Yên Bái trở thành điểm sáng trong khu vực Tây Bắc với tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt trên 4%/năm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025), toàn tỉnh đã có 99 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 66% tổng số xã, 3/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, việc quan tâm triển khai thực hiện công tác dân tộc, công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã bố trí 12.102 tỷ đồng đầu tư cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, y tế, nước hợp vệ sinh.

Đến nay, 100% các xã đã có đường giao thông kiên cố đến trung tâm xã, đi lại thuận tiện bốn mùa; toàn tỉnh đã có 13 xã và 63 thôn đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ giảm hộ nghèo tại hai huyện 30a bình quân giảm trên 5,0%/năm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục