13 hộ dân ở thôn Trung Tâm, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đang rất lo lắng, bức xúc vì bùn đất từ việc triển khai dự án phát triển quỹ đất dân cư thôn Liên Hiệp (nay là thôn Trung Tâm) tràn xuống vùi lấp ruộng lúa của họ.
Dự án phát triển quỹ đất dân cư thôn Liên Hiệp do Ban Quản lý dự án đầu tư-xây dựng huyện Yên Bình làm chủ đầu tư. Khu đất rộng, đẹp này hứa hẹn sẽ rất sầm uất khi nhà được xây dựng dọc Quốc lộ 37. Tuy nhiên, 13 hộ dân ở thôn Trung Tâm lại rất lo lắng bởi sau các trận mưa, bùn đất từ khu vực dự án chảy ào ào, tràn hết xuống ruộng của họ.
Gia đình bà Hà Thị Xuân, ở thôn Trung Tâm có hơn 3 sào ruộng đã canh tác qua nhiều đời. Đây là ruộng chỉ cấy được một vụ vì là đất dưới cốt nước hồ Thác Bà, nếu được mùa cũng đảm bảo được một phần lương thực của gia đình. Thế nhưng, khi bùn đất tràn xuống ruộng thì việc cấy trồng tạm thời phải dừng lại.
Bà Hà Thị Xuân chia sẻ: “Ban đầu, huyện bảo kè vào thì đất không thể chảy xuống ruộng được. Thế nhưng họ không kè, vài trận mưa là đất tràn xuống ruộng hết. Vụ trước, chúng tôi còn vét đất đi để cấy, vụ này thì đất bùn tràn xuống nhiều quá, chỉ có nước bỏ không.”
[Yên Bái: Mỏ quặng sắt làng Mỵ xả nước thải thẳng ra môi trường]
Theo quan sát của phóng viên, công trình của dự án phát triển quỹ đất dân cư thôn Liên Hiệp cao hơn ruộng của bà con thôn Trung Tâm từ 2 đến 3 mét, không có kè chắn. Sau khi có mưa, bùn đất chảy thành dòng xuống phía ruộng, cả cánh đồng đỏ quạch một màu bùn đất. Rất khó có thể nhận ra những thửa ruộng bởi tất cả đã bị bùn đất lấp kín.
Tại một vài thửa ruộng, bà con cố san gạt để cấy thì lúa cũng không thể sinh trưởng.
Ông Nguyễn Đức Oanh ở thôn Trung Tâm cho biết gia đình ông sinh sống ở đây gần 40 năm. Trước đây, nhà ông có 1 mẫu đất (3.600m2), sau khi tỉnh thu hồi để làm Nhà máy may thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Daeseung Global Hàn Quốc thì chỉ còn gần 4 sào ruộng.
Năm 2020, công trình phát triển quỹ đất dân cư thôn Liên Hiệp được san gạt xong thì bùn đất đã tràn xuống vùi lấp diện tích hơn 1 sào ruộng khiến gia đình không canh tác được.
Ông Oanh cũng kiến nghị huyện sớm có giải pháp để gia đình ông cũng như những hộ dân ở thôn Trung Tâm ổn định sản xuất.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Thịnh Hưng, có 13 hộ dân ở thôn Trung Tâm bị ảnh hưởng trực tiếp do bùn đất từ công trình đổ xuống ruộng, mỗi hộ có diện tích từ 1 đến 3 sào. Những nông dân vốn chỉ có mấy sào ruộng để cấy trồng vô cùng xót xa khi thấy bùn đất từ công trình tràn xuống đỏ đồng. Thế nhưng, họ cũng bất lực, đành bỏ ruộng, bỏ vụ.
Ông Lương Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình cho biết trước Tết Nguyên đán năm 2020, xã đã nhận được kiến nghị của người dân. Xã cũng đã hướng dẫn bà con làm đơn cụ thể để tổng hợp báo cáo lên Ban Quản lý dự án đầu tư-xây dựng huyện và Ủy ban Nhân dân huyện Yên Bình. Nếu huyện có chủ trương thu hồi đất ruộng bị ảnh hưởng bà con cũng nhất trí.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư-xây dựng huyện Yên Bình, công trình được khởi công ngày 25/12/2019, tổng mức đầu tư gần 8 tỷ đồng, diện tích thu hồi là 20.585m2.
Theo thiết kế, quỹ đất này có 104 lô đất nhưng đến nay mới hoàn thành được 76 lô, còn lại 28 lô vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Đến ngày 19/3/2020, Ủy ban Nhân dân huyện đã bàn giao cho các cá nhân trúng đấu giá được 43 lô đất.
Ghi nhận thông tin phản ánh từ phóng viên, ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Bình cho biết sẽ cho kiểm tra và có hướng giải quyết hợp lý, đảm bảo đời sống cho người dân./.