Festival Khèn Mông và Lễ Công bố quyết định đưa nghệ thuật Khèn của người Mông, nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia và Lễ hội Hoa tớ dày năm 2023 sẽ khai mạc tại huyện Mù Cang Chải vào ngày 23/12.
Tại Lễ Khai mạc sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Tinh hoa nghệ thuật khèn Mông” với điểm nhấn là màn đồng diễn nghệ thuật khèn Mông có sự tham gia của 1.000 nghệ nhân, diễn viên của huyện Mù Cang Chải.
Để giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước các sản phẩm du lịch độc đáo, huyện Mù Cang Chải sẽ tái hiện Không gian Văn hóa Dân tộc Mông từ ngày 22-24/12; Không gian Chợ phiên từ ngày 22-24/12 tại thị trấn Mù Cang Chải.
Ngoài ra, các hoạt động giao lưu hội thi múa khèn tốp, trải nghiệm giã bánh giầy và bay dù lượn tại đèo Khau Phạ cũng sẽ được tổ chức.
Dịp này, các gian hàng trưng bày sẽ giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu; Văn Chấn; thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) và huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Tại Quyết định số 1401/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, nghệ thuật khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Dân tộc Mông ở Yên Bái chiếm 8,1% dân số toàn tỉnh Yên Bái, cư trú tập trung tại 40 xã thuộc 5 huyện là Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên và Lục Yên.
Chuyện kể rằng: “Ngày xưa, có một nhà nọ, cha mẹ mất sớm, để lại 6 anh em trai ở với nhau. Họ làm được cái khèn có 6 lỗ và sáu bộ phận để 6 anh em cùng được thổi. Ngày ngày họ đi làm nương rẫy, tối về anh em quây quần bên nhau và cùng mang khèn ra thổi.
Tiếng khèn trầm bổng thắm thiết, người dân trong bản tối nào cũng đến chơi để nghe thổi khèn rất đông vui. Sáu anh em thì người bị giặc giết hại, người theo nghĩa quân đánh giặc, người thì bị phiêu bạt. Còn lại người em út không nhà cửa ở với chú ruột. Thiếu tiếng khèn, trong vùng trầm lặng, quạnh hiu. Vắng các anh nên chàng út không thể thổi được khèn. Chàng út liền nghĩ ra một ý là tổng hợp cả năm chi tiết kia thành một cây khèn và chiếc khèn ấy được lưu truyền đến ngày nay.”
Nghệ thuật khèn của người Mông là Di sản Văn hóa Phi vật thể
Nghệ thuật khèn của người Mông ở Yên Bái trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông.
Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh, là thanh âm của núi rừng. Khèn Mông được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau như trong những dịp lễ, tết, chúc mừng, đón khách.... Tiếng khèn vang vọng, lúc khoáng đạt, lúc nỉ non, dìu dặt. Người Mông sử dụng khèn trong những ngày lễ truyền thống, để đệm cho người hát các bài dân ca, có khi bắt nhịp cho các vũ điệu mạnh mẽ, sử dụng trong những ngày vui.
Đặc biệt, tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện gửi lời yêu của bao chàng trai, cô gái. Bất cứ chàng trai người Mông nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương, trên rẫy, cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ là một cách để giải trí, mà còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình, là cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp.
Không chỉ nghe tiếng khèn của người Mông, đến Mù Cang Chải vào thời điểm cuối tháng 12, du khách cũng sẽ được ngắm vẻ đẹp mê hồn của hoa tớ dày phủ kín các sườn đồi. Hoa tớ dày là loài hoa mang nhiều ý nghĩa đối với đời sống của người dân nơi đây, một loài hoa thân gỗ, chỉ mọc và nở hoa ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển.
Hoa tớ dày là biểu tượng của mùa Xuân, mùa của chàng trai, cô gái người Mông đi tìm tình yêu và kết thành đôi lứa.
Với người Mông, sau một năm lao động vất vả, mùa vàng đã thu hoạch xong, thóc đã đầy nhà, khi những cây tớ dày nở hoa hồng rực núi rừng cũng là lúc những chàng trai cô gái Mông, xúng xính trong bộ váy mới đi chơi Tết, du Xuân.
Không chỉ đồng bào người Mông yêu hoa tớ dày mà du khách cũng không thể cưỡng nổi vẻ đẹp quyến rũ của loài hoa rừng này./.