Yên Bái: Định vị thương hiệu quốc tế cho chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng

Nếu có một chiến lược đúng đắn, trà Shan tuyết Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội chinh phục Đài Loan - một thị trường nổi tiếng với nhiều loại trà ngon nhất thế giới, và nhiều thị trường quốc tế khác.

"Vương quốc chè cổ thụ" Suối Giàng với những cây chè hàng trăm năm tuổi. (Nguồn: Qfarm)
"Vương quốc chè cổ thụ" Suối Giàng với những cây chè hàng trăm năm tuổi. (Nguồn: Qfarm)

Những cây chè Shan tuyết có tuổi đời hàng trăm năm là món quà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Từ lâu, cây chè Shan tuyết đã là cây thoát nghèo hiệu quả và bền vững cho người dân nơi đây. Nhưng để các sản phẩm chè chế biến từ vùng nguyên liệu này trở thành một thương hiệu uy tín, đủ khả năng chinh phục thị trường quốc tế là một việc không hề dễ dàng.

Những thay đổi trên thị trường thế giới cho thấy cây chè Shan tuyết đang có nhiều cơ hội. Việc có tận dụng được cơ hội để thương mại hóa sản phẩm hay không cần một định hướng chiến lược đúng đắn, một tầm nhìn dài hạn, một nguồn đầu tư tài chính lớn của doanh nghiệp và sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Đến với "Vương quốc chè cổ thụ"

Vào một ngày tiết trời ấm áp cuối năm Quý Mão, chúng tôi theo chân người đại diện của một công ty tư vấn về xuất nhập khẩu Đài Loan đến với vùng đất Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) - nơi được mệnh danh là thủ phủ chè Shan tuyết - một loại chè đặc sản thượng hạng của Việt Nam.

Sau một hành trình dài với chặng cuối là một con đường đèo quanh co, khúc khuỷu, chúng tôi đến với “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” – một điểm dừng chân tuyệt đẹp ở “Vương quốc chè cổ thụ,” nằm tại thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, cách trung tâm huyện lỵ Văn Chấn khoảng 12km.

Tuy đang là giữa mùa Đông nhưng lúc này thời tiết không quá lạnh. Mặt trời tỏa những tia nắng dịu nhẹ mang theo hơi ấm, xua tan cái giá lạnh của vùng núi cao.

Khung cảnh miền sơn cước đẹp như một bức tranh. Thấp thoáng xa xa là những ngôi nhà nhỏ bé đơn sơ ẩn hiện giữa núi rừng. Một con đường dốc thoai thoải bằng bêtông chạy giữa rừng chè cổ thụ mọc. Con đường vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe máy chạy ào qua, khuấy động không gian rồi trả lại sự tĩnh lặng vốn có.

Đón chúng tôi là anh Đặng Thái Sơn, người quản lý tại “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” cùng đội ngũ nhân viên trẻ, hầu hết các em là người thuộc các dân tộc vùng cao như Mông, Dao, Tày.

Sau vài phút nghỉ ngơi, anh Sơn tranh thủ đưa chúng tôi đi tham quan một trong những cây chè đẹp nhất Việt Nam có tuổi đời 500 năm, được xếp hạng “Cây Di sản Việt Nam” và vườn chè Shan tuyết cổ thụ, trước khi những tia nắng cuối ngày từ từ biến mất.

toan-canh-8073.jpg
Mây buổi sớm trên "Vương quốc chè" ở thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng. (Nguồn: Qfarm)

Vườn chè, được mệnh danh là “Vương quốc chè” với khoảng 200 gốc, là một trong rất nhiều vườn chè cổ thụ tại Suối Giàng. Đây cũng chính là một điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách khắp nơi về chiêm ngưỡng những “lão” trà hàng trăm năm tuổi.

Vương quốc chè cổ thụ nguyên sơ với những gốc chè to lớn, xù xì, thân trắng mốc thếch, cành lá xum xuê. Trên những thân cây lâu năm, địa y mọc thành lớp dày, bám chặt vào vỏ cây.

Dấu vết duy nhất cho thấy sự can thiệp của con người ở đây là một lối đi nhỏ được đổ bêtông, có đoạn bằng phẳng, có đoạn xây thành bậc, chạy giữa vườn chè để giúp du khách đi lại dễ dàng trên địa hình đồi dốc.

Vùng đất của những huyền tích - Đệ nhất kỳ quan trà

Trong quá trình tham quan, anh Sơn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những cây chè cổ từ lâu đã gắn bó và đồng hành cùng người dân Suối Giàng.

Nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, địa hình đồi núi đất, sương mù bao phủ quanh năm, Suối Giàng có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng lý tưởng để cây chè Shan tuyết phát triển.

Shan tuyết có nghĩa là “tuyết trên núi,” tên gọi này bắt nguồn từ sắc trắng của lớp lông tơ mịn trên búp non của những cây chè cổ thụ mọc tự nhiên trên núi cao.

Cây chè cổ Shan tuyết sống bằng hơi đất, hơi sương, bằng linh khí của trời đất nên cho hương thơm, vị đượm không nơi nào có được.

Mỗi năm, cây cho ba vụ thu hoạch mà không cần tốn quá nhiều công sức. Quá trình chăm bón không được dùng phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật, người dân chỉ cần phát quang cỏ dại quanh gốc đề phòng mối tấn công.

hoa-tra-8225.jpg
Hoa trà Shan tuyết. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Hai từ “Suối Giàng” cũng gắn với nhiều truyền thuyết. Có người cho rằng Suối Giàng có nghĩa là suối của Trời, nhưng cũng có ý kiến nói là thực ra đó là dòng suối của họ Giàng, một họ phổ biến của người Mông sinh sống ở đây.

Theo những câu chuyện được người xưa kể lại thì cách đây vài trăm năm, một nhóm người Mông đói rét và nhiễm bệnh đi qua đây. Khi thấy loại cây có lá xanh tốt, họ bèn hái vài búp ăn thử. Kỳ diệu thay, khi nhai đến búp thứ ba, họ thấy người khỏe lại. Thấy vậy, họ liền lấy lá cây đun với nước suối để uống.

Ngày qua ngày, tất thảy mọi người đều hết ốm và khỏe khoắn trở lại. Lá cây kỳ diệu ấy chính là lá chè Shan tuyết và người Mông đã quyết định chọn vùng đất này, ngày nay gọi là Suối Giàng, để định cư, dựng nhà kiên cố và sinh con đẻ cái.

Anh Sơn cho biết, trong tâm thức của người Mông, những cây chè Shan tuyết không chỉ là cây thuốc quý được trời đất ban tặng mà loài cây này còn đi vào đời sống tâm linh của bà con với nghi lễ cúng cây chè tổ diễn ra vào tháng Chín hằng năm. Nghi lễ giờ đây đã trở thành hoạt động văn hóa tiêu biểu, thu hút đông đảo bà con địa phương và du khách gần xa tới tham dự.

Khi màn đêm buông xuống, bên ngọn lửa bập bùng trong Không gian thưởng trà Suối Giàng, trong tiếng khèn Mông dìu dặt, anh Sơn tiếp tục giới thiệu cho chúng tôi cách thưởng trà sao cho đúng cách, không để trà bị “cháy” hoặc hoạt chất tốt bị chuyển đổi.

Những người sành trà đều biết để thưởng thức trà ngon sẽ gồm “nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh.” Bởi nước để pha trà là yếu tố quan trọng đầu tiên nên trước đây, ở Suối Giàng, người dân phải kỳ công vào trong khe núi, nơi có nguồn nước sạch để lấy nước đem về pha trà.

thuong-tra-9378.jpg
Du khách tận hưởng những khoảnh khắc đáng nhớ trong Không gian thưởng trà Suối Giàng. (Nguồn: Qfarm)

Với người dân bản địa, chỉ có thứ nước tinh khiết có đủ hai yếu tố thiên và địa, trào lên từ những mạch ngầm trong lòng đất, thấm đẫm hơi sương núi rừng, thì ấm trà mới dậy hương, mới đầy tròn vị nhất.

Tiếp đó, cách chọn trà ngon, cách tráng ấm khi pha trà, cách hãm trà, cách nâng chén trà và nhấp từng ngụm…, tất cả đều phải tuân theo một quy trình chuẩn để có thể cảm nhận được hương vị thơm ngon của trà. Thật thú vị khi khám phá cả một tầng sâu văn hóa ẩn chứa bên trong từng chén trà.

Ngày hôm sau, anh Sơn đưa chúng tôi đi tham quan cơ sở chế biến chè. Tại đây, anh chia sẻ kiến thức xung quanh công việc thu hái và chế biến chè.

Quy trình thu hái phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Muốn trà ngon, phải chọn ngày có sương mù để thu hái, ngày mưa dầm hay nắng gắt đều không phải thời điểm thích hợp.

tra-co-thu-9552.jpg
Cây chè Shan tuyết cổ thụ 500 năm tuổi, được xếp hạng “Cây di sản Việt Nam”. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Ngoài ra, phải đi hái sớm, trước khi Mặt Trời thức dậy, tức là từ 5-8h sáng. Đây là khoảng thời gian búp chè còn ngậm sương. Chè hái phải đạt chuẩn 1 tôm 2 lá (một búp chè và 2 lá non) và phải hái thật nhẹ tay để không làm mất lớp tuyết trắng phủ bên ngoài búp chè.

Chè chế biến theo phương pháp truyền thống cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Búp chè hái về được phơi héo trên nong tre, đặt ở nơi thông thoáng. Nghệ nhân làm trà phải đặc biệt chú ý đến trạng thái của búp chè để có được sản phẩm trà mong muốn.

Nếu may mắn, trời khô ráo, người nghệ nhân sẽ có những búp chè được làm héo và hong khô một cách tự nhiên như vậy. Việc trực tiếp được trải qua quá trình oxy hóa dưới ánh nắng Mặt trời sẽ giúp cho những dược chất trong chè Shan tuyết được tích lũy đầy đủ nhất.

Những búp chè này sẽ được chế biến thành Bạch trà (loại trà chỉ có 1 tôm/búp), loại trà quý hiếm, ngon bậc nhất trong các dòng trà.

Trong trường hợp trời không đủ nắng, nghệ nhân phải dùng máy sấy công nghiệp, thời gian chế biến sẽ được rút ngắn hơn nhiều, nhưng khi đó buộc phải đổi sang chế biến thành loại chè khác, sản phẩm sẽ không đạt độ thơm ngon ưng ý.

Các công đoạn tiếp theo như diệt men (khử tanin, giảm vị đắng, chát), vò chè, sao chè…, mặc dù được các thiết bị hiện đại hỗ trợ nhưng tất thảy đều cho thấy đây là một quá trình kỳ công và vất vả đối với người làm chè.

Vượt qua rào cản định kiến

Sau khi tận mắt chứng kiến những vườn chè cổ thụ cũng như quy trình chế biến chè công phu, tỉ mỉ, bà Tạ, đại diện công ty tư vấn Đài Loan cho biết bà đánh giá cao chất lượng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng cũng như trân trọng nỗ lực và sự tài hoa/khéo léo của người dân địa phương trong từng công đoạn để cho ra các sản phẩm trà.

Bà Tạ thích thú khi được trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây và bày tỏ sự xúc động khi được biết người dân phải đeo gùi và bắc thang trèo lên những cây chè cao để thu hái - một công việc không chỉ vất vả mà còn nguy hiểm với những cây mọc cheo leo trên sườn núi.

Bà cũng cho rằng điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tạo nên những thế mạnh riêng cho vùng đất Suối Giàng trong việc sản xuất chè sạch, chè tự nhiên với hương vị đặc trưng. Vùng đất này có nhiều tiềm năng để trở thành vùng nguyên liệu tốt cho xuất khẩu.

cay-tra-7470.jpg
Khí hậu và thổ nhưỡng tạo nên đặc sản chè Shan tuyết Suối Giàng nổi tiếng. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Đại diện công ty tư vấn Đài Loan cũng giới thiệu đôi nét về thị trường chè Đài Loan, theo đó Đài Loan có ngành công nghiệp trà ô long rất phát triển với doanh thu hàng năm xấp xỉ 1 tỷ USD.

Đài Loan đang nắm giữ bí quyết sản xuất các loại trà ngon được ưa thích trên toàn thế giới. Khí hậu cận nhiệt đới, đất đai màu mỡ và các nghệ nhân trà lành nghề của hòn đảo đã góp phần làm nên các loại trà nổi tiếng với hương vị tinh tế.

Tuy nhiên, diện tích trồng chè ở Đài Loan đang ngày càng bị thu hẹp do nền kinh tế tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn là công nghệ, nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Ngoài ra, chi phí lao động tăng cao đã khiến năng lực cạnh tranh của chè Đài Loan giảm sút. Đây chính là cơ hội để chè Việt Nam xâm nhập thị trường Đài Loan.

Tuy nhiên hiện nay, thị trường Đài Loan vẫn còn định kiến với chè Việt Nam, các nhà sản xuất trà ô long Đài Loan chưa thật yên tâm về chất lượng của chè Việt Nam.

Một số công ty Đài Loan nhập khẩu chè Việt Nam rồi trộn lẫn với chè được trồng tại Đài Loan để sản xuất trà ô long. Điều này có nghĩa là thương hiệu sản phẩm là Đài Loan và trên bao bì sản phẩm hoàn toàn không có xuất xứ vùng nguyên liệu hay bất cứ thông tin gì về Việt Nam.

Với những gì đã trải nghiệm, đại diện công ty tư vấn Đài Loan cho rằng đã đến lúc phải thay đổi, tạo ra nhận thức đúng về chè Việt Nam và từng bước định vị thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng ở thị trường Đài Loan.

Tại buổi làm việc, anh Vũ Xuân Khánh, phụ trách kinh doanh của Công ty cổ phần Du lịch Qfarm - một đơn vị đã có nhiều năm gắn bó với Suối Giàng, hiểu về cây chè nơi đây, giới thiệu các sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng cho biết thời gian qua, Qfarm không chỉ tập trung vào nâng cao, ổn định chất lượng sản phẩm mà đã rất quan tâm xây dựng và định vị thương hiệu qua việc phủ rộng thị trường, mở rộng kênh phân phối, cải tiến bao bì, mẫu mã…

Qfarm quyết tâm theo đuổi chiến lược đầu tư dài hạn vào dòng trà Shan Tuyết cao cấp để chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.

san-pham-tra-9907.jpg
Những sản phẩm trà Shan tuyết thượng hạng của Công ty cổ phần Du lịch Qfarm. (Nguồn: Qfarm)

Định vị thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng một cách bài bản là một công việc không đơn giản, và để sản phẩm được xuất khẩu theo con đường chính ngạch với một thương hiệu uy tín thì thách thức còn cao hơn. Cơ hội xuất khẩu luôn đi cùng cam kết về chất lượng sản phẩm.

Để trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng nói riêng và các loại trà cao cấp của Việt Nam nói chung có thể xuất hiện trong các siêu thị, các khách sạn 5 sao của Đài Loan, cũng như các thị trường quốc tế lớn với tên gọi được gắn thương hiệu Việt, cần một quá trình lâu dài, bền bỉ để xây dựng uy tín, tạo dựng niềm tin với thị trường và đối tác.

Phát triển thành công thương hiệu sản phẩm rất cần một tầm nhìn dài hạn cùng với sự liên kết của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền. Các doanh nghiệp cần hành động ngay từ hôm nay để không bỏ lỡ cơ hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục