Lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen ngày 30/10 tuyên bố kế hoạch hòa bình mới của Liên hợp quốc là "cơ sở đàm phán" dù văn bản này còn "một số thiếu sót căn bản."
Trong một tuyên bố, phiến quân Houthi cho biết kế hoạch chấm dứt cuộc chiến dai dẳng 19 tháng nay do đặc phái viên Liên hợp quốc Ismail Ould Cheikh Ahmed đề xuất không bao gồm đề nghị "ngừng bắn vĩnh viễn và tổng thể" cũng như việc dỡ bỏ bao vây tại các khu vực mà lực lượng này đang kiểm soát. Houthi cũng cho biết sẽ nêu kiến nghị về việc này lên đặc phái viên Cheikh Ahmed khi ông đến thủ đô Sanaa trong vài ngày tới.
Nội dung kế hoạch trên chưa được công khai, tuy nhiên theo các nguồn tin không chính thức, văn bản này kêu gọi 2 bên đạt thỏa thuận về việc chỉ định 1 phó tổng thống mới sau khi phiến quân rút khỏi thủ đô và các thành phố và giao nộp vũ khí cho một bên thứ 3. Sau đó, Tổng thống Yemen lưu vong Mansour Hadi sẽ phải chuyển giao quyền lực cho vị phó tổng thống này, người sẽ chỉ định 1 thủ tướng mới đứng ra thành lập chính phủ với sự đại diện ngang nhau giữa miền Bắc và miền Nam.
Trong phản ứng của mình trước đó, Tổng thống Hadi đã bác bỏ kế hoạch trên, với lý do văn bản này "không phải là một lộ trình hòa bình và chỉ dẫn tới đau khổ và chiến tranh." Theo ông, kế hoạch mới đã "lạc" khỏi nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó kêu gọi phiến quân rút khỏi các phần lãnh thổ đang chiếm đóng từ năm 2014.
Yemen đã trượt sâu hơn vào bất ổn kể từ tháng 3/2015, thời điểm liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn. Xung đột kéo dài 19 tháng qua ở Yemen đã khiến gần 7.000 người thiệt mạng và hơn 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong khi hàng triệu người khác đang cần viện trợ lương thực khẩn cấp. Các vòng đàm phán hòa bình diễn ra tại Kuwait hồi tháng 8 đã đổ vỡ./.