Yemen: Các bên nhất trí lộ trình lập nhà nước liên bang

Các bên tham gia đối thoại dân tộc tại Yemen nhất trí về lộ trình giải quyết vấn đề miền Nam và thành lập một nhà nước liên bang.
Yemen: Các bên nhất trí lộ trình lập nhà nước liên bang ảnh 1Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi. (Nguồn: Reuters)

Các bên tham gia cuộc đối thoại dân tộc tại Yemen tối 23/12 đã nhất trí về một lộ trình giải quyết vấn đề miền Nam và thành lập một nhà nước liên bang.

Văn kiện về lộ trình nói trên đã được ký kết tại Văn phòng Tổng thống trước sự chứng kiến của Tổng thống Mansour Hadi và đặc phái viên Liên hợp quốc tại Yemen Jamal bin Omar, cũng như các đại diện của Phong trào Miền Nam ly khai.

Các điều khoản trong văn kiện trên do ông Bin Omar tập hợp soạn thảo và đề xuất, theo đó, một nhà nước liên bang sẽ được thành lập gồm từ 2-6 vùng tự trị.

Thỏa thuận cũng trao quyền cho ông Hadi đứng đầu một ủy ban tổng thống với nhiệm vụ quyết định số vùng của nhà nước liên bang trong trường hợp nảy sinh tranh cãi liên quan đến vấn đề này trong hiệp định cuối cùng trước khi cuộc đối thoại dân tộc kết thúc, dự kiến vào cuối tháng 12 này.

Lộ trình cũng đề xuất một giai đoạn quá độ từ 9 tháng đến 2 năm nhằm thực thi nội dung các điều khoản vừa nhất trí, bao gồm soạn thảo một hiến pháp mới, các điều luật liên bang, cải cách luật bầu cử, tổ chức trưng cầu dân ý và tổng tuyển cử.

Một nguồn tin tham dự đối thoại cho biết một số đại biểu của Đảng Xã hội (SP) đã không ký vào thỏa thuận.

Văn phòng của ông Bin Omar đã ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận về lộ trình vừa đạt được, cho rằng "văn kiện này phản ánh mức đồng thuận cao nhất giữa các bên tham gia Đối thoại Dân tộc, mang đến một giải pháp hợp lý cho vấn đề miền Nam và mở đường xây dựng một nhà nước thống nhất trên cơ sở liên bang và dân chủ."

Tuyên bố cũng hoan nghênh những nỗ lực của Tổng thống Hadi thúc đẩy đạt đồng thuận giữa các đảng phái chính trị ở Yemen.

Các phe phái Yemen bắt đầu cuộc đối thoại hòa giải toàn diện từ tháng 3 vừa qua trong khuôn khổ quá trình chuyển giao quyền lực được khởi động sau cuộc biểu tình rầm rộ năm 2011 dẫn tới việc Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức.

Cuộc đối thoại được dự kiến diễn ra trong 6 tháng, tuy nhiên đã không kết thúc đúng như kế hoạch sau khi các thủ lĩnh ly khai miền Nam đòi độc lập hoàn toàn cho khu vực miền Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục