Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã YEG – HoSE) xác nhận về việc Youtube chấm dứt Thỏa thuận hợp tác lưu trữ nội dung đối với các công ty tài chính, công ty con có hoạt đông kinh doanh liên quan đến mảng YouTube AdSense của Yeah 1, bao gồm SpringMe Pte.Ltd, Yeah 1 Network Pte.Ltd và Scalelab LLC, sau ngày 31/3/2019.
Ngay lập tức, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đà bán tháo mã cổ phiếu YEG với mức giá nện sàn trong 3 phiên liên tiếp (ngày 4 - 6/3), giảm từ 245.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 197.200 đồng/cổ phiếu (tương ứng mất 19,5%).
Trước động thái trên từ phía thị trường, đại diện từ Tập đoàn Yeah1 đã chính thức lên tiếng đồng thời giải trình tới các nhà đầu tư về các khoản liên quan đến kết quả lợi nhuận sau thuế của Công ty từ mảng kinh doanh YouTube MCN (mạng lưới đa kênh).
[Thủ tướng phê duyệt đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán, bảo hiểm]
Thông cáo từ Yeah1 cho hay, lợi nhuận thu được từ YouTube MCN hiện chỉ chiếm một phần trong hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của họ.
Cụ thể, trong năm 2018, Tập đoàn Yeah1 có hai mảng chính là kinh doanh trên YouTube và Xuất bản Nội dung số (Yeah1 Publishing) với tổng đóng góp 55,6% doanh thu và 84,1% lợi nhuận sau thuế của cả Tập đoàn.
Trong đó, YouTube MCN quản lý theo hai kênh tự sở hữu và kênh của bên thứ ba (đối tác) và hoạt động khá tương đồng khi cùng nhận được 55% doanh thu quảng cáo từ YouTube.
Tuy nhiên có điểm khác biệt, YouTube MCN sẽ phải chia sẻ từ 70%-95% phần nhận được với các kênh của bên thứ ba trong khi được giữ lại 100% phần nhận được tại các kênh tự sở hữu.
Như vậy, việc quản lý các kênh tự sở hữu mang về biên lợi nhuận cao hơn nhiều lần (50%-70%) so với quản lý các kênh của đối tác (trung bình chỉ khoảng 8%).
Một điểm quan trọng khác cũng được Yeah1 chỉ ra, việc YouTube có thể chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung sẽ chỉ ảnh hưởng đến việc quản lý các kênh của bên thứ ba chứ không ảnh hưởng đến hoạt động của các kênh YouTube tự sở hữu.
Theo báo cáo tài chính năm 2018 của Tập đoàn, tổng doanh thu từ YouTube MCN là 309 tỷ đồng (tương đương 13,3 triệu USD), trong đó 1,35 triệu USD từ các kênh YouTube tự sở hữu và 11,95 triệu USD từ các kênh của bên thứ ba.
Theo cách tính trên, lợi nhuận sau thuế liên quan đến việc quản lý các kênh YouTube của bên thứ ba chiếm khoảng 1 triệu USD, tương đương 12,9% tổng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn./.