Ý tưởng tập hợp các cường quốc trong thời đại toàn cầu

Việc hình thành một tập hợp những nước lớn như vậy vẫn là cách tốt nhất và thực tế nhất để thúc đẩy sự đồng thuận của các cường quốc.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Modern War Institute)

Theo trang mạng aspistrategist.org.au, cuộc đối thoại đầy gập ghềnh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Alaska đã khiến mối quan hệ song phương càng thêm trục trặc.

Sự thù địch gia tăng giữa hai quốc gia rõ ràng đã chỉ ra rằng sự phát triển của thế giới với nhiều trung tâm quyền lực có thể báo trước một thời đại của cạnh tranh và xung đột ngày càng leo thang.

Một phần lớn khúc mắc nằm ở chỗ chính cấu trúc quản trị quốc tế hiện hành, mà hầu hết đã được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đã lỗi thời và không còn phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ sự ổn định toàn cầu.

Hệ thống liên minh với Mỹ là một câu lạc bộ của các nền dân chủ, song không đủ để đáp ứng yêu cầu thúc đẩy hợp tác giữa các luồng tư tưởng. Các hội nghị cấp cao G7 và G20 diễn ra liên tục và dành quá nhiều thời gian để thảo luận về các tuyên bố chung.

Liên hợp quốc là một diễn đàn toàn cầu thường trực, song Hội đồng Bảo an lại là nơi nảy sinh những mâu thuẫn lớn và thậm chí là bế tắc giữa các thành viên thường trực có quyền phủ quyết.

Điều cần thiết hiện nay là một sự phối hợp trên quy mô toàn cầu của các cường quốc- hay nói cách khác là một tập hợp của nhóm những nước có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Lịch sử châu Âu thế kỷ XIX đã có một ví dụ cụ thể.

[Hội đàm Mỹ-Trung: Cuộc gặp dò đường định hình quan hệ song phương]

Một nhóm gồm Anh, Pháp, Nga, Phổ và Áo được thành lập vào năm 1815, đã thành công trong việc bảo đảm hòa bình cho khu vực trong một nửa thế kỷ khi vắng bóng một cường quốc thống trị và trong bối cảnh của sự đa dạng hệ tư tưởng.

Nhóm dựa trên cam kết chung dựa vào liên lạc thường xuyên và giải pháp hòa bình để hóa giải những tranh cãi về lãnh thổ và dẫn tới dấu chấm hết cho các cuộc chiến đẫm máu thời Napoleon.

Một sự đồng bộ toàn cầu sẽ là cách tốt nhất để kiểm soát một thế giới không còn do Mỹ và phương Tây thao túng. Những thành viên của nhóm này có thể là Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và Mỹ, chiếm tới gần 70% GDP và chi tiêu quân sự toàn cầu.

Sự tham gia của 6 ứng cử viên nặng ký này có thể đem đến cho tập hợp toàn cầu một ảnh hưởng địa chính trị đáng kể, và cũng là cách để ngăn đây trở thành một diễn đàn cồng kềnh.

Các thành viên của nhóm có thể cử đại diện thường trực tới trụ sở mà các bên cùng nhất trí thông qua thỏa thuận chung. Các cuộc gặp cấp cao có thể diễn ra trên nguyên tắc định kỳ hoặc khi cần thiết để giải quyết khủng hoảng.

Dù không phải thành viên chính thức, 4 tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arập (AL), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OAS), có thể tham gia với các phái đoàn thường trực tại trụ sở của nhóm này. Khi thảo luận về các vấn đề có tác động tới những khu vực này, nhóm cần mời đại biểu từ các tổ chức nói trên và cả những quốc gia có liên quan.

Một tập hợp những người cùng chung chí hướng, giống như những “tiền bối” thế kỷ XIX, sẽ giúp xây dựng đối thoại chiến lược bền vững, đưa các quốc gia có ảnh hưởng nhất- dù theo chế độ gì- cùng ngồi vào bàn đàm phán, tách bạch những bất đồng về hệ tư tưởng trong quản trị khỏi các vấn đề cần tới sự hợp tác quốc tế.

Động thái này sẽ giúp các bên gạt bỏ các thủ tục lễ nghi và nguyên tắc cứng nhắc, để thay vào đó là những thuyết phục và thỏa hiệp nhằm xây dựng đồng thuận.

Tập hợp này nên là nơi tham vấn, chứ không phải là cơ quan ra quyết sách; nên là nơi giải quyết những cuộc khủng hoảng mới, đề xuất và xây dựng những nguyên tắc mới, cũng như lôi kéo sự ủng hộ cho những sáng kiến tập thể. Vai trò giám sát sẽ thuộc về Liên hợp quốc và các tổ chức sẵn có. Tập hợp này sẽ tăng cường, chứ không phải thay thế, cấu trúc quốc tế hiện tại.

Giống như nỗ lực chung tại châu Âu, một tập hợp kiểu này sẽ thúc đẩy ổn định bằng cách ưu tiên hiện trạng về lãnh thổ và loại trừ quan điểm dùng vũ lực hoặc các biện pháp cưỡng chế khác nhằm thay đổi biên giới hoặc lật đổ chế độ, trừ trường hợp có sự đồng thuận quốc tế.

Các thành viên sẽ có quyền hành động đơn phương nếu cho rằng lợi ích quan trọng bị đe dọa. Nói một cách lý tưởng, đối thoại chiến lược được duy trì sẽ hạn chế và hạ nhiệt các động thái đơn phương.

Tập hợp này cũng sẽ hướng đến việc xây dựng các phản ứng tập thể trước các thách thức dài hạn, như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống các mạng lưới khủng bố, thúc đẩy y tế toàn cầu, xây dựng các chuẩn mực trong không gian mạng và chống biến đổi khí hậu.

Những vấn đề quan trọng này thường khoét sâu những rạn nứt về thể chế mà một nỗ lực chung hoàn toàn có thể lấp đầy.

Hãy tưởng tượng nếu người ta xây dựng thành công một mô hình này từ sau Chiến tranh Lạnh, các cường quốc có thể đã ngăn chặn, hoặc ít nhất là làm cho các cuộc nội chiến ở Nam Tư, Rwanda và Syria ít đẫm máu hơn. Nga và Mỹ có thể đã tìm được điểm chung về một cấu trúc an ninh cho châu Âu, ngăn chặn những xích mích về sự mở rộng của NATO và ngăn chặn Nga xâm lược Gruzia và Ukraine.

Đại dịch COVID-19 cũng có thể đã được kiềm chế tốt hơn nếu có một nhóm chỉ đạo quyền lực cùng phối hợp ứng phó ngay từ những ngày đầu tiên.

Trong tương lai, tập hợp gồm các cường quốc toàn cầu sẽ là nơi để giảm thiểu rủi ro trước những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tập hợp này cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình những bế tắc chính trị ở nhiều khu vực như Afghanistan và Venezuela, và thậm chí là có thể trở thành nền tảng để xây dựng các nguyên tắc hạn chế sự can thiệp vào chính trị nội bộ của nước khác.

Tuy nhiên, đó không phải là liều thuốc chữa bách bệnh. Việc tập hợp các ứng cử viên nặng ký trên thế giới không chắc có thể dẫn tới đồng thuận và thành công thường được hiểu là việc quản lý, thay vì loại bỏ, các mối đe dọa đối với trật tự khu vực và toàn cầu.

Dù vậy, việc hình thành một tập hợp như vậy vẫn là cách tốt nhất và thực tế nhất để thúc đẩy sự đồng thuận của các cường quốc; và những điều khả thi luôn được ưu tiên hơn những điều mong muốn nhưng bất khả thi. Lựa chọn khác - một thế giới hỗn độn và mất phương hướng- rõ ràng là điều không có lợi cho bất kỳ ai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục