Theo ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, vấn đề bảo vệ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn chưa được coi trọng đúng mức.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kiểm xung quanh vấn đề này bên lề cuộc hội thảo “Nâng cao hiệu quả của quản lý tập thể quyền tác giả trong kỷ nguyên số hóa” do Liên đoàn Quốc tế các tổ chức tập thể quyền sao chép phối hợp với Cục Bản quyền tác giả Việt Nam và Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam tổ chức vào sáng 15/4, tại Hà Nội.
“Chưa đi vào nề nếp”
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả ở Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Kiểm: Từ trong nhận thức, việc bảo hộ quyền tác giả ở Việt Nam đã có những thời gian bị xao nhãng với tư duy rằng, nước ta là một nước nghèo nên phải cố gắng tận dụng càng nhiều càng tốt những gì có thể tận dụng được của thế giới.
Bởi vậy, việc bảo vệ quyền tác giả và sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa đi vào nề nếp.
Mỗi năm, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam chỉ thu được trung bình khoảng 600 triệu đồng tiền bản quyền; trong đó, có hàng trăm nghìn sản phẩm trí tuệ được ra đời mỗi năm.
Hơn nữa, với việc thực hiện thu tiền bản quyền, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam mới chủ yếu nhận sự ủy thác tập thể của các đơn vị, nhà xuất bản. Số lượng ủy thác cá nhân là không đáng kể.
Ở Việt Nam, người ta không ăn cắp những cuốn sách cụ thể trong các hiệu sách mà ăn cắp quyền tác giả, quyền đứng ra sản xuất các ấn phẩm. Điều này dường như đã trở thành một phong trào. Sự xuất hiện tràn lan của những nhà in lậu là một cách ăn cắp quyền tác giả rõ nhất.
- Vậy, theo ông, nguyên nhân của thực trạng này là do đâu?
Ông Nguyễn Kiểm: Theo tôi, thứ nhất là do nhận thức. Từ nhận thức chưa đúng đắn về tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền tác giả đã dẫn đến những hành động nửa vời, không mang tính triệt để. Nói khác đi là, chúng ta không quy được trách nhiệm cụ thể khi có các vụ việc liên quan xảy ra.
Theo tôi, cần xác định cụ thể các cấp quản lý, giao việc quản lý trực tiếp cho các địa bàn. Đơn vị phụ trách trên địa bàn nào khi phát hiện ra cơ sở in lậu, làm hàng lậu trên địa bàn đó thì phải có trách nhiệm quản lý cụ thể.
Cùng với đó, theo tôi, việc xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. Bằng chứng là, có những người bị bắt vì in lậu sách, một năm sau ra tù, họ lại tiếp tục in, làm sách lậu.
Hiện nay, vấn đề bảo hộ quyền tác giả chưa trở thành ý thức thường trực của mỗi cá nhân, tập thể; xã hội cũng không đồng lòng lên tiếng. Nếu chỉ dừng lại ở các cơ quan quản lý thì cũng không thể giải quyết được vấn đề.
Về phương diện này, có một sự khác biệt rõ nét giữa Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Sự khác biệt giữa Việt Nam và thế giới
- Sự khác biệt đó thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Kiểm: Tôi đã từng chứng kiến một câu chuyện, ở nước ngoài, một em học sinh được tặng một đĩa nhạc. Khi mở ra, không thấy tem bảo hộ của nhà sản xuất, cô bé đã đem trả lại vì cho rằng đó là một món quà không trang trọng.
Bản thân cô bé đi mua món quà đó cũng đã cảm thấy dằn vặt, xấu hổ vì mua nhầm một cái đĩa không có bản quyền.
Ý thức về bảo vệ quyền tác giả, sử dụng sản phẩm có bản quyền phải được hình thành, giáo dục từ nhỏ. Các nước phát triển rất chú trọng vấn đề này; nhưng ở Việt Nam, điều này hầu như chưa được đề cập tới trong hệ thống giáo dục.
Tại các nước phát triển đã xuất hiện khái niệm “công nghiệp quyền tác giả.” Hàng năm, lĩnh vực này đóng góp 4-6% GDP. Ngành “công nghiệp” này có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng, phát triển nền kinh tế tri thức.
- Ông có thể nói rõ hơn về khái niệm “công nghiệp quyền tác giả” này, thưa ông?
Ông Nguyễn Kiểm: Trên thế giới, việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ được coi là biểu hiện của một xã hội văn minh. Quốc gia nào không coi trọng quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ sẽ không thể thúc đẩy được hoạt động sáng tạo ở trong nước và không nhận được sự hợp tác từ các quốc gia khác trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay.
Đây là môt đòi hỏi tự thân của quá trình sáng tạo và là động lực của quá trình phát triển.
Có những tác giả, để hoàn thành một cuốn sách phải mất ba, bốn năm, thậm chí là hàng chục năm. Ví dụ, tác giả của “Tám triều vua Lý” (6 tập) đã bỏ ra 18 năm mới có thể hoàn thành bộ sách này. Cuối cùng, số tiền nhuận bút tác giả nhận được là 70 triệu đồng. Như vậy, tính trung bình, tác giả này chỉ nhận được chưa tới 5 triệu đồng/ năm.
Như thế, người viết không có điều kiện vật chất để viết chứ chưa nói tới động lực tinh thần để sáng tạo. Bởi thế, toàn xã hội phải nhận thức đúng về việc sử dụng tác phẩm văn hóa tinh thần.
Một tác giả không thể tự mình đứng ra bảo vệ tác phẩm, quyền tác giả của mình được. Thực tế, nhiều trường hợp, các cá nhân bị “ăn cắp” bản quyền tác phẩm đã không đủ thời gian, sức lực để theo các phiên tòa từ đầu đến cuối nhằm đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.
Bởi vậy, các tổ chức nhận sự ủy thác của các cá nhân, đơn vị sản xuất đã ra đời để bảo vệ quyền tác giả cho họ một cách chuyên nghiệp.
Những khoản phí thu được từ tiền bản quyền, sau khi trừ đi mức phí để duy trì hoạt động của các tổ chức này (theo thông lệ quốc tế là 20% số tiền thu được) sẽ được trả lại cho cá nhân, tập thể đã ủy thác.
- Trân trọng cảm ơn ông!