Y tế cơ sở Lạng Sơn: Y tế huyện ''khởi sắc'' nhờ bác sỹ trẻ

Các bác sỹ trẻ được đào tạo nâng cao chuyên môn đã giúp cơ sở y tế tuyến huyện triển khai được các kỹ thuật cao, giúp nhân dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương.
Y tế cơ sở Lạng Sơn: Y tế huyện ''khởi sắc'' nhờ bác sỹ trẻ ảnh 1Bác sỹ trẻ Bàn Văn Chiến phẫu thuật nội soi cho một bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Y tế cơ sở tuyến xã, huyện ở các huyện khó khăn của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là các huyện vùng biên giới hiện nay vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn.

Trong vòng 5 năm qua, tại những huyện khó khăn chỉ tuyển được có 7 trường hợp bác sỹ về công tác. Trong khi đó, 5 năm tới, số bác sỹ tuyến xã về hưu rất nhiều mà chưa có lực lượng bổ sung khi những đối tượng này về hưu.

Ông Phan Lạc Hoài Thanh - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh như vậy khi nói về nhân lực y tế cơ sở tại những huyện vùng núi, biên giới.

100% bác sỹ tuyến xã đào tạo chuyên tu

Theo ông Thanh, tổng số nhân lực toàn ngành y tế của Lạng Sơn là 3.788 người, tỷ lệ bác sỹ đạt 11,4/vạn dân, 92% số xã có bác sỹ về làm việc, 99,5% trạm y tế xã có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh trung cấp, 98% thôn bản có nhân viên y tế đang hoạt động.

Tuy tỷ lệ tới 92%, nhưng ông Thanh cho hay đó là do các đơn vị tuyến tỉnh, huyện cử bác sỹ xuống làm việc 2 ngày/tuần. Thực tế, chỉ có 83% xã có bác sỹ định biên nhưng đa số sắp đến tuổi nghỉ hưu và 100% số lượng bác sỹ ở tuyến xã là đào tạo chuyên tu, từ y sỹ lên.

[Bác sỹ trẻ lấp những 'khoảng trống nhân lực' ở vùng cao Nghệ An]

Mặt khác, trong những năm vừa qua, số y sỹ đăng ký dự thi đào tạo hệ bác sỹ liên thông tại tỉnh Lạng Sơn trúng tuyển rất ít, trong khi bác sỹ chính quy mới ra trường không đăng ký tuyển dụng vào tuyến xã. Do vậy, tỉnh sẽ phải đối mặt với thực trạng thiếu số lượng bác sỹ ở tuyến xã trong những năm tiếp theo.

Y tế cơ sở Lạng Sơn: Y tế huyện ''khởi sắc'' nhờ bác sỹ trẻ ảnh 2Bác sỹ trẻ tại Trung tâm y tế huyện Bình Gia siêu âm cho một bệnh nhân. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Ông Thanh cũng nhấn mạnh tuy tính ra mức trung bình tỷ lệ bác sỹ đạt 11,4/1 vạn dân nhưng có sự phân bố không đồng đều, ở những huyện biên giới thiếu bác sỹ trầm trọng.

Y tế huyện khởi sắc

Tuy nhiên, thời gian qua, bức tranh y tế tuyến huyện của Lạng Sơn dù còn yếu và thiếu nhưng có những điểm sáng nhờ các bác sỹ trẻ tham gia Dự án bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa (Dự án 585).

Ông Hoàng Duy Thiện - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Gia cho hay năm 2018-2020 đơn vị có 6 bác sỹ được cử đi đào tạo chuyên khoa 1 (thuộc dự án này). Sau khi hoàn thành khoá học tốt nghiệp, các bác sỹ trẻ đã thực hiện được một số kỹ thuật phẫu thuật, thủ thuật như: Phẫu thuật nội soi (ruột thừa viêm, u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung, cắt túi mật), đặt catheter tĩnh mạch dưới đòn, đặt nội khí quản cấp cứu, hồi sức cấp cứu các bệnh nặng bằng thuốc vận mạch bằng bơm tiêm điện, máy truyền dịch…

Đây là những thay đổi lớn giúp trung tâm y tế huyện “khởi sắc” trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng cao.

Y tế cơ sở Lạng Sơn: Y tế huyện ''khởi sắc'' nhờ bác sỹ trẻ ảnh 3Bác sỹ trẻ khám, theo dõi cho một bệnh nhân cấp cứu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điển hình như bác sỹ trẻ Bàn Văn Chiến (sinh năm 1988) sau khi tham gia dự án đào tạo bác sỹ trẻ, sau khi tốt nghiệp bác sỹ chuyên khoa 1 năm 2019 đã về làm việc tại Trung Tâm y tế huyện Bình Gia.

Anh Chiến cho hay bản thân là người dân tộc thiểu số ở huyện Bình Gia, sinh sống tại địa phương nên anh thuận lợi trong việc giao tiếp được nhiều thứ tiếng, hiểu được phong tục tập quán của người dân nơi đây. Vì vậy, trong quá trình khám chữa bệnh, việc trao đổi giữa bác sỹ với bệnh nhân dễ dàng hơn. Từ đó anh hiểu hiểu được tâm tư nguyện vọng của người bệnh mà không phải bệnh nhân người dân tộc nào cũng trình bày được.

Trong hơn 1 năm trở về công tác bác sỹ Chiến đã chuyển giao được cho đơn vị 8 kỹ thuật, thực hiện được hơn 50 kỹ thuật. Từ 1/2020 đến nay, bác sỹ Chiến đã mổ chính 250 ca, phụ mổ 300 trường hợp.

Trên cơ sở các kỹ thuật tại bệnh viện đã triển khai trước kia, bác sỹ Chiến đã mạnh dạn đề xuất triển khai thêm một số kỹ thuật mới như phẫu thuật nội soi ổ bụng, cắt trĩ bằng phương pháp Longo, cắt trĩ bằng phương pháp Milligan-Morgan, cắt nang niệu rốn, qua đó người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật mới và an tâm điều trị tại bệnh viện.

Trung bình 1 tháng bác sỹ Chiến phẫu thuật nội soi 8 ca, ngoài phẫu thuật nội soi bụng và phụ khoa còn thực hiện phẫu thuật về chấn thương như phẫu thuật kết hợp xương đùi, bánh chè, cẳng chân, cẳng tay…

Y tế cơ sở Lạng Sơn: Y tế huyện ''khởi sắc'' nhờ bác sỹ trẻ ảnh 4Máy chụp X-Quang tại Trung Tâm y tế huyện Bình Gia. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

“Với kiến thức và tay nghề đã học, bản thân em còn có thể triển khai thêm một số dịch vụ kỹ thuật về chuyên ngành tiết niệu cho bệnh nhân như phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản, mổ mở lấy sỏi niệu quản, sỏi đài bể thận... Tuy nhiên, do còn thiếu máy ST Scanner chụp giúp chẩn đoán chính xác nên chưa triển khai được, hoặc thiếu máy nội soi đại tràng, thiếu máy chụp CT Scanner ổ bụng nên việc chẩn đoán các ca bệnh chưa rõ ràng còn khó khăn, hoặc chẩn đoán được nhưng đã là giai đoạn muộn, không thể can thiệp được và cần chuyển tuyến,” bác sỹ Chiến bày tỏ.

Mong mỏi trang thiết bị hiện đại

Ông Nguyễn Thế Toàn - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn đánh giá năm 2018, tỉnh được tiếp cận dự án với 15 các bác sỹ trẻ của các huyện: Bình Gia, Cao Lộc, Đình Lập, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Quan tham gia vào chương trình đào tạo của Dự án 585. 

Y tế cơ sở Lạng Sơn: Y tế huyện ''khởi sắc'' nhờ bác sỹ trẻ ảnh 5Hệ thống xét nghiệm máu tại Trung Tâm y tế huyện Bình Gia. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Sau khi tham gia dự án, các bác sỹ trẻ đáp ứng tốt tình độ chuyên môn, tạo điều kiện cho tỉnh có nguồn nhân lực chất lượng cao. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cũng kiến nghị Bộ Y tế mở rộng thêm các chỉ tiêu, tiêu chí và tạo điều kiện để có thêm nhiều bác sỹ trẻ ở các huyện vùng cao, vùng biên giới được tham gia đào tạo.

Tiến sỹ Phạm Văn Tác - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Giám đốc Dự án 585 nhấn mạnh việc các bác sỹ trẻ được đào tạo nâng cao đã giúp cơ sở y tế tuyến huyện triển khai được các kỹ thuật cao, giúp nhân dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại nơi sinh sống. Đây cũng là đội ngũ góp phần giúp giảm tải cho tuyến trên, thực hiện đúng mong muốn của Chính phủ để mỗi người dân được hưởng sự chăm sóc sức khỏe tốt nhất không phân biệt vùng miền.

Y tế cơ sở Lạng Sơn: Y tế huyện ''khởi sắc'' nhờ bác sỹ trẻ ảnh 6Đoàn công tác khảo sát tiếp nhận bác sỹ trẻ tình nguyện các huyện nghèo của tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Tuy nhiên, để dự án hoạt động hiệu quả, ngoài sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Dự án 585 đề nghị Sở Y tế, Ủy ban nhân dân huyện và các cấp ban ngành cần phối hợp, quan tâm về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phát huy hết được năng lực của bác sỹ trẻ.

Ông Lý Minh Tuấn - Giám đốc Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup), đơn vị tài trợ cho dự án trong năm 2021 chia sẻ trước đây tập đoàn đã hỗ trợ ngành y tế với rất nhiều hình thức trực tiếp tới người bệnh, như: Tổ chức khám chữa bệnh, mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân...

Việc tham gia Dự án 585 là cách làm mới của Quỹ trong việc tập trung hỗ trợ cho các bác sỹ - một hình thức hỗ trợ gián tiếp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Về phía cơ sở đào tạo, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Long - Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo sau đại học (Đại học Y Hà Nội) đánh giá cao tính nhân văn của Dự án 585 bởi đã cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ với trình độ cao cho các địa phương khó khăn. 

Theo tiến sỹ Long, đến nay Trường Đại học Y Hà Nội đã tham gia đào tạo từ khóa 1 đến khoá 14 của dự án với gần 300 bác sỹ trẻ, 11 chuyên ngành khác nhau. Chương trình đào tạo đối với các bác sỹ trẻ rất đặc biệt khi 1 thầy cô trực tiếp kèm 1 sinh viên và chủ yếu là môi trường thực hành. Chính vì vậy, nhà trường mong muốn các bác sỹ trẻ sau khóa đào tạo phát huy được hết các năng lực để phục vụ người dân địa phương.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục