Giới chức Tây Ban Nha ngày 9/10 cho biết sức khỏe của nữ y tá Teresa Romero bị nhiễm Ebola trong lúc làm việc, đang xấu đi nghiêm trọng và có nguy cơ tử vong.
Bệnh nhân Romero từng tham gia điều trị cho hai nhân viên y tế Tây Ban Nha, được đưa về nước điều trị hồi tháng Tám và tháng Chín vừa qua sau khi nhiễm Ebola ở Tây Phi. Cả hai người này đã tử vong vì nhiễm dịch.
Cô Romero đổ bệnh ngày 29/9, chỉ bốn ngày sau khi nhân viên y tế thứ hai mà cô tham gia điều trị qua đời. Kết quả xét nghiệm công bố ngày 6/10 vừa qua cho thấy mẫu bệnh phẩm của cô có kết quả dương tính với Ebola.
Như vậy, tính đến nay, cô Romero là trường hợp duy nhất nhiễm dịch ở ngoài châu Phi. Trả lời phỏng vấn báo giới, y tá Romero cho biết cô đã dùng tay đeo găng lau mặt khi dọn phòng của một nhân viên y tế chết vì Ebola.
Do nữ y tá Romero chỉ nhập viện sau một tuần đổ bệnh, sáu người tiếp xúc với cô đã được đưa vào viện cách ly gồm chồng, hai thợ cắt tóc và một số nhân viên y tế.
Giới chức y tế Tây Ban Nha cũng theo dõi 50 người khác, hầu hết là nhân viên y tế, từng tiếp xúc với nữ tá này trong vòng 21 ngày, thời gian ủ bệnh tối đa đối với virus Ebola. Con chó của gia đình Romero cũng đã được tiêu hủy như biện pháp phòng ngừa.
Giới chức y tế vùng Madrid, nơi cô Romero được điều trị, thừa nhận Tây Ban Nha chưa hành động đủ trong lĩnh vực đảm bảo sức khỏe, trong khi đảng Xã hội đối lập kêu gọi thành lập Ủy ban ứng phó khủng hoảng do Thủ tướng đứng đầu để phối hợp hành động và cập nhật thông tin cho người dân kịp thời.
Trong một diễn biến liên quan đến dịch bệnh Ebola, cộng hòa Séc ngày 9/10 đã thông báo trường hợp nghi nhiễm Ebola đầu tiên ở nước này.
Bệnh nhân là một nam giới 56 tuổi, có triệu chứng sốt sau khi từ Liberia về nước 22 ngày trước đó. Người này hiện đang được cách ly tại bệnh viện Na Bulovce ở thủ đô Praha và đã được xét nghiệm với virus Ebola. Tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân từ khi ông trở về đều đang được theo dõi.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, dịch bệnh Ebola đã cướp đi sinh mạng của 3.879 người trong tổng số 8.033 trường hợp nhiễm bệnh tính đến hết ngày 5/10 và chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch bệnh đã được khống chế ở Tây Phi./.