Ý nghĩa thiêng liêng của bàn thờ gia tiên trong gia đình người Việt

Với văn hóa truyền thống Á Đông, người Việt Nam dù có đi làm ăn xa ở đâu thì ngày Tết cũng sẽ trở về quê cha đất tổ, sum họp gia đình, thắp nén nhang thơm lên bàn thờ gia tiên, kính cáo tổ tiên.
Ý nghĩa thiêng liêng của bàn thờ gia tiên trong gia đình người Việt ảnh 1Bàn thờ gia tiên ngày Tết - góc Xuân rực rỡ và thiêng liêng. (Nguồn: Vietnam+)

Tết là dịp sum họp gia đình và người thân, là dịp để người Việt tỏ lòng thành kính với tổ tiên, hằng mong các vị tiền nhân cùng con cháu đón một mùa Xuân mới an khang, thịnh vượng.

Bởi thế, người Việt dù có đi đâu làm gì thì ngày Tết cũng sẽ trở về quê cha đất tổ, thắp nén nhang thơm lên bàn thờ gia tiên, kính cáo các bậc tiền nhân.

Theo quan niệm truyền thống của người Việt, “con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn." Bàn thờ là nơi thanh tịnh, thiêng liêng nhất trong ngôi nhà, thể hiện sâu sắc niềm tin tâm linh của người Việt; lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; là sự tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của các bậc tiền nhân.

Là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình, bàn thờ thường được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất trong nhà.

Bàn thờ gia tiên được giữ sạch sẽ để tỏ lòng hiếu kính của con cháu, việc lau dọn bàn thờ luôn được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ.

Vào ngày giỗ chạp hoặc các ngày sóc, vọng, lễ, Tết, việc hương khói bàn thờ được chăm chút đều đặn. Những khi trong nhà có việc trọng đại như dựng vợ, gả chồng cho con, làm nhà, thi cử… người Việt cũng đều thành tâm thắp nén hương thơm để khấn báo với tổ tiên và cầu mong tổ tiên phù hộ cho mọi việc thuận buồm xuôi gió.

Trong lễ cưới, khi con dâu mới, hoặc con rể mới đến nhập gia, đều phải đến trước bàn thờ làm lễ gia tiên để ra mắt tổ tiên.

Lễ gia tiên là một thủ tục bắt buộc phải có trong những đám cưới gả của hầu hết mọi gia đình. Sở dĩ có những hành động đó bởi người Việt luôn có niềm tin rằng giữa người sống và người đã mất có một sợi dây liên kết mật thiết với nhau và hỗ trợ nhau.

Con cháu thì giữ gìn đạo đức, kính cẩn thờ cúng khấn báo tiền nhân. Tổ tiên lại chở che, dẫn dắt hậu thế, nên việc cúng giỗ là giây phút giao hòa giữa âm với dương một cách linh thiêng màu nhiệm. 

[Podcast] Bàn thờ gia tiên - Góc Xuân thiêng liêng trong ngày Tết cổ truyền

Không phải đợi lúc năm hết Tết đến, nhân dịp giỗ chạp hay vào những ngày sóc vọng mới cần dọn dẹp và chăm chút góc tâm linh.

Tuy nhiên, phải vào những ngày cận Tết mới thấy hết được không khí rộn ràng, tất bật của việc dọn dẹp, sắm sửa và bài trí bàn thờ. Tất cả đều thể hiện cho nhu cầu giao hòa, gắn kết mật thiết giữa thế giới hữu hình và thế giới tâm linh thiêng liêng.

Tùy phong tục ở mỗi nơi mà bàn thờ ngày Tết mỗi vùng miền có thể sẽ bài trí không giống nhau, nhưng về cơ bản, bàn thờ sẽ được lau dọn sạch sẽ, bài trí những vật phẩm mang ý nghĩa khởi đầu một Năm mới an lành, may mắn.

Ý nghĩa thiêng liêng của bàn thờ gia tiên trong gia đình người Việt ảnh 2Bàn thờ gia tiên ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả và hoa tươi. (Nguồn: Vietnam+)

Với công việc này thì người nông thôn thực hiện sớm hơn người thành thị. Trước rằm tháng chạp (15 tháng 12 âm) nhà nhà đã bắt đầu quét dọn gian thờ, đánh bóng các đồ thờ tự như lư hương, đỉnh đồng, chân nến… và bày biện để chuẩn bị tiễn công Công ông Táo (thần bếp) lên chầu trời.

Đối với người thành thị, ngày 23 tháng Chạp, sau lễ cúng “ông Công, ông Táo” thì công việc dọn dẹp, trang hoàng bàn thờ mới được thực hiện.

Gia chủ quan niệm rằng đây là thời điểm “thần linh đi vắng," nên tranh thủ sửa sang nơi thờ tự đón Tết, làm sao để đến đêm 30 tết, khi các vị thần linh trở về thì mọi việc đã hoàn tất đẹp đẽ. 

Hương dùng để thắp trên bàn thờ ngày Tết, hoặc dùng hương vòng, hoặc hương nén. Có nơi người ta dùng cây hương sào lớn, mục đích là để hương cháy lâu, duy trì liên tục trong các ngày Tết.

Hoa trên bàn thờ thì có hoa cắm bình và hoa bày trên đĩa. Đối với bàn thờ ngày Tết, người ta thường duy trì cả hai loại này. Ngoài ra, để mang đậm không khí Tết cổ truyền, thường có một cành đào, hoặc một cành mai trong lọ sứ lớn.

Các loại hoa được chọn để lên bàn thờ thường là các loại hoa có mùi hương thơm như hoa huệ, hoa ly, hoa hồng, hoa cúc...

Mâm ngũ quả - đây là phần không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết - với ý nghĩa tượng trưng cho số 5, đại diện cho “ngũ hành" kim-mộc-thủy-hỏa-thổ, đại diện cho “ngũ thường:” Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín." Người ta sẽ chọn 5 loại trái cây có bố cục và màu sắc hợp lý để bày biện cho đẹp mắt.

Thường thì khoảng sáng 30 Tết, việc bày biện bàn thờ Tết sẽ được hoàn tất để việc thắp sáng bàn thờ ngày Tết cũng được bắt đầu ngay từ ngày 30. Tuỳ theo điều kiện kinh tế hay văn hóa từng miền mà trên bàn thờ có thêm cặp dưa hấu xanh, cặp bánh chưng hay bánh tét...

Theo phong tục cổ truyền của người Việt thì bánh chưng, bánh dày là hai thứ tượng trưng cho Trời-Đất, nó cũng là thứ bánh làm bằng lương thực, tượng trưng cho sự no ấm, thịnh vượng, là lễ vật không thể thiếu. Khi bày lễ, chú ý bày bánh theo cặp cho trọn vẹn quan hệ phu-phụ thuận hòa.

Ngoài các lễ vật trên, còn có thêm đĩa trầu cau, chén nước, và các loại bánh trái, vật thực khác.

Tết là cũng là ngày đoàn tụ, cũng là ngày sum họp với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh tổ tiên, ông bà và những người thân đã qua đời về ăn Tết với con cháu.

Từ đây cho đến hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ làm cho con người trở nên gắn bó với gia đình của mình hơn bao giờ hết.

Để rồi sau Tết Nguyên Đán, mọi người trở về với công việc thường nhật, mang theo những tình cảm gia đình đầm ấm làm điểm tựa để bước vào một Năm mới tràn đầy hy vọng tốt lành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục