Ý nghĩa lịch sử không phải bàn cãi của cách mạng Tháng Mười Nga

Nhìn lại từ thế kỷ 21, việc đánh giá cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ 20 là một sự phân tích tỉnh táo và khách quan.
Vòng hoa của Đại hội quốc tế các Đảng Cộng sản và Công nhân lần thứ 19 mang dòng chữ Ghi nhớ công ơn những người đã bảo vệ Tổ quốc Xô Viết. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2017), phóng viên TTXVN tại LB Nga đã có bài phỏng vấn chuyên gia Grigory Lokshin, Viện Nghiên cứu Việt Nam và các nước ASEAN thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười đối với nước Nga hiện nay, về chiến thắng chủ nghĩa phátxít, cũng như ý nghĩa của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Theo ông Lokshin, nhìn lại từ thế kỷ 21, việc đánh giá cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ 20 là một sự phân tích tỉnh táo và khách quan.

Thứ nhất, Cách mạng Tháng Mười là cả một quá trình chín muồi tại nước Nga phải tính từ thời điểm tháng Hai chứ không chỉ là cuộc tấn công vào Cung điện Mùa Đông.

Thứ hai, Cách mạng Tháng Mười không được đưa từ nước ngoài về Nga như một số nước hiện nay khẳng định, không được tiến hành bằng tiền nước ngoài. Cách mạng đã phát triển vì những lý do nội tại trong nước Nga, đã đi qua quá trình đến chín muồi và bùng nổ, dẫn đến việc thay đổi chế độ chính trị, xã hội.

Thứ ba, đối với nước Nga, Cách mạng Tháng Mười thực sự là sự kiện lịch sử vĩ đại cứu nước Nga khỏi thảm họa, và sau đó đã thành lập nên nhà nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Chính vì những lý do này mà Cách mạng Tháng Mười là sự kiện vĩ đại không thể bàn cãi.

Cũng theo ông Lokshin, Cách mạng Tháng Mười đã ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ tiến trình lịch sử của thế giới, mở ra con đường cho các dân tộc khác, mang tới niềm tin giành độc lập cho nhân dân. Không có Cách mạng Tháng Mười, sẽ không có Liên Xô, không có Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, và từ đó cũng không thể có các cuộc cách mạng giải phóng khác như Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam.

Chiến thắng chủ nghĩa phátxít đã làm lung lay cả hệ thống thực dân và từ đó nhiều dân tộc ở phương Đông đã tiến lên thay đổi đời sống xã hội của đất nước mình, xây dựng nên hệ thống xã hội chủ nghĩa. Có thể thấy rõ qua ví dụ Việt Nam. Hồ Chí Minh đã đến nước Nga vào năm 1924 sau Cách mạng Tháng Mười, Người không kịp gặp Lenin song được khích lệ bởi tư tưởng của Lenin, và lấy những tư tưởng đó làm nền tảng cho học thuyết của mình.

Trong khi đó, đối với nhân dân Liên Xô, thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam đã đem lại niềm khích lệ lớn lao về một chiến thắng vì cùng một mục đích, lý tưởng như của Cách mạng Tháng Mười. Đó là mối liên hệ trực tiếp giữa hai cuộc cách mạng.

Chuyên gia Lokshin nhấn mạnh Cách mạng Tháng Mười là quá trình diễn ra từ bên trong đất nước, song không phải là quá trình bùng nổ tự phát mà là công việc được đảng Bolsevik, do Lenin sáng lập ra, chuẩn bị. Đảng Bolsevik khác biệt với các đảng khác tại nước Nga lúc đó ở kỷ luật, ở học thuyết Marx và Lenin. Lenin là người đứng đầu đảng Bolsevik với những tư tưởng, những tác phẩm của mình. Lenin về nước Nga vào tháng Tư, và lúc đó đã ra đời Luận cương Tháng Tư, định ra hướng đi tương lai cho Cách mạng Tháng Mười. Và tư tưởng và học thuyết của Lenin đã chiếm phần nhiều trong nền tảng của Liên Xô sau này.


[Cách mạng tháng Mười Nga: Ngày lễ của quá khứ, hiện tại và tương lai]

Một trong những tác phẩm quan trọng nhất đối với cuộc cách mạng và phong trào cách mạng lúc bấy giờ là cuốn “Nhà nước và Cách mạng,” trong đó xác định vai trò độc tôn của giai cấp vô sản trong việc giành lại chính quyền. Và Cách mạng Tháng Mười đã nổ ra theo ba phương châm: thứ nhất, ruộng đất cho nông dân; thứ hai và cũng là quan trọng nhất: hòa bình cho nhân dân. Và như chúng ta biết sắc lệnh đầu tiên của chính quyền Xô Viết là sắc lệnh về hòa bình, hòa bình mà không có chiếm đoạt, chính phương châm này đã đi xuyên suốt cả lịch sử của Liên Xô và cả Liên bang Nga. Hòa bình không có chiếm đoạt cũng vẫn là vấn đề thời sự của thế giới ngày hôm nay và là nền tảng của toàn bộ chính sách đối ngoại của Liên xô và Liên bang Nga. Và phương châm thứ ba của Cách mạng là chính quyền về tay các Xô Viết, có nghĩa là về tay nhân dân.

Ba phương châm ấy ngày nay vẫn là nền tảng của giai đoạn chuyển đổi sang hình thái xã hội mới. Tư tưởng của Lenin đã ảnh hưởng vô cùng to lớn đến việc hình thành nên phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, những tư tưởng ấy tạo nên nền móng vững chắc để các phong trào này thắng lợi. Chúng ta đang kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười thì không thể không nhắc đến đóng góp vĩ đại của V.I.Lenin, vị lãnh tụ và người thầy giáo của giai cấp vô sản, những tác phẩm của Người vẫn còn giá trị hiện thực cho đến tận ngày nay.

Bên cạnh đó, ông Lokshin lấy làm tiếc rằng nhiều quốc gia ngày nay bắt đầu quên rằng chính Hồng quân Liên Xô đã giải phóng các nước Đông Âu khỏi ách phátxít Đức. Cuộc chiến đẫm máu với những thiệt hại khủng khiếp của nó mà nhân dân Liên Xô phải gánh chịu đã góp phần quyết định vào chiến thắng của nhân loại đối với chủ nghĩa phátxít, cứu nhân loại khỏi ách thống trị đáng sợ của chủ nghĩa man rợ này.

Chủ nghĩa phátxít đã từng đến rất gần mục đích ấy, đã chiếm hầu hết châu Âu, thậm chí sang cả châu Phi. Vì vậy thật khó hình dung ra số phận của nhân loại ngày nay nếu không có chiến thắng của nhân dân Xô viết. Chính vì lẽ đó mà ngày nay nước Nga rất phẫn nộ khi một số nước châu Âu đã xóa bỏ những sự kiện kịch sử, phá hủy, dỡ bỏ tượng đài chiến sỹ Xô Viết, những người đã hy sinh trên lãnh thổ của nước đó vì chính nền tự do của họ.

Trong bối cảnh đó, nước Nga đặc biệt ghi nhận những nước như Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của Liên Xô trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, và quan trọng hơn đã giáo dục thế hệ trẻ của mình về tinh thần đoàn kết và hữu nghị giữa hai nước bất chấp những thay đổi thời đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục