Ý nghĩa chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lào

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng đã chia sẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lào đối với quan hệ hai nước, cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu Cấp cao Chính phủ Lào sẽ thăm chính thức Việt Nam, đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào trong các ngày 6-7/1 tới.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Vientiane đã phỏng vấn ông Nguyễn Bá Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Lào, về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm đối với quan hệ hai nước, cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại trong thời gian tới.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Thưa Đại sứ, trong những ngày tới, Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone và Phu nhân sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm đối với quan hệ hai nước Việt Nam-Lào anh em?

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Sonexay Siphandone đến Việt Nam trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Lào và được tiến hành trong bối cảnh hai nước đang tích cực triển khai nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng, Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Cùng với các chuyến thăm lẫn nhau và các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nhân dịp tham dự các hội nghị quốc tế trong thời gian qua, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Chính phủ Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Ngoài việc gia tăng sự tin cậy, gắn bó giữa hai Đảng, hai Chính phủ nói chung và cá nhân Thủ tướng Chính phủ hai nước nói riêng, chuyến thăm còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào không ngừng phát triển đi vào thực chất và hiệu quả.

Việc Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone thăm chính thức Việt Nam, cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào cũng là dịp để hai bên trao đổi về tình hình của mỗi nước, tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm; rà soát, đánh giá kết quả triển khai các thỏa thuận cấp cao, các hiệp định hợp tác giữa hai chính phủ đạt được tại Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào tháng 1/2023; trao đổi về phương hướng, các biện pháp đột phá nhằm tiếp tục đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn nữa trong năm 2024.

ttxvn-nguyen-ba-hung-1557.jpg
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng. (Ảnh: Bá Thành/TTXVN)

Tôi tin rằng chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Lào lần này sẽ đạt được kết quả tốt đẹp và góp phần quan trọng để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước chúng ta.

- Bên cạnh việc thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Lào cũng sẽ dự Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào lần thứ 46. Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ hai nước trong thời gian qua, đặc biệt là những kết quả nổi bật trong năm 2023?

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Là những người trực tiếp tham gia, theo dõi, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, chúng tôi hết sức phấn khởi trước những kết quả hợp tác giữa hai nước đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là những kết quả của năm 2023. Trong năm 2023, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào tiếp tục được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, các doanh nghiệp và nhân dân hai nước chăm lo vun đắp, không ngừng phát triển và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể như:

Hiếm có trên thế giới việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước lại được tiến hành thường xuyên như giữa Việt Nam với Lào. Chỉ tính trong năm 2023, hai bên đã trao đổi khoảng hơn 300 đoàn các cấp, hầu hết các vị lãnh đạo chủ chốt của hai nước đã có các chuyến thăm lẫn nhau hoặc gặp gỡ, tiếp xúc nhân dịp tham dự các hội nghị quốc tế.

Qua các chuyến thăm, gặp gỡ, tiếp xúc đó, ngoài việc tăng cường sự tin cậy gắn bó lẫn nhau, lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng mang tính chiến lược, vừa định hướng cho quan hệ hai nước trong thời gian dài, vừa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, làm cho mối quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng được tăng cường, phát triển sâu rộng, hiệu quả, tiếp tục là một trong những trụ cột vững chắc của quan hệ hai nước. Nổi bật trong năm 2023 là hai nước đã phối hợp với phía Campuchia tổ chức thành công chương trình Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng Biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất, dưới sự chủ trì của ba Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chương trình giao lưu đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm, tạo sức lan tỏa rộng khắp tới các tầng lớp nhân dân, góp phần tăng cường, gắn kết mối quan hệ vẻ vang của lực lượng vũ trang ba nước nói chung, giữa Việt Nam-Lào nói riêng.

Hợp tác kinh tế, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, giáo dục tiếp tục được củng cố ngày càng hiệu quả, thiết thực. Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí là một trong những nước đứng đầu về đầu tư nước ngoài tại Lào, kim ngạch thương mại song phương đạt tăng trưởng khá...

Đặc biệt trong năm 2023, hai bên đã thúc đẩy giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc trong hợp tác đầu tư, đem lại sự động viên to lớn cho các doanh nghiệp, đồng thời thu hút làn sóng đầu tư mới của một số tập đoàn lớn của Việt Nam đã, đang và sẽ đầu tư vào Lào như Việt Phương, Phú Điền, VinGroup, Vietjet, Thaco...

Năm 2023 cũng chứng kiến quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, quan hệ nhân dân giữa hai nước tiếp tục được mở rộng, tăng cường.

Hợp tác giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong tiếp tục được chú trọng, tăng cường.

- Trong những năm qua, bên cạnh hợp tác chặt chẽ về chính trị, an ninh, quốc phòng, hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào cũng luôn chú trọng tăng cường quan hệ hai nước ở lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Đại sứ đánh giá thế nào về kết quả cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước ở các lĩnh vực trên trong những năm tới?

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Tôi có thể khẳng định hiện nay chính phủ hai nước đang rất coi trọng hợp tác kinh tế và hai đồng chí Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cũng thường xuyên quan tâm và lưu ý chính phủ cũng như các bộ, ngành tích cực thúc đẩy để đưa lĩnh vực hợp tác này ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.

Có thể nói quan hệ kinh tế đang thực sự trở thành một trong những động lực quan trọng giúp cho quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng hiệu quả như mong muốn của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam-Lào hiện đang tiếp tục được tăng cường cả về chất và lượng, đặc biệt là những dự án lớn có tầm chiến lược giữa hai nước đang được tích cực thúc đẩy.

Việc một số dự án, công trình trọng điểm đã hoàn thành theo kế hoạch như sân bay Nongkhang tại tỉnh Houaphanh, Bệnh viện Hữu nghị Lào-Việt tại tỉnh Xiengkhuang được bàn giao, đưa vào khai thác sử dụng vào tháng 5/2023, đã tạo điểm nhấn và được lãnh đạo cấp cao Lào đánh giá cao.

Hợp tác giữa các bộ, ngành, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ cũng đang được chú trọng. Tôi đánh giá rất cao hợp tác trong lĩnh vực công nghệ giữa Việt Nam-Lào hiện nay.

Chính phủ Lào cũng đang cố gắng cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư theo yêu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là vấn đề hai đồng chí Thủ tướng thường xuyên trao đổi trong những năm qua nhằm giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn thực hiện kinh doanh đầu tư hiệu quả ở Lào, góp phần tăng trưởng kinh tế của Lào và tăng cường hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào tới đây cũng sẽ đánh giá các kết quả thực hiện kỳ họp 45, việc triển khai các nội dung cam kết của kỳ họp 45 và sẽ đưa ra các kế hoạch hợp tác trong năm 2024 và phương hướng thời gian tới.

Tôi tin rằng với sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhất là trong lĩnh vực ưu tiên phát triển các dự án lớn và kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước; trước tình hình thực tế gần đây có những chuyển biến nhất định về làn sóng đầu tư của doanh nghiệp lớn Việt Nam đầu tư sang Lào, Kỳ họp thứ 46 lần này có khả năng tạo bước đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước với xu hướng hợp tác kinh tế sẽ đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Điều này sẽ góp phần đưa hợp tác kinh tế trở thành một trong những trụ cột vững chắc cùng với các trụ cột chính trị, an ninh-quốc phòng, giúp cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân nước Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam mãi mãi bền vững và trường tồn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục