Liên quan đến đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt (tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành - từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm) trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIV bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều.
"Bản chất là do thu nhập thấp"
Ông Nguyễn Văn Hiển (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho biết, cơ sở của đề xuất đưa ra trong Dự thảo Luật không hợp lý.
Dự thảo Luật cho rằng, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động; mức giờ tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về: điều kiện kinh tế-xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu doanh nghiệp; nhu cầu, sức khỏe và yêu cầu bảo vệ tiền lương của người lao động.
[Nhu cầu tuyển dụng lao động tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục gia tăng]
“Tuy nhiên, tôi cho rằng, thực tế không phải vậy. Bản chất của vấn đề là do thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên người lao động mới cần làm thêm giờ để có thêm thu nhập; chứ không phải họ thích làm thêm giờ,” đại biểu Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh.
Chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho hay: “Quá trình khảo sát nhiều doanh (trong đó có cả doanh nghiệp FDI) cho thấy, thu nhập của công nhân (đặc biệt trong các ngành thủy hải sản, dệt may, da giày…) thấp, không đủ sống. Lương tối thiểu quá thấp. Doanh nghiệp tận dụng việc làm thêm giờ của người lao động để tối ưu hóa lợi nhuận.”
Ông Nguyễn Văn Hiển đưa ra dẫn chứng cụ thể, hiện nay trên thế giới, những nước quy định làm thêm nhiều giờ đều là các nước nghèo, thu nhập thấp, năng suất lao động thấp (đặc biệt là các quốc gia châu Phi với tổng thời gian làm thêm giờ khoảng 300 giờ/năm). Ở những nước thu nhập cao, năng suất lao động cao, người lao động không làm thêm giờ nhiều (trừ Nhật Bản). Tuy nhiên, gần đây, Nhật Bản cũng khuyến khích người dân không nên làm thêm giờ quá nhiều vì hệ lụy của việc làm thêm giờ rất lớn như vắt kiệt sức lao động, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt.
Ở góc độ khác, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ đang nghiêng về lợi ích của doanh nghiệp nhiều hơn lợi ích của người lao động.
“Việc mở rộng này nguy cơ dẫn tới việc thị trường thiếu hụt lao động mới đồng thời khiến cho tốc độ đào thải lao động nhanh hơn. Người lao động (đặc biệt là lao động nữ) không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình. Thậm chí, để tăng thêm thu nhập phục vụ những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày, nhiều lao động chấp nhận làm thêm giờ, dẫn tới những hệ lụy như hiện trạng lao động lớn tuổi không có bạn đời ngày càng phổ biến,” ông Phạm Quang Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) bày tỏ.
Ngoài ra, ông Phạm Quang Thanh cũng cho rằng, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ sẽ không khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ để giảm sức lao động trực tiếp của con người.
Cần chi phí thỏa đáng
Ở chiều ngược lại, bà Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đồng tình với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ. Tuy nhiên, bà cho rằng, cần tính đến chi phí thỏa đáng cho người lao động khi làm thêm giờ.
Bà Nguyễn Thị Như Ý bày tỏ quan điểm: “Tuy xu hướng của thị trường lao động hiện nay là giảm giờ làm, tăng thu nhập nhưng chúng ta cũng cần xét đến thực tế sản xuất, kinh doanh. Với áp lực gia tăng hàng hóa, nhiều doanh nghiệp cần tăng ca để đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường. Bởi vậy, thay vì việc phản đối không cho làm thêm giờ, các văn bản, điều luật cần hướng đến việc tính chi phí thỏa đáng cho việc làm thêm giờ, nói cách khác là tăng thu nhập cho người lao động.”
Có cùng quan điểm trên, bà Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị, hệ số tăng lương lũy tiến cần được tính toán theo các nhóm ngày làm việc khác nhau để đảm bảo tương xứng với thời gian, công sức của người lao động. Cụ thể, hệ số lương lũy tiến theo giờ làm thêm vào các ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ Nhật) phải cao hơn so với những ngày trong tuần, vào các ngày nghỉ, lễ, Tết cần cao hơn so với ngày thường.
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nên điều chỉnh theo hướng số giờ làm trong tuần hiện nay (giảm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần). “Từ đó, mỗi tuần, người lao động sẽ có thêm bốn giờ và họ hoàn toàn có thể thỏa thuận, lựa chọn số giờ đó để làm thêm. Như vậy, thu nhập của người lao động được cải thiện; sức khỏe, quỹ thời gian của họ cũng không bị ảnh hưởng,” bà Thúy nói.
Sáng 29/5, trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội nêu rõ, đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng trên cơ sở kế thừa, phát triển quan điểm lập pháp qua các thời kỳ, xem xét toàn diện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa trên các yếu tố: tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năng suất lao động, thất nghiệp, an toàn lao động, tác động xã hội, năng lực giám sát và xử lý vi phạm.
“Ngoài ra, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ cũng cần bảo đảm việc làm bền vững và hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, hướng tới việc chấm dứt ‘nhân công giá rẻ,’ ‘lương không đủ sống’ ở các ngành nghề thâm dụng lao động,” bà Trần Thúy Anh nhấn mạnh.
Lãnh đạo Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động, lấy ý kiến người lao động, cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ, bổ sung danh mục về những “trường hợp đặc biệt” thuộc diện có thể làm thêm giờ đến mức 400 giờ/năm./.