Y Julie - Cô gái khuyết tật 2 tay bẩm sinh bước chân vào đại học

Ước mơ vào giảng đường đại học đã thành hiện thực, cô bé "chim cánh cụt" Y Julie ở Kon Tum đang viết tiếp giấc mơ trên con đường học vấn và từng bước chinh phục những thành công mới trong cuộc sống.
Y Julie - Cô gái khuyết tật 2 tay bẩm sinh bước chân vào đại học ảnh 1Y Julie trò chuyện cùng bạn học. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Không may mắn khi sinh ra với một cơ thể bị khuyết tật 2 tay bẩm sinh, thế nhưng Y Julie, 18 tuổi ở làng Kon Drei, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), sinh viên năm nhất ngành Công nghệ thông tin ở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập và được ví là "chim cánh cụt" trong trường, trong lớp.

"Chim cánh cụt" ở giảng đường đại học

Mười hai năm học đã qua, Y Julie luôn được xem là "chim cánh cụt" - niềm hy vọng trong trường, lớp nơi mình theo học.

Năm học mới 2020-2021, bước vào giảng đường đại học, cô bé "chim cánh cụt" Y Julie tiếp tục tạo được thiện cảm với bạn bè. Em Y Julie chia sẻ: "Tại đây, em được làm quen với những bạn bè, thầy, cô và những môn học mới. Giảng đường đại học lạ, khó khăn hơn đối với các bạn, song với một người khuyết tật như em càng khó hơn."

[Nghị lực sống của Y Julie - cô bé đa khuyết tật bẩm sinh ở Kon Tum]

Thời gian đầu đến lớp, Y Julie còn rụt rè và ít tiếp xúc với bạn bè xung quanh. Các môn học ở đại học thì khác xa với những gì em đã tưởng tượng. Các thầy, cô khi thấy Y Julie đến lớp cũng đều không tin được rằng, một người khuyết tật như em lại có thể sử dụng thành thạo máy tính bằng chính đôi chân của mình.

Hình ảnh cô gái Y Julie cụt tay hằng ngày đều đặn đến trường đã làm lay động trái tim của mỗi người. Do đó, mọi người đều hết lòng yêu quý và hỗ trợ Y Julie để em có thể tiếp tục hoàn thành giấc mơ của mình.

Anh A Khưnh (39 tuổi), cha của em Y Julie chia sẻ, do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nên khi con mình đậu đại học, anh không đủ khả năng để có thể sắm cho Y Julie một dàn máy tính. Rất may, thông tin này đã được một mạnh thường quân biết được và quyết định hỗ trợ để em tiếp tục theo đuổi việc học.

[Cậu học trò khuyết một chân với ước mơ giảng đường Đại học]

Mặc dù học ngành Công nghệ thông tin, trái với ước mơ được trở thành một giáo viên của mình nhưng Y Julie lại không buồn nhiều. Thay vào đó, em ra sức chuyên tâm học hành, vận dụng tất cả kỹ năng vốn có và đôi chân của mình vào việc sử dụng máy tính. Đôi lúc, do phải ngồi nhiều trước màn hình nên đôi chân của em rã rời. Mệt mỏi nhưng không chùn bước, ngọn lửa đam mê của Y Julie vẫn bùng cháy.

Y Julie - Cô gái khuyết tật 2 tay bẩm sinh bước chân vào đại học ảnh 2Cô sinh viên năm nhất Y Julie học bài. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Em Y Julie cho biết, có nhiều lúc đôi chân và lưng của em đau nhức do dùng máy tính quá nhiều, em cảm thấy mình rất tủi thân vì không có đôi tay để sử dụng như mọi người. Tuy nhiên, khi nghĩ đến hình ảnh cha mẹ không ngại nắng, mưa chở em đi học thì niềm khao khát muốn học thành công trong em lại trỗi dậy. Từ đó, em quyết tâm phải học thật tốt để bù đắp công lao to lớn mà cha mẹ đã dành cho em.

Để có được thành quả này, trước đó, Y Julie đã phải cố gắng gấp nhiều lần so với bạn bè cùng trang lứa.

Hành trình luyện con chữ

Em Y Julie tâm sự: "Từ nhỏ, có lần em theo các bạn đến lớp chơi. Thế nhưng, khi thấy hình ảnh các bạn đang say mê tập viết chữ cái, em lại cảm thấy có chút chạnh lòng vì mình không có đôi tay để có thể viết như các bạn. Tuy nhiên, do ham muốn học hỏi nên em đã nghĩ ra cách dùng chân kẹp vào que củi để có thể tập viết trên mặt đất trước sân nhà."

Chị Y Zoar, mẹ em Y Julie xúc động chia sẻ, là một giáo viên mầm non, nhưng chị thấy lực bất tòng tâm khi không biết phải bày cho con mình tập viết như thế nào. Do đó, khi biết con gái có thể viết được, chị liền mua ngay tập, sách để con có thể tự tiếp tục giấc mơ đi học.

Y Julie - Cô gái khuyết tật 2 tay bẩm sinh bước chân vào đại học ảnh 3 Y Julie sử dụng thành thạo máy tính bằng đôi chân. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Thời gian trôi qua, những nét chữ nguệch ngoạc của Y Julie trên nền đất giờ đây được thay bằng những nét chữ nắn nót trên những trang giấy trắng. Những nét chữ ấy chính là biết bao cố gắng và khao khát cháy bỏng của em đối với việc học để trở thành người có ích.

Nhờ nghị lực phi thường, giờ đây, Y Julie đã có thể tự mình viết được hoàn chỉnh và em có thể viết tên cha, mẹ bằng chính đôi chân của mình, thay cho lời cảm ơn vì đã nuôi nấng em nên người.

Chị Lê Thị Diệu Hiền, giáo viên trường Trung học phổ thông Trường Chinh cho biết, mặc dù bị khuyết tật, thế nhưng Y Julie lại viết chữ rất đẹp. Bên cạnh đó, em còn là một học sinh rất chăm chỉ, thông minh và học lực của em luôn nằm trong tốp khá giỏi của lớp. Thấy được nghị lực phi thường, luôn muốn vượt qua khó khăn của Y Julie nên tất cả giáo viên trong trường đều yêu quý và giúp đỡ em tận tình.

Y Julie cũng là một cô gái có tính cách rất vui vẻ, hòa đồng với bạn bè, thường xuyên giúp đỡ các bạn khác trong quá trình học tập. Vì vậy, trong lớp ai cũng quý mến cô bé khuyết tật có thân hình nhỏ nhắn này.

Không chỉ trên lớp học, mà khi về nhà, Y Julie cũng thường xuyên phụ giúp mẹ lau nhà, rửa chén, giặt quần áo… Vào thời gian rảnh, em cũng thường xuyên thay cha mẹ, kèm cặp các em học tập. Trong mắt hàng xóm láng giềng, Y Julie giống như một thiên thần nhỏ, luôn ngoan ngoãn và lễ phép đối với mọi người xung quanh.

Ở nơi còn nhiều khó khăn như làng Kon Drei (xã Đăk Blà), Y Julie xuất hiện như một tia nắng ấm và là tấm gương sáng mang lại niềm tin, nguồn động lực cho rất nhiều người để học hỏi, vươn mình bước qua những khó khăn trong cuộc sống.

Không những thế, Y Julie còn thi đỗ vào ngành Công nghệ thông tin của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum và trở thành người đầu tiên của làng Kon Drei được bước chân vào giảng đường đại học.

Ước mơ vào giảng đường đại học đã thành hiện thực, cô bé "chim cánh cụt" Y Julie đang viết tiếp giấc mơ trên con đường học vấn và từng bước chinh phục những thành công mới trong cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục