Ý định hạt nhân của Triều Tiên - một ẩn số khó lường

Theo các chuyên gia, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 mang ý nghĩa tượng trưng; trong việc lựa chọn giữa sở hữu vũ khí hạt nhân và kinh tế thị trường, ý định của Triều Tiên vẫn còn là ẩn số.
Tổ hợp hạt nhân Yongbyon chụp từ trên cao. (Nguồn: digitaljournal)

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam ngày 27-28/2.

Theo Đông phương - nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong, giới phân tích quốc tế cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tổ chức tại Việt Nam lần này mang đậm ý nghĩa tượng trưng.

Báo trên cho biết Triều Tiên và Việt Nam đều từng trải qua chiến tranh chống Mỹ. Việt Nam sau đó đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ và có một nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Mỹ có ý lôi kéo Triều Tiên đi theo con đường đổi mới, mở cửa của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong việc lựa chọn giữa sở hữu vũ khí hạt nhân và kinh tế thị trường, ý định của Triều Tiên vẫn còn là ẩn số.

Trước khi có các cuộc gặp với Kim Jong-un, thông qua tài khoản trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump đã bày tỏ nếu như Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, nước này sẽ rất nhanh có được tiềm lực và cơ hội phát triển lớn giống như Việt Nam. 

Theo giới phân tích quốc tế, Triều Tiên dường như không có ý định đi theo con đường của Việt Nam, đó là thúc đẩy cải cách mở cửa theo hướng kinh tế thị trường.

Chính quyền của Kim Jong-un hiện nay được hình dung là “cay nghiệt mà hiện thực và cực đoan lý tính” khi cho rằng vũ khí hạt nhân là mấu chốt của an ninh quốc gia, cũng là “quân bài” có sức mạnh trên bàn đàm phán quốc tế của Triều Tiên.

Do vậy, nước này cho rằng không thể vì kinh tế mà vứt bỏ hạt nhân hoàn toàn.

[Tổng thống Trump nêu yếu tố tác động kết quả thượng đỉnh Mỹ-Triều]

Điều thú vị là vào ngày 27/2 - ngày đầu tiên diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Việt Nam - truyền thông chính thống của Triều Tiên, tờ Rodong Sinmun đăng bài viết với nhan đề “Việt Nam đang thúc đẩy phát triển kinh tế,” trong đó nêu rõ Việt Nam ngoài việc củng cố chính quyền xã hội chủ nghĩa còn thúc đẩy cải cách kinh tế và có tiềm lực phát triển khổng lồ.

Theo giới phân tích quốc tế, bài viết này cho thấy Triều Tiên hứng thú với cải cách kinh tế. Chuyến công du tới Việt Nam lần này của Kim Jong-un có thể sẽ học hỏi mô hình phát triển của Việt Nam.

Trên thực tế, từ sau khi thực hiện cải cách kinh tế, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.

Hiện nay, nhiều nhãn hàng quốc tế như Intel, Samsung, Nike… đều đã đặt nhà xưởng tại Việt Nam, khiến Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu mặt hàng dệt may và điện thoại thông minh lớn.

Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng mạnh, đạt 45 tỷ USD. 

Bàn về một thỏa thuận tại Hà Nội, giới phân tích quốc tế phần đông cho rằng Triều Tiên sẽ không vứt bỏ hoàn toàn hạt nhân và phía Mỹ cũng sẽ không gỡ bỏ toàn diện lệnh cấm vận đối với Triều Tiên hoặc tuyên bố kết thúc chiến tranh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục