Y Ban: "Dõi theo trái bóng, tôi thấy mình bừng bừng sức sống"

Bên cạnh những tâm sự, ẩn ức rất... đàn bà ẩn sau vẻ bề ngoài xù xì ấy, nhà văn Y Ban còn một khoảng yêu rất lớn dành cho bóng đá.
Y Ban: "Dõi theo trái bóng, tôi thấy mình bừng bừng sức sống" ảnh 1Nhà văn Y Ban (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhìn dáng vẻ “bụi bặm” với chiếc áo buông thụng, quần jeans ống rộng, tóc búi cao, miệng nói liến thoắng, chắc ít ai nghĩ chị là một nữ văn sỹ.

Gặp Y Ban, nghe cách người phụ nữ nói chuyện - thẳng thắn, gai góc và thậm chí là bốp chát, nghe những tràng cười “ha ha” đầy khoái chí và nhìn cách chị “khua tay múa chân,” chắc lại càng ít người mường tượng được: Bên cạnh những tâm sự, ẩn ức rất... đàn bà ẩn sau vẻ bề ngoài xù xì ấy, chị còn một khoảng yêu rất lớn dành cho bóng đá.

“Còn quá sớm để nói về đội vô địch”


- Mùa World Cup này, chị có còn sục sôi cùng trái bóng?

Nhà văn Y Ban: Tất nhiên chứ! Bóng đá là niềm đam mê từ nhỏ của tôi mà!

Tuy nhiên, ngoài 50 tuổi rồi, sức khỏe không cho phép tôi có thể thức đêm triền miên để xem tất cả các trận đấu. Hơn nữa, công việc cũng bận rộn nên tôi chỉ xem những trận thực sự thích và đặc biệt là trận nào có đội tuyển tôi hâm mộ.

- Chị yêu thích nhất đội tuyển nào?

Nhà văn Y Ban: “Cỗ xe tăng Đức” luôn là thần tượng của tôi.

Tôi đặc biệt ấn tượng với “thiên thần tóc vàng” Jurgen Klinsmann ở mùa World Cup 1998 với những bước chạy, kỹ thuật điêu luyện. Bây giờ, chỉ cần hình dung lại thôi, tim tôi đã run lên vì sung sướng…

- Nếu vậy, chắc hẳn chị nghĩ đội tuyển Đức sẽ vô địch trong mùa giải này chứ?

Nhà văn Y Ban: Nếu cách đây khoảng 10, 15 năm, tôi sẽ không ngần ngại mà nói ngay với bạn rằng: “Tại sao lại không? Tôi nghĩ chắc chắn đội tuyển Đức sẽ giành cúp vô địch!”

Tuy nhiên, ở độ tuổi này, tôi biết cách tiết chế bản thân hơn để bình tĩnh nhìn nhận mọi việc, giảm bớt mức độ cảm tính trong những phát ngôn của mình.

Đức là đội tuyển mạnh nhưng bên cạnh Đức còn có nhiều đội tuyển được kỳ vọng, đánh giá rất cao tại mùa giải năm nay. Ở thời điểm này, việc dự đoán đội nào vô địch vẫn là quá sớm! Mọi diễn biến, bất ngờ còn ở phía trước. Nếu thực sự yêu thích, bạn cứ xem và thoải mái hòa mình vào các trận đấu, sẽ có những cảm xúc rất thú vị, khó diễn tả!

“Xem World Cup, tôi quên tất cả!”

- Thực sự, tôi vẫn thấy hơi khó hình dung về hình ảnh “một người đàn bà cầm bút” lúc xem bóng đá sẽ như thế nào?

Nhà văn Y Ban: (Cười to) Đàn bà thì cũng là… người mà! Tinh thần thể thao thì đâu có phân biệt đàn ông hay đàn bà!

Tôi thường xem bóng đá với gia đình và tôi cũng hò hét, đập bàn đập ghế và thậm chí là nhảy chồm chồm lên nữa ấy chứ! Những lúc đó, tôi như quên tất cả những chuyện xung quanh.

Xem bóng đá cũng là một cách xả stress rất thú vị! Dõi theo trái bóng tròn, bản thân mình thấy bừng bừng sức sống, mọi mệt mỏi tiêu tan hết.

Y Ban: "Dõi theo trái bóng, tôi thấy mình bừng bừng sức sống" ảnh 2Y Ban bảo, "cỗ xe tăng" Đức luôn là thần tượng của chị (Nguồn: DM)

- Chị không ngại mọi người (đặc biệt là gia đình nhà chồng) sẽ nói mình kém duyên, thiếu nữ tính khi “lớn tiếng” hô hào như vậy ư?

Nhà văn Y Ban: Trong mọi trường hợp, tôi luôn muốn được là chính mình! Con người mình thế nào thì tôi cứ thể hiện ra như vậy thôi. Sao lại phải cố tiết chế cảm xúc, kìm nén sự thích thú của bản thân trong khi niềm say mê ấy không phải là điều xấu xa?

Từ nhỏ, tôi đã rất nghịch ngợm rồi. Hồi nhỏ, có một thời gian, nhà tôi ở sát sân vận động Chùa Cuối (nay là Thiên Trường-Nam Định). Rồi đến khi lấy chồng, nhà tôi lại ở sát sân vận động Hàng Đẫy. Khi không có các trận thi đấu, tôi đi xem hội con trai đá bóng. Nếu đội nào thiếu người, tôi sẵn sàng ra sân. Chuyện tôi ngã rách toác đầu gối, trầy xước khắp người cũng không có gì là lạ; rồi cũng “manh,” cũng “le”, cãi nhau om tỏi… Nói chung là đủ cả!

Trong gia đình tôi, mọi người luôn tôn trọng sở thích, cá tính của nhau. Điều đó giúp chúng tôi duy trì “lửa” trong ngôi nhà của mình.

“Khi nào tôi giở hết trò rồi thì tôi dừng bút!”

- Không chỉ với bóng đá mà trong những trang văn của Y Ban, lúc nào tôi cũng thấy chị “rực lửa.”

Nhà văn Y Ban: Đúng vậy! Y Ban vẫn chao chát, vẫn rực lửa như thế từ ngày đầu đến giờ; nhưng cách tôi thể hiện “chất riêng” của mình ở mỗi giai đoạn, mỗi thể loại (truyện ngắn, truyện ngắn mini, tiểu thuyết) là rất khác nhau.

Hãy hình dung, nếu bạn đưa cho người khác một món ăn (dù là sơn hào hải vị) thì ăn mãi, họ cũng sẽ chán. Y Ban dù có viết hay đến đâu nhưng nếu cứ quanh quẩn mãi với một kiểu viết thì cũng không thể có chỗ đứng trong lòng độc giả.

Tính cách của tôi ảnh hưởng rõ đến cách viết của tôi. Cá tính nhiều lửa, riết róng thì câu văn càng nhiều lửa, riết róng.

Tôi là một kẻ rất bướng; sống là đi tận cùng, kể cả thế tục. Tôi cũng là một kẻ rất hiếu thắng ở chỗ, người ta càng bày tỏ sự đố kỵ thì tôi lại càng viết hăng. Có những người chỉ đợi tôi ra sách để “bới lông tìm vết.” Nhưng quan điểm sáng tác của tôi là: Trăm bó đuốc bắt được con ếch, chứ không phải “gà đẻ trứng vàng.” Nhà văn chỉ cần 5 năm không ra sách thì cái tên nhà văn đó đã thành xa lạ.

Ban đầu, khi viết về một lĩnh vực nào đó, tôi cũng mon men lắm. Thế nhưng, khi càng có nhiều ý kiến phản bác, tôi càng khơi sâu vào đó. Nếu cứ bình yên, có khi tôi lại buông xuôi cũng nên.

- Có khi nào chị nghĩ mình sẽ dừng bút?

Nhà văn Y Ban: Có chứ! Khi nào tôi giở hết “trò” rồi thì tôi dừng bút!

Nghệ thuật, khi chúng ta dừng lại, dẫm lại dấu chân của chính mình tức là chúng ta thụt lùi. Bởi thế, người nghệ sỹ buộc phải tiến, phải tự làm mới mình! Nhưng tiến bằng cách nào? Không phải ai mạnh dạn thể nghiệm cũng đạt được thành công nhưng tự thách thức mình ở nhiều thể loại mới cũng có cái thú riêng!

Những câu văn trong một cuốn sách có thể khiến người đọc cười rũ ra, có thể khiến người ta chau mày hay khóc theo nhân vật. Để làm được điều đó, thực sự nhà văn phải “vật lộn” bên bàn viết.

Để khiến người đọc khóc thì trước đó, nhà văn cũng đã khóc hết nước mắt với “đứa con tinh thần” của mình, thậm chí là ốm theo nhân vật. Bản thân tôi khi viết, tôi cứ hình dung mọi thứ hiển hiện trước mắt và tôi sờ, nắm được vào nó.

Mọi lời khen hay chê, tôi đều trân trọng! Cùng làm nghề nên tôi hiểu rất rõ những khó khăn của các văn nghệ sỹ. Bạn đọc trước khi đưa ra những phán xét, hãy trân trọng sức lao động của những người cầm bút.

- Những lúc bị dư luận, truyền thông “ném đá,” chị có nản lòng không?

Nhà văn Y Ban: Thực ra, độc giả mới thực sự là người quyết định vị trí của tôi. Điều quan trọng nhất với người cầm bút là độc giả có đón đọc tác phẩm của họ hay không.

Ngoài ra, với cái tên Y Ban, một vài bài viết cũng không thể giúp nó “bay” lên cao hơn hay “dìm” được nó xuống vực sâu hơn.

Có thời gian, người ta đánh đồng những gì tôi viết với những chiêu trò để tạo scandal nhằm đánh bóng tên tuổi của một bộ phận giới showbiz. Nhiều người viết bài “ném đá” tôi mà không hiểu bản chất câu chuyện.

Buồn hơn là, ở Việt Nam, tâm lý a dua theo đám đông vẫn rất phổ biến. Sau đó, mọi thứ đều bị bỏ lửng. Khi một cuốn sách, một tác phẩm bị coi là "có vấn đề," không ai đứng ra phân tích xem là nó đúng ở đâu, sai ở đâu, những gì tác giả đã làm được và còn những gì họ chưa làm được. Văn nghệ sỹ vẫn phải “tự bơi.”

Rất may là, cuối cùng, tôi vẫn trụ vững trước mọi sóng gió, thanh thản sống và viết.

- Không chỉ viết văn, chị còn làm báo. Chị thích được gọi là nhà văn hay nhà báo hơn?

Nhà văn Y Ban: Nghề báo nuôi sống tôi, nghề văn giúp tôi nổi tiếng và tôi thích cả hai. Tất cả đều là công việc viết lách và chúng có sự tương tác với nhau rất lớn.

Những chuyến đi, cách quan sát của nghề báo cho tôi những trải nghiệm sâu hơn để viết văn. Công việc viết văn thường xuyên giúp tôi có những lối tiếp cận, cách triển khai “mềm” và bay bổng hơn khi làm báo.

- Trân trọng cảm ơn chị về những chia sẻ!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục