Năm nay, nền kinh tế thế giới được dự báo có nhiều tín hiệu lạc quan, kinh tế trong nước tăng trưởng ổn định ở mức cao, các hiệp định thương mại đa phương, song phương đã được Việt Nam hoàn tất đám phán… có thể xem là những yếu tố thuận lợi, mang lại nhiều cơ hội hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
- Năm nay, cùng với việc Cộng đồng ASEAN được thành lập và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Vậy mục tiêu xuất khẩu trong năm 2016 như thế nào thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Dự kiến, xuất khẩu năm nay sẽ tăng trưởng 10% so với 2015 và tương tự như vậy mức kiểm soát nhập siêu sẽ ở mức 5% của kim ngạch xuất khẩu. Với mục tiêu này, năm 2016 tiếp tục tạo được sự ổn định về vĩ mô cũng như những mục tiêu khác về kinh tế-xã hội.
Thế nhưng, đây cũng là năm được nhìn nhận những cơ hội mới nhất là cho xuất nhập khẩu. Cụ thể là Việt Nam đã ký hàng loạt các FTA và các cam kết với các nước sẽ được thực thi trong năm 2016 như gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN hoặc là các FTA đã ký với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á Âu, EU và TPP.
Như vậy, rất nhiều cơ hội phát triển thị trường, đặc biệt thông qua việc các quốc gia đối tác, phần lớn là các nước lớn thuộc các nước nhóm G7, 13/20 là thành viên của nhóm G20. Đây đều là những nước cam kết mở cửa thị trường với Việt Nam thông qua Quốc hội nước đó.
Việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan cho hàng loạt các sản phẩm lớn từ nông sản, thủy sản đến các mặt hàng dệt may, da giày rồi các sản phẩm chế biến chế tạo… đều được hưởng ưu đãi về thuế quan. Các hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ về 0% ngay khi cam kết đó có hiệu lực.
Khó khăn còn nhiều nhưng năng lực điều hành trong thời gian qua nhất là Chính phủ, các Bộ ngành, xúc tiến phát triển thương mại và cơ cấu lại các Bộ ngành kinh tế nhất định sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra.
- Hàng loạt các chính sách trong Luật Đầu tư và Luật Thuế đã được chỉnh sửa theo chiều hướng tích cực, nhưng các doanh nghiệp vẫn cho rằng những chính sách này chưa theo kịp với tốc độ và tình hình thực tế. Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về các ý kiến của doanh nghiệp?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trên thực tế quá trình xây dựng các quy phạm pháp luật để hoàn thiện môi trường pháp lý của đất nước là quá trình xuyên suốt và liên tục nhất là trong quá trình hội nhập sâu rộng. Vì vậy, tôi cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên về ý kiến của các doanh nghiệp về những văn bản còn chậm hoặc đôi khi còn có sự trùng lắp, mâu thuẫn lẫn nhau hoặc thậm chí còn có khoảng trống thiếu. Đó là một hiện tượng phản ánh đúng thực tế.
Thời gian vừa qua, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung nguồn lực xây dựng quy phạm pháp luật và coi đó là nhiệm vụ then chốt. Cùng đó, chúng ta cũng đã chứng kiến hàng loạt các văn bản luật và dự án luật và nghị định, pháp lệnh… chưa kể đến thông tư liên tục được ban hành.
Tuy nhiên, vẫn còn có những văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, còn chồng lấn, còn mâu thuẫn thì các Bộ ngành, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm phản ánh để đóng góp vào quy trình xây dựng pháp luật cho hoàn thiện hơn.
Bộ Công Thương cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và sẽ tiếp tục ưu tiên trong năm 2016-2020. Đặc biệt, khi Việt Nam đang phải chịu cam kết rất sâu và rộng của hàng loạt những cam kết hội nhập từ ASEAN, liên minh thuế quan, liên minh châu Âu và cả TPP.
- Nhiều ý kiến cho rằng việc phản hồi các thông tin thị trường từ các tham tán thương mại tại các cơ quan đại diện tại các nước chưa tạo được nguồn thông tin để định hướng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trên thực tế có những phàn nàn cũng như ý kiến của doanh nghiệp, của Hiệp hội về việc hoạt động chưa hiệu quả của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; trong đó có các tham tán thương mại tại thương vụ. Tuy nhiên, hệ thống các cơ quan thương vụ hiện nay đang hạn chế rất nhiều cả về số lượng, quy mô, nguồn lực và cả về chất lượng.
Ngoài ra, cơ chế hợp tác giữa thương vụ với doanh nghiệp cũng chưa thực sự hiệu quả và chưa rõ nét. Không những thế, đầu mối phối hợp chỉ có khoảng 50 cơ quan đại diện tại nước ngoài trong khi cộng đồng doanh nghiệp có tới hàng trăm nghìn, hàng triệu và số lượng có nhu cầu thì không phải là nhỏ. Do đó, tổ chức như thế nào để tạo dòng luân chuyển, kể cả đã khai thác được rồi cũng phải xử lý ra sao cũng là vấn đề.
Tôi cũng không phủ định cơ quan đại diện ở nước ngoài phải có trách nhiệm nghiên cứu về tổ chức để thể chế hóa khai thác thông tin từ thị trường phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp cũng như của đất nước. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiến hành phối hợp sâu rộng với cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng khác để công tác tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp đạt hiệu quả cao.
- Xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với Việt Nam sẽ gia tăng. Xin Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương đã đề xuất giải pháp nào để doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật này?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Bảo hộ mậu dịch hoặc sử dụng hàng rào kỹ thuật là xu thế chung và áp dụng chung đối với các quốc gia khác chứ không chỉ riêng với Việt Nam. Tuy nhiên, đối với Việt Nam lại có ý nghĩa đặc biệt vì là một quốc gia đang phát triển và năng lực trong sản xuất các sản phẩm còn hạn chế.
Quy mô tiếp tục có sự tăng trưởng nhanh, tương đối tích cực nhưng chất lượng sản phẩm và vấn đề liên quan tới yêu cầu, quy chuẩn chung của quốc gia còn hạn chế. Tương tự như vậy dẫn đến thương hiệu sản phẩm chưa được xây dựng và mang tính bền vững.
Mặt khác, Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng với hàng loạt các quốc gia có các FTA thì áp lực cũng đặt ra rất lớn cho các ngành kinh tế cũng như doanh nghiệp. Nhiều dòng sản phẩm có thể được hưởng những điều kiện thuận lợi của các hàng rào thuế quan, thậm chí cả quy trình kỹ thuật để tiếp cận thị trường nhưng các hàng rào kỹ thuật thì chắc chắn sẽ không hề đơn giản bởi những thị trường này rất quan tâm về quy cách, chất lượng và kỹ thuật.
Chính vì vậy, đã có rất nhiều các Đề án trong đó có Đề án xuất khẩu bền vững đến năm 2020 với 36 đề án thành tố chứa đựng giải pháp không chỉ phục vụ riêng cho xuất khẩu nhưng sẽ đóng góp rất tích cực cho xuất khẩu.
Việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cũng có ý nghĩa vô cùng cơ bản. Bởi chỉ có đổi mới mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng đến chiều sâu, nâng cao hơn nữa hiệu quả của đầu tư, giá trị gia tăng của sản phẩm, đặc biệt thông qua hàm lượng công nghệ cũng như những hàm lượng của năng suất lao động và đáp ứng được yêu cầu cao về mặt quy cách phẩm chất… mới giúp hội nhập hiệu quả và thành công.
Một nhiệm vụ không thể thiếu nữa của ngành Công Thương là sẽ tiếp tục thể chế hóa thuận lợi và thành công phục vụ cho đầu tư vào sản xuất có hiệu quả. Hoàn thiện các môi trường kinh doanh và môi trường pháp lý về xuất khẩu để giúp cho các doanh nghiệp khai thác được tối đa nguồn lực, đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả cao hơn nữa.
Bên cạnh đó, các đề án liên quan đến việc hình thành các chuỗi sản phẩm từ nông nghiệp đến các lĩnh vực công nghiệp với những nội dung ưu tiên cũng cần tiếp tục được quan tâm tích cực trong quá trình hội nhập.
Cụ thể, năm nay và những năm tiếp theo Việt Nam sẽ chứng kiến sự chuyển mình của cả hệ thống theo những định hướng đó. Tất nhiên, một yếu tố hết sức quan trọng là sự hiểu biết và khả năng tiếp cận của doanh nghiệp đối với những cam kết hội nhập, khung khổ hội nhập.
Đây chính là khâu đối ngoại, phối hợp hợp tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp để làm sao các nội dung, cam kết hội nhập cũng như các hoạt động về điều hành sản xuất, điều hành trong cơ quan Nhà nước nói chung sẽ là những nội dung xuyên suốt và thường xuyên để đảm bảo hiệu quả sản xuất cũng như phát triển và hội nhập.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.