Ngày 24/7, Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 12-17 nhằm tăng tỷ lệ dân số nước này được tiêm chủng và tạo "hàng rào" miễn dịch cộng đồng.
Theo thống kê mới nhất của truyền thông Trung Quốc, đến nay nước này có hơn 1 tỷ người trên tổng dân số gần 1,4 tỷ người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 các loại.
Chương trình tiêm chủng mở rộng
Ngày 16/7, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp 2 loại vaccine bất hoạt (Vero Cell) do Viện Nghiên cứu Sinh học Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) và Công ty Dược phẩm Sinh học Bắc Kinh (Sinovac) sản xuất để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp đối với nhóm trẻ trong đội tuổi từ 3-17.
Động thái này diễn ra sau khi nhà chức trách y tế Trung Quốc cấp phép sử dụng những loại vaccine này trong trường hợp khẩn cấp đối với người từ 18 tuổi trở lên trên cơ sở hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 cho nhóm trẻ trong độ tuổi từ 3-17 (tỷ lệ chuyển đổi dương tính với kháng thể trung hòa là 100%, không có sự khác biệt đáng kể trong việc chuyển đổi dương tính kháng thể trung hòa và không có những phản ứng bất thường so với người trưởng thành), cũng như trên cơ sở kết quả giám sát những phản ứng bất lợi sau khi tiêm do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc thực hiện.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, nhu cầu trong công tác phòng chống dịch và đặc điểm của các nhóm dân cư, đến ngày 24/7, Trung Quốc mới bắt đầu tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi. Đối với nhóm trẻ dưới 12 tuổi, việc tiêm vaccine sẽ được triển khai thống nhất trong thời gian tới theo cơ chế phối hợp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ Trung Quốc.
Đến nay, công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng trong độ tuổi từ 12-17 vẫn đang tiếp tục được tiến hành tại 31 tỉnh thành ở Trung Quốc. Số liệu thống kê của CDC Trung Quốc cho thấy tính đến ngày 11/9, tiến độ tiêm chủng trong nhóm tuổi này đã đạt 162,2 triệu liều (đạt tỷ lệ trên 90%).
Theo đánh giá của CDC, các loại vaccine được phê duyệt tiêm cho trẻ vị thành niên phù hợp với những yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ quan quản lý y tế quốc gia Trung Quốc. Những vaccine này đã hoàn tất các giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng một cách nghiêm ngặt, kết quả thử nghiệm cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine đảm bảo tính hiệu quả và an toàn do WHO công nhận.
[Xét nghiệm đại trà - Giải pháp dập dịch thần tốc của Trung Quốc]
Từ những kết quả thử nghiệm lâm sàng và thông tin thu được trong quá trình tiêm chủng thực tế, về cơ bản, các phản ứng sau khi tiêm chủ yếu bao gồm: mẩn đỏ, sưng tấy, chai cứng và đau tại vị trí tiêm, biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu và đau cơ. Đây được xem là những phản ứng thông thường sau khi tiêm vaccine, cho thấy cơ thể đang hình thành cơ chế miễn dịch, bảo vệ người được tiêm chống lại virus SARS-CoV-2 và những phản ứng này sẽ tự hết sau 2-3 ngày.
Phương pháp tiêm, liều lượng và dạng bào chế vaccine bất hoạt cho trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 12-17 cũng giống như vaccine dành cho người trưởng thành, vaccine được sử dụng là vaccine bất hoạt, liều lượng chỉ định tiêm 2 mũi, mỗi mũi 0,5ml, vị trí tiêm là cơ Delta của bắp tay và khoảng cách giữa hai lần tiêm cách nhau từ 21-30 ngày.
Truyền thông Trung Quốc cho biết việc xây dựng kế hoạch tiêm chủng dựa trên đặc điểm của nhóm tuổi, bố trí thời gian tiêm, địa điểm tiêm chủng hợp lý, đảm bảo đúng yêu cầu của công tác tiêm chủng đã nhận được sự tự nguyện, đồng ý từ phía cha mẹ cũng như người giám hộ trẻ vị thành niên.
Năng lực vaccine
Theo truyền thông Trung Quốc, các loại vaccine ngừa COVID-19 của nước này ngoài việc ứng dụng phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm tạo ra hàng rào miễn dịch cộng đồng còn được sử dụng để phục vụ yêu cầu chính trị, ngoại giao, cũng như sản xuất thương mại phục vụ nhu cầu phòng chống dịch bệnh của một số quốc gia và khu vực trên thế giới.
Về năng lực sản xuất vaccine, trước nhu cầu ngày càng lớn, các tập đoàn dược phẩm lớn như Sinopharm và Sinovac đã liên tục đầu tư tăng công suất. Đến nay, nước này có khả năng sản xuất khoảng 5 tỷ liều vaccine/năm.
Ngoài ít nhất 5 loại vaccine đã được nhà chức trách Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp trong nước, Học viện Quân y Trung Quốc và Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Tô Châu đã nghiên cứu thành công và đưa vào thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine công nghệ MRNA.
Vaccine MRNA mới đã được Trung tâm đăng ký thử nghiệm lâm sàng quốc gia Trung Quốc phê duyệt cho phép tiến hành nghiên cứu lâm sàng trên 3 nhóm (mỗi nhóm 56 người) để đánh giá mức độ an toàn của các liều dùng khác nhau đối với những người từ 18-59 tuổi và những người từ 60 tuổi trở lên.
Về khả năng hợp tác, cung cấp vaccine, hiện nay, Trung Quốc không chỉ đẩy nhanh việc tiêm chủng nhằm thiết lập hàng rào miễn dịch cộng đồng trong nước mà còn đóng góp vào hoạt động tiêm chủng toàn cầu.
Đến nay, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho thế giới, đồng thời Chính phủ Trung Quốc cũng hỗ trợ các công ty sản xuất vaccine trong việc hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và sản xuất vaccine với nhiều nước, trong đó có các nước đang phát triển, ủng hộ việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm vaccine ngừa COVID-19.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tích cực đóng góp cho việc phân phối vaccine một cách công bằng và cam kết sẽ cung ứng cho thế giới 2 tỷ liều vaccine trong năm nay.
Đối với vấn đề nghiên cứu, sản xuất vaccine, Trung Quốc cũng đã ghi nhận nhiều tiến triển mới trong thời gian ngắn, trong đó tiếp tục nghiên cứu, phát triển 2 loại vaccine MRNA mới trong phòng ngừa COVID-19.
Ngoài ra, các công ty sản xuất vaccine của Trung Quốc cũng đã nâng cao năng lực sản xuất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh hiện nay./.