Xung quanh thỏa thuận bất thường vừa đạt được giữa Mỹ và Nhật Bản

Theo thỏa thuận mới đạt được, Nhật Bản sẽ phải chi khoảng 200 tỷ yen, gần bằng năm trước, cho việc đồn trú của các lực lượng Mỹ ở nước này.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hy vọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Reuters)

Theo tờ Thời báo Nhật Bản, ngày 17/2, Tokyo và Washington đã đạt được một thỏa thuận bất thường kéo dài một năm về việc chia sẻ chi phí đồn trú của các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản.

Thỏa thuận đặc biệt này đạt được sau các cuộc đàm phán giữa chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide  và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, đây là một giải pháp tạm thời của cả hai bên trong lúc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang hoành hành.

Tại cuộc họp báo thông báo về thỏa thuận trên, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhấn mạnh: “Trong bối cảnh môi trường an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang xấu đi, quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ và các lực lượng Mỹ đóng tại Nhật Bản là tuyệt đối cần thiết cho nền quốc phòng của chúng ta cũng như hòa bình và ổn định của khu vực.”

Theo ông Motegi, việc Nhật Bản và Mỹ có thể đạt được thỏa thuận ngay sau khi Tổng thống Biden nhậm chức là kết quả “rất đáng khen ngợi” của các cuộc đàm phán thẳng thắn giữa Nhật Bản và Mỹ, nhấn mạnh thỏa thuận trên thể hiện cam kết mạnh mẽ của hai nước đối với liên minh Mỹ-Nhật và chứng minh cho cộng đồng quốc tế về sự tin cậy của liên minh này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi đánh giá thỏa thuận trên là cực kỳ quan trọng cho việc duy trì sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời cho rằng dịch COVID-19 và sự chuyển giao quyền lực ở Mỹ là nguyên nhân cản trở việc đạt được thỏa thuận sớm hơn.

Theo thỏa thuận mới đạt được, Nhật Bản sẽ phải chi khoảng 200 tỷ yen, gần bằng năm trước, cho việc đồn trú của các lực lượng Mỹ ở nước này.

Đây được coi là một biện pháp tạm thời giúp giảm bớt áp lực cho Chính quyền Biden trước vấn đề hóc búa này để tập trung chống chọi với đại dịch đang hoành hành ở Mỹ, đồng thời giúp Nhật Bản tránh được một cuộc đàm phán có khả năng gây tranh cãi về vấn đề này.

Theo hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ, Nhật Bản sẽ chi trả một phần chi phí cho việc tiếp nhận khoảng 55.000 binh sỹ Mỹ tại nước này, bao gồm chi phí nhân công, đào tạo và các tiện ích.

Hai nước thường ký kết các thỏa thuận kéo dài 5 năm về cái gọi là kinh phí hỗ trợ của nước chủ nhà cho các lực lượng Mỹ đồn trú ở nước này.

Thỏa thuận hiện tại giữa hai nước dự kiến hết hạn vào cuối tháng 3/2021. Mặc dù mới chỉ bắt đầu đàm phán từ ngày 2/2/2021 nhưng việc nhanh chóng đạt được thỏa thuận cho thấy cả chính quyền Suga và Biden đều coi kết quả trên là một chiến thắng.

Đối với Thủ tướng Suga, vấn đề chia sẻ chi phí đồn trú của lực lượng Mỹ có lẽ là vấn đề hóc búa nhất mà ông phải xử lý vì nó có tác động trực tiếp đến an ninh và quốc phòng của Nhật Bản.

Giải quyết xong vấn đề này sẽ giúp Chính quyền Suga tập trung triển khai hiệu quả chương trình tiêm phòng vắcxin và khống chế đại dịch ở trong nước.

Hiện nay, Thủ tướng Suga đang phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt về khả năng ứng phó của Chính phủ với đại dịch COVID-19.

Kết quả thăm dò của hãng tin Kyodo trong tháng 2/2021 cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Suga chỉ còn 38,8%.

Đây là lần đầu tiên tỷ lệ này giảm xuống dưới ngưỡng 40%. Mặt khác, việc xử lý ổn thỏa vấn đề này cũng giúp Thủ tướng Suga tránh được những lời chỉ trích từ Washington về việc ngân sách quốc phòng trong năm đầu tiên dưới sự lãnh đạo của ông không cao như Mỹ kỳ vọng.

Vào cuối năm ngoái, chính quyền của Thủ tướng Suga đã thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng cao kỷ lục 5.340 tỷ yen cho tài khóa 2021 trong bối cảnh các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên đang gia tăng.

Các binh sỹ Lực lượng Phòng vệ Hoa Kỳ và Nhật Bản lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm của ông tại Trạm Không quân Thủy quân Lục chiến Iwakuni, trên đường đến Hiroshima, Nhật Bản ngày 27/5/2016. (Nguồn: Reuters)

Trước đó, ngân sách quốc phòng 2020 của Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 0,9% GDP, trong khi Mỹ đã yêu cầu các đồng minh chi 2% GDP cho quốc phòng.

Ông Corey Wallace, một chuyên gia về an ninh ở Đông Á tại Đại học Kanagawa, cho rằng việc nhanh chóng đạt được thỏa thuận không phải là một “điều tồi tệ” đối với Nhật Bản khi chính quyền Suga đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác.

[Lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ nhất trí tăng cường quan hệ đồng minh]

Tuy nhiên, ông Wallace dự báo Nhật Bản khó có thể tiếp tục duy trì mức chi trả như hiện tại trong bối cảnh Washington muốn Tokyo tăng gánh nặng chi phí. Theo ông Wallace, Nhật Bản khó có thể tránh khỏi việc tăng chi trả trong dài hạn.

Đối với Chính quyền Biden, thỏa thuận trên được ký kết khi chính quyền mới nhậm chức đang định hình chính sách đối ngoại ở một khu vực ngày càng quan trọng đối với Mỹ, đồng thời cho phép họ tập trung vào các vấn đề ưu tiên mang tính đối nội, trong đó có dịch COVID-19.

Vì vậy, theo chuyên gia Wallace, việc gây chiến với các đồng minh có thể sẽ không có lợi cho Mỹ trong lúc họ đang cố gắng đối phó với đại dịch và định hình một chính sách mang tính cạnh tranh hơn của Mỹ đối với Trung Quốc và vị thế của Mỹ ở Đông Á.

Trước đó, quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ đã trở nên căng thẳng vì lời đe dọa rút quân của Washington nếu Tokyo không tăng ngân sách dành cho việc đồn trú của các lực lượng Mỹ.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington đã thúc ép Tokyo chi nhiều tiền hơn cho sự đồn trú của lực lượng Mỹ.

Trong một cuốn hồi ký được xuất bản năm ngoái, ông John Bolton, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Chính quyền Trump, tiết lộ Tổng thống Trump khi đó đã nói rằng cách tốt nhất để khiến các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc tăng chi trả "là đe dọa rút tất cả lực lượng Mỹ.”

Tuy nhiên, thông qua mối quan hệ cá nhân của Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shinzo Abe với ông Trump, Tokyo đã tìm cách xoa dịu để Washington không thực hiện các hành động quyết liệt bằng cách nêu bật các lợi ích của sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực.

Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực đầy khó khăn ở Mỹ, Bộ Ngoại giao Nhật Bản vẫn duy trì quan điểm rằng Tokyo đã truyền đạt ý kiến của mình về vấn đề chia sẻ chi phí đồn trú và rằng “bóng đang ở trên sân” của Washington.

Tuy nhiên, theo một quan chức ngoại giao cấp cao, cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều nhận thức rõ rằng thỏa thuận hiện tại ở Nhật Bản sẽ kết thúc vào cuối tháng 3/2021.

Liên quan tới các cuộc đàm phán trong tương lai, Bộ trưởng Kishi cho biết các cuộc đàm phán giữa hai nước về một thỏa thuận mới có hiệu lực từ tháng 4/2022 sẽ tiếp tục và thời gian hiệu lực của thỏa thuận mới sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán đó.

Theo nhật báo Asahi, trong thời gian từ nay tới cuối năm, phía Nhật Bản có thể hướng tới đàm phán một hiệp định có hiệu lực trong 4 năm còn lại của một thỏa thuận mà trên thực tế có hiệu lực trong 5 năm.

Các nhà quan sát cho rằng các cuộc đàm phán mới cũng có thể tập trung vào việc củng cố hơn nữa quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ trong các lĩnh vực như an ninh mạng và không gian, đồng thời tập trung đặc biệt vào việc chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục