Xung quanh quyết định thay đổi sứ mệnh của quân đội Mỹ tại Iraq

Mỹ đang duy trì 2.500 lính tại Iraq để tập trung vào việc đối phó với các thành phần còn sót lại của IS và vai trò của Mỹ tại Iraq sẽ thay đổi hoàn toàn sang huấn luyện và cố vấn cho quân đội Iraq.
Binh sỹ Mỹ làm nhiệm vụ tại Iraq. (Nguồn: modeldiplomacy.cfr.org)

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi ngày 26/7 đã ký kết một thỏa thuận chính thức chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của Mỹ tại Iraq từ nay đến hết năm 2021, song các lực lượng của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động tại đây với vai trò cố vấn.

Bài viết mới đăng trên trang mạng eurasiareview.com cho biết trong một tuyên bố chung mà Mỹ và Iraq cùng đưa ra ngày 26/7, hai bên cho biết: “Mối quan hệ an ninh song phương sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang vai trò huấn luyện, cố vấn, hỗ trợ và chia sẻ thông tin tình báo, theo đó sẽ không còn bất cứ lực lượng Mỹ nào với vai trò tác chiến có mặt tại Iraq bắt đầu từ ngày 31/12/2021."

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Kadhimi, Tổng thống Biden nêu rõ: “Vai trò của chúng tôi tại Iraq sẽ vẫn... sẵn sàng để tiếp tục huấn luyện, hỗ trợ, và giúp đối phó với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) khi tổ chức khủng bố này xuất hiện, song đến cuối năm nay, sứ mệnh chiến đấu của chúng tôi sẽ kết thúc."

Hiện Mỹ đang duy trì 2.500 lính tại Iraq để tập trung vào việc đối phó với các thành phần còn sót lại của IS. Vai trò của Mỹ tại Iraq sẽ thay đổi hoàn toàn sang huấn luyện và cố vấn cho quân đội Iraq. Tuy nhiên, theo eurasiareview.com, ông Biden lại từ chối trả lời câu hỏi về số lượng binh lính Mỹ sẽ ở lại Iraq.

Sự thay đổi này dự kiến sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của Mỹ vốn đã chuyển sang chỉ tập trung vào huấn luyện các lực lượng Iraq.

Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki giải thích với báo giới ngay trước cuộc họp tại Phòng Bầu dục: “Đây là một sự thay đổi về sứ mệnh, chứ không phải là một sự hủy bỏ quan hệ đối tác của chúng tôi hay là dỡ bỏ sự hiện diện của Mỹ, hoặc là sự hợp tác chặt chẽ của chúng tôi với các lãnh đạo Iraq."

Trước đó, hôm 24/7, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Lloyd Austin cũng phát biểu trước một nhóm các nhà báo tại Alaska rằng các binh lính Mỹ tại Iraq “có khả năng làm được rất nhiều điều."

[Sự khởi đầu của vai trò mới của quân đội Mỹ tại Iraq]

Trả lời câu hỏi về việc phân loại các lính Mỹ hiện đang đóng tại Iraq thành các lực lượng chiến đấu hay chủ yếu dành cho các hoạt động huấn luận, cố vấn và hỗ trợ, ông Austin nói rằng “Tôi nghĩ để đưa ra sự phân loại này sẽ rất khó. Tuy nhiên, tôi có thể nói là mấu chốt sẽ nằm ở mục đích, nhiệm vụ của hành động trong từng thời điểm cụ thể."

Các quan chức cũng cho hay trọng tâm vẫn là đảm bảo rằng sẽ không có một sự lặp lại những gì từng xảy ra cách đây 7 năm, khi IS càn quét Mosul và hàng nghìn tay súng nước ngoài đổ vào Iraq và nước láng giềng Syria.

Các lực lượng chính phủ Iraq khi đó gần như đã hoàn toàn sụp đổ và có đến hàng chục vụ đánh bom liều chết xảy ra mỗi tháng. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay: “Như chúng tôi đã luôn nói từ ban đầu, sẽ không có ai tuyên bố rằng ‘sứ mệnh đã hoàn thành.' Mục tiêu vẫn là đánh bật IS. Chúng tôi thừa nhận rằng các bạn phải duy trì sức ép lên các mạng lưới này khi chúng tìm cách tái thiết, nhưng vai trò của các lực lượng Mỹ và các lực lượng liên minh có thể giảm dần. lui về hậu trường để huấn luyện, cố vấn, chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ hậu cần. Đó cũng chính là những gì chúng tôi đang làm."

Hồi tháng Tư, Mỹ và Iraq đã nhất trí thay đổi sứ mệnh của các binh lính Mỹ, vốn từng được khởi động từ năm 2015 và tập trung vào các vai trò huấn luyện và cố vấn để hỗ trợ các lực lượng an ninh Iraq, nhưng khi đó 2 bên chưa đưa ra khung thời gian cụ thể cho việc hoàn tất sự chuyển giao này.

Katherine Zimmerman, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định: “Nhìn chung, sự thay đổi này là tượng trưng của vai trò mà chính quyền Biden muốn quân đội Mỹ đảm nhiệm trong cuộc chiến chống khủng bố: hỗ trợ các đối tác thông qua huấn luyện và các hình thức hỗ trợ khác trong khi các đối tác sẽ đảm nhiệm vai trò chỉ huy trong các chiến dịch chống khủng bố. Tuy nhiên, cách tiếp cận này phụ thuộc rất lớn vào năng lực và sự tích cực của các đối tác Mỹ. Họ phải tiếp tục ưu tiên cuộc chiến chống khủng bố và không hành động theo cách có thể làm vấn đề thêm trầm trọng hơn."

Theo Reuters, thỏa thuận này được ký kết vào một thời điểm chính trị nhạy cảm đối với chính phủ Iraq và có thể là một cú hích cho Baghdad.

Ông Kadhimi đang phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ các bên có liên hệ với Iran và các nhóm bán quân sự phản đối vai trò quân sự của Mỹ tại quốc gia này. Đây cũng là cuốc gặp trực tiên đầu tiên giữa Biden và Kadhimi tại Phòng Bầu dục trong khuôn khổ đối thoại chiến lược giữa Mỹ và Iraq.

Đối với Biden, thỏa thuận chấm dứt sứ mệnh chiến đấu tại Iraq này là bước đi tiếp theo sau những quyết định xúc tiến một cuộc rút quân vô điều kiện khỏi Afghanistan và hoàn tất sứ mệnh quân sự của Mỹ tại quốc gia Nam Á vào cuối tháng Tám.

Cùng với thỏa thuận này, vị tổng thống đảng Dân chủ cũng đang xúc tiến việc chính thức hoàn tất các sứ mệnh chiến đấu của Mỹ tại 2 cuộc chiến tranh mà cựu Tổng thống George W. Bush từng khơi mào và kéo dài trong gần 2 thập kỷ qua.

Behnam Ben Taleblu, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Quỹ vì Bảo vệ các nền Dân chủ tại Washington, nói: “Chắc chắn chính quyền Biden đang lợi dụng giọng điệu về việc ‘chấm dứt những cuộc chiến không có hồi kết’. Tuy nhiên, các cuộc xung đột này không nảy sinh từ những bất đồng chính trị hay xã hội, và bạo lực cùng các mối đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ nảy sinh từ các chiến trường và các tác nhân đó sẽ không thể chấm dứt chỉ bằng một sự đơn phương rút quân hoặc giảm quân số."

Ông Taleblu cũng cảnh báo thêm rằng Iran hẳn sẽ “ăn mừng” trước tuyên bố giảm quân số Mỹ tại Iraq bởi động thái này “sẽ tạo điểm tựa cho luận điệu của Iran rằng Mỹ có thể bị đánh đuổi khỏi khu vực và sẽ vô ích khi chống lại chính sách đối ngoại Tehran trong khu vực này”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục