Xung quanh phương án tiến hành cải tổ nội các Nhật Bản

Thời gian gần đây, dư luận Nhật Bản rất quan tâm đến việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe liệu có tiến hành cải tổ chính phủ và ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hay không.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 18/6 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 18/6 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thời gian gần đây, dư luận Nhật Bản rất quan tâm đến việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe liệu có tiến hành cải tổ chính phủ và ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hay không.

Thủ tướng Abe sẽ hết nhiệm kỳ Chủ tịch LDP vào tháng 9/2021, do vậy đây có thể coi là đợt cải tổ nhân sự lần cuối cùng trên cương vị thủ tướng của ông Abe.

Theo báo Nihong Keizai, kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2012, Thủ tướng Abe đều tiến hành cải tổ nhân sự nội các và ban lãnh đạo LDP vào thời điểm sau tháng 8 hàng năm, ngoại trừ năm 2013.

Tổng cộng Thủ tướng Abe đã 6 lần tiến hành cải tổ, trong đó số lần được chia đều lần lượt vào các tháng Tám, tháng Chín và tháng 10.

Phát biểu hôm 18/6 vừa qua, Thủ tướng Abe cho biết vấn đề cải tổ nhân sự vẫn là câu chuyện của “thì tương lai,” còn nhiệm vụ trước mắt của tất cả các thành viên chính phủ và ban lãnh đạo LDP là phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch và bảo vệ tính mạng của người dân. Tuy nhiên, có thể đưa ra một vài dự báo về thời điểm Thủ tướng Abe sẽ thay đổi nhân sự.

Trước hết là vào trung tuần tháng Tám tới, thời điểm này thông thường sẽ diễn ra 2 lễ tưởng niệm 2 vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki, sau đó Chính phủ sẽ tổ chức một buỗi lễ tưởng niệm tất cả những người đã mất trong chiến tranh. Như vậy, nhiều khả năng Thủ tướng Abe sẽ tránh gây ra xáo trộn chính trị vào thời điểm này.

['Đã tới lúc Nhật Bản tái khởi động tiến trình cải cách kinh tế']

Nhìn lại quá khứ, Thủ tướng Abe đã 2 lần tiến hành cải tổ trong tháng Tám tới, tuy nhiên khi đó đều có lý do chính đáng. Năm 2016, nếu không tiến hành cải tổ trong tháng Tám tới, không thể kịp do sau đó lịch trình chính trị tại Nhật Bản dầy đặc các sự kiện, còn năm 2017 là thời điểm ngay sau khi LDP thất bại trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Tokyo, buộc ông Abe phải nhanh chóng đưa ra quyết định.

Thứ hai, thời điểm cải tổ nhân sự cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tháng Tám tới như dự định hay không.?

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố sẽ không tham gia hội nghị này. Tuy nhiên, theo tiết lộ từ một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản thì bà Merkel trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Abe hôm 16/7 vừa qua đã nhất trí hợp tác với Tokyo vì sự thành công của G7 và cho biết bà có thể tham dự hội nghị này nếu nó được tổ chức vào cuối tháng Tám tới.

Như vậy, hội nghị G7 nhiều khả năng sẽ diễn ra. Nếu vậy, rất có thể Thủ tướng Abe sẽ sang tham dự hội nghị này để thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Trump. Tuy nhiên, sau khi từ Mỹ trở về, Thủ tướng Abe và phái đoàn theo quy định cũng phải tự cách ly trong vòng 2 tuần, do đó chưa thể ngay lập tức thay đổi nhân sự mà phải đợi đến giữa tháng Chín tới.

Thời điểm này Thủ tướng Abe sẽ rảnh tay hơn vì nhiều khả năng Liên hợp quốc cũng sẽ hủy bỏ phiên họp của Đại hội đồng vào trung tuần tháng Chín tới.

Bên cạnh thời điểm tiến hành cải tổ thì vấn đề nhân sự cũng đang là chủ đề được các nhà phân tích quan tâm. Có khả năng Thủ tướng Abe sẽ giữ lại những trụ cột trong chính phủ và ban lãnh đạo LDP hiện nay như Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga và Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai.

Tuy nhiên, trường hợp của Chủ tịch hội đồng chính sách LDP Kishida Fumio, một ứng cử viên sáng giá thay thế Thủ tướng Abe, liệu có được bổ nhiệm trọng trách cao hơn hay không đang là một dấu hỏi lớn.

Xung quanh phương án tiến hành cải tổ nội các Nhật Bản ảnh 1Chủ tịch hội đồng chính sách LDP Kishida Fumio (ngồi giữa) được coi là người kế thừa của Thủ tướng Shinzo Abe. (Nguồn: japantimes)

Từ giữa năm 2019, Thủ tướng Abe đã từng cân nhắc phương án bổ nhiệm ông Kishida thay thế vị trí Tổng thư ký của ông Nikai. Khi đó, Chánh văn phòng Nội các Suga đã ngăn cản với lý do cần sự ổn định cho LDP, do vậy phương án này sau đó không được nhắc tới nữa.

Cần nói thêm rằng Tổng thư ký Nikai nếu tiếp tục cương vị hiện nay đến ngày 8/9 sẽ lập kỷ lục về số ngày làm tổng thư ký của LDP, vượt qua kỹ lục cũ của “bậc thầy chính trị” trên chính trường Nhật Bản là cựu Thủ tướng Tanaka Kakuei ở cương vị này.

Giải thích điều này để thấy rằng vai trò ảnh hưởng hiện nay của Tổng thư ký LDP Nikai là rất lớn, tuy nhiên ông này cũng đã nhiều tuổi. Theo tiết lộ của một quan chức cấp cao trong LDP, nếu có thay đổi vị trí của Tổng thư ký Nikai, việc này sẽ diễn ra sau ngày 8/9 nói trên.

Về phần mình, nếu Thủ tướng Abe tiếp tục tại vị cho tới ngày 24/8 tới, ông sẽ vượt qua cố Thủ tướng Sato Eisaku để trở thành người đứng đầu chính phủ liên tục dài ngày nhất trong lịch sử chính trường Nhật Bản. Do vậy, đợt cải tổ cũng khó được thực hiện trước ngày lịch sử này.

Nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa biết tới khi nào có thể kiểm soát, thì việc tổ chức Olympic trong năm 2021 cũng có thể bị hủy và khiến cho tương lai của nền kinh tế Nhật Bản ngày càng bất ổn.

Trong bối cảnh như vậy, chưa biết đợt thay đổi nhân sự tới đây có mang lại sức sống mới cho chính quyền Abe hay không. Tương lai của quyết định này sẽ ảnh hưởng đến khả năng giải tán Hạ viện, tiến hành bầu cử lại và cả chiến lược của Nhật Bản thời hậu Abe./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục