Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành Dự thảo Thông tư quy định thanh toán bằng tiền mặt của các tổ chức sử dụng vốn nhà nước và Thông tư quy định phí dịch vụ tiền mặt nhằm hướng dẫn Nghị định 222, trong đó nhấn mạnh: Khi nộp, rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, khách hàng phải chịu mức phí là 0,005% trên tổng giá trị tiền mặt nộp hoặc rút.
Dự thảo cũng quy định, tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức phí nộp tiền mặt đối với khách hàng của mình nhưng không vượt quá mức trần 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp vào tài khoản thanh toán và phải niêm yết công khai. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức phí rút tiền mặt đối với khách hàng của mình nhưng cũng không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút ra từ tài khoản thanh toán và phải niêm yết công khai.
Để hiểu rõ hơn về những vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh xung quanh nội dung dự thảo hai thông tư trên.
- Ông có thể phân tích cụ thể hơn về những nội dung chủ yếu của 2 dự thảo Thông tư trên được không?
Ông Vũ Đình Ánh: Hai dự thảo thông tư lần này đã bao quát được các đối tượng chủ yếu có liên quan đến hoạt động thanh toán ở nước ta.
Trước hết, quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đối với các tổ chức sử dụng vốn nhà nước là hoàn toàn hợp lý. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, các tổ chức sử dụng vốn nhà nước nói chung, sử dụng ngân sách nhà nước nói riêng tương đối nhiều, rất đa dạng với quy mô giao dịch lớn, phức tạp không chỉ trong chi tiêu thường xuyên mà còn trong chi đầu tư.
Vì vậy, không thể nói đến đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt mà lại bỏ qua vai trò đi đầu, nghiêm túc nêu gương không sử dụng tiền mặt trong thanh toán của các tổ chức sử dụng vốn nhà nước, sử dụng ngân sách Nhà nước. Đó là chưa kể thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những công cụ hữu hiệu để phòng ngừa và chống các hiện tượng tiêu cực như tham ô, tham nhũng, hối lộ, thất thoát lãng phí trong sử dụng vốn nhà nước.
Ngoài ra, loại giao dịch tiền mặt phải tính phí và mức phí giao dịch được quy định cụ thể, rõ ràng trong dự thảo thông tư lần này. Đối với tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước phải nộp phí là nội dung đã được quy định tại Nghị định 222, theo đó, các tổ chức tín dụng với tư cách là trung gian tài chính vừa có động lực thật sự trong việc hạn chế sử dụng tiền mặt của chính mình thông qua sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng vừa có động lực xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ cho các đối tượng khách hàng của tổ chức tín dụng.
Tôi cho rằng, quy định này có sức lan tỏa cao do vai trò của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại trong thanh toán đã được khẳng định và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực và địa bàn khác nhau.
Dự thảo thông tư cho phép các tổ chức tín dụng được chủ động và linh hoạt trong quy định mức phí nộp và rút tiền mặt đối với khách hàng của tổ chức tín dụng. Đây là quy định mới và phù hợp với thực tế hiện nay khi các ngân hàng thương mại đã và đang đưa ra các mức phí nộp và rút tiền mặt khác nhau, có ngân hàng miễn phí nộp tiền mặt, có ngân hàng quy định bằng phí chuyển tiền cùng hệ thống.
Việc chỉ quy định mức trần 0,03% đối với tiền mặt nộp vào tài khoản thanh toán và 0,05% đối với tiền mặt rút ra từ tài khoản thanh toán vừa đảm bảo sự phân biệt rõ ràng giữa giao dịch nộp với giao dịch rút tiền mặt vừa đảm bảo quyền chủ động của các tổ chức tín dụng tùy theo chiến lược cạnh tranh đồng thời còn ngăn chặn tình trạng tổ chức tín dụng lạm dụng, tùy tiện áp mức phí giao dịch tiền mặt có thể xảy ra.
Hơn nữa, dự thảo cũng qui định rõ các mức phí phải được niêm yết công khai để đảm bảo tính công khai minh bạch trong hoạt động thanh toán, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh đồng thời bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
- Thưa ông, liệu việc quy định phí nộp tiền mặt có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động của ngân hàng không?
Ông Vũ Đình Ánh: Đầu tiên cần nhấn mạnh là quy định về phí nộp và rút tiền mặt chỉ liên quan đến tài khoản thanh toán chứ không phải là tài khoản tiết kiệm của dân cư, do đó huy động vốn từ nguồn tiền gửi tiết kiệm không bị ảnh hưởng gì cả.
Thứ hai, việc áp phí với các mức phí khác nhau tùy theo từng tổ chức tín dụng đối với các giao dịch nộp và rút tiền mặt liên quan đến tài khoản thanh toán của khách hàng tại mỗi tổ chức tín dụng sẽ không ảnh hưởng nhiều. Thậm chí còn có thể làm tăng số lượng và quy mô tài khoản thanh toán nếu chủ tài khoản thanh toán nhận ra và được hưởng những lợi ích thật sự từ thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các biện pháp “kéo” được áp dụng trong phát triển và hoàn thiện hệ thống thanh toán của mỗi tổ chức tín dụng và của toàn xã hội như tôi đã nêu ở trên.
Thứ ba, nguồn vốn huy động vào các tổ chức tín dụng phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế tài chính vĩ mô nhiều hơn hẳn so với các yếu tố vi mô và càng ít phụ thuộc hơn vào những quy định liên quan đến thanh toán tiền mặt như trong thông tư lần này.
- Vậy theo ông, việc đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt để thanh toán trong nền kinh tế là có cần thiết hay không?
Ông Vũ Đình Ánh: Ưu điểm và lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt so với thanh toán bằng tiền mặt là không phải bàn cãi đối với cả mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức tài chính tín dụng cũng như cả nền kinh tế. Chính vì vậy mà chúng ta đã triển khai một cách nhất quán, liên tục các biện pháp thay thế sử dụng tiền mặt trong thanh toán bằng các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt trong các văn bản quy định pháp lý có liên quan cũng như thực hiện trong thực tế với những kết quả khả quan.
Tuy tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã giảm đều đặn qua các năm và thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến song nhìn chung tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở nước ta vẫn còn cao nên cần có những biện pháp để kéo giảm tỷ lệ này xuống thấp hơn nữa, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và tương xứng với thông lệ quốc tế.
Việc ban hành hai thông tư của Ngân hàng Nhà nước lần này nằm trong lộ trình thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt đã được vạch ra căn cứ vào quy luật phát triển tất yếu của nền kinh tế, với nâng cao trình độ và nhận thức của mỗi tổ chức và cá nhân ở nước ta.
Để lộ trình này được thực hiện một cách thông suốt, hợp lý và hiệu quả thì cần có cả các biện pháp “kéo” và “đẩy” nhằm đạt được các mục tiêu chính sách giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt đồng thời tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt.
Một mặt, có biện pháp “kéo” nhằm tạo ra các tiện ích hấp dẫn khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các lợi ích kinh tế đi đôi với phát triển hệ thống thanh toán không sử dụng tiền mặt một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn và hiệu quả. Mặt khác, các biện pháp “đẩy” nhằm hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, chẳng hạn như rào cản hành chính cấm thanh toán bằng tiền mặt đối với một số loại giao dịch nhất định hay tạo ra các rào cản kinh tế thông qua tăng chi phí giao dịch đối với thanh toán bằng tiền mặt.
Thông thường, các biện pháp “kéo” và “đẩy” được phối hợp với nhau một cách đồng bộ, nhịp nhàng, tạo ra hiệu ứng hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau. Việc ban hành hai thông tư của Ngân hàng Nhà nước lần này chính là nằm trong nhóm các biện pháp “đẩy” này.
- Xin cảm ơn ông!