Báo Le Monde đã đăng bài viết với tựa đề “Moskva đang đánh mất ảnh hưởng đối với các nước Trung Á,” trong đó cho rằng các biện pháp trừng phạt và sự chia rẽ của cộng đồng quốc tế đang khiến các nước Trung Á, gồm các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa thuộc Liên Xô cũ, phải tìm cách cân bằng lập trường trong quan hệ với Nga và Ukraine.
Chính điều này đã khiến Moskva mất dần ảnh hưởng vốn có tại khu vực được coi là sân sau này. Nội dung bài viết như sau:
Không ủng hộ cũng không lên án là lập trường được 5 quốc gia Trung Á -Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan - áp dụng đối với Moskva và cuộc chiến mà Nga đang tiến hành ở Ukraine.
[Nga-Kazakhstan ký thỏa thuận xây dựng tổ hợp phóng tên lửa đẩy Soyuz-5]
Cuối tháng Năm, các cơ quan an ninh của Kyrgyzstan (GKNB) đã đệ đơn kiện một người Kyrgyz chiến đấu trong hàng ngũ của lực lượng Ukraine.
Tháng trước, cũng chính các cơ quan này đã đưa ra cảnh báo rằng các công dân muốn biểu trương chữ “Z,” biểu tượng cho cuộc tấn công của Nga, có thể bị trừng phạt theo luật.
Năm nay, không có nguyên thủ quốc gia nào của 5 quốc gia Trung Á xuất hiện cùng với Vladimir Putin trong lễ duyệt binh ngày 9/5 tại Quảng trường Đỏ, kỷ niệm chiến thắng chủ nghĩa phátxít.
Thậm chí, lần đầu tiên kể từ khi giành độc lập vào năm 1991, Kazakhstan còn đi xa đến mức hủy bỏ cuộc duyệt binh trong nước.
Thay cho chuyến thăm truyền thống tới Moskva, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để ký kết các thỏa thuận hợp tác quân sự (bao gồm xây dựng nhà máy sản xuất máy bay không người lái tấn công ANKA ở Kazakhstan) và phát triển các hành lang hậu cần (hàng hóa và hydrocacbon) đi qua lãnh thổ Nga.
Động thái của ông đã gây bất bình cho Moskva, thậm chí là nguồn cơn của một loạt các tuyên bố nặng nề, chẳng hạn như lời kêu gọi “phi phátxít hóa Kazakhstan” từ một nghị sỹ ở Moskva.
Các lãnh đạo Trung Á đều từ chối theo đuôi Moskva công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk bất chấp chủ quyền lãnh thổ của Ukraine.
Michaël Levystone, chuyên gia nghiên cứu tại Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), nhận định: “Các nước Trung Á có quan hệ tốt với Ukraine. Họ rất khó xử với những gì đang xảy ra.”
Hai chế độ độc tài nhất, Tajikistan và Turkmenistan, cũng đều cảm thấy không thoải mái về chủ đề này.
Thậm chí, Kyrgyzstan còn tỏ thái độ thách thức đối với Moskva khi không ngừng nhắc lại quan điểm rằng mỗi quốc gia đều có quyền theo đuổi chính sách đối ngoại mà mình lựa chọn, ám chỉ đòi hỏi của Nga về “quy chế trung lập” đối với Ukraine.
Theo Levystone, đây là một điểm đáng chú ý trong lập trường về mối quan hệ phụ thuộc của đất nước này vào Moskva.
Gồm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ giành độc lập vào năm 1991, Trung Á lâu nay vẫn được coi là sân sau của Moskva, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh.
Nga luôn nỗ lực duy trì vị thế của kẻ bảo vệ độc quyền trước các nguy cơ Hồi giáo đến từ Afghanistan thông qua các cuộc tập trận quân sự, thiết lập các căn cứ quân sự (Kyrgyzstan, Tajikistan) và vai trò lãnh đạo Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), gồm ba quốc gia tiếp giáp (Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, cùng với Belarus và Armenia).
Việc triển khai rất nhanh một lực lượng 2.000 binh sỹ CSTO đến trấn áp cuộc nổi dậy hồi tháng 1/2022 ở Kazakhstan đã củng cố hình ảnh của Moskva với tư cách là người bảo đảm an ninh trong khu vực.
Nhưng những thất bại mà quân đội Nga đang hứng chịu ở Ukraine đã làm thay đổi các lá bài.
Daniyar Kusainov, chuyên gia khoa học chính trị Kazakhstan, nhận định: “Vị thế và ảnh hưởng của Nga trong khu vực đã suy yếu. Cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy những hạn chế của quân đội Nga, một thế lực được coi là sự bảo đảm cho khu vực Trung Á và đặc biệt là quân đội Kazakhstan. Các kịch bản khác nhau hiện đang được xem xét, chẳng hạn như quân đội Nga không có khả năng cung cấp sự bảo vệ quân sự cho Kazakhstan và các thành viên khác của CSTO.”
Đối với chuyên gia Levystone, “quan hệ song phương Kazakhstan-Nga chưa bao giờ tồi tệ như hiện tại. Chính phủ ở Noursultan đã bác bỏ ý đồ của Nga về việc sử dụng CSTO ở Ukraine, cho rằng đây là một liên minh phòng thủ chứ không phải lực lượng tấn công ở các chiến trường bên ngoài.
Đối với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), quan điểm cũng rất rõ ràng: Kazakhstan đã chỉ ra rằng họ sẽ không giúp Nga lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Chuyên gia của IFRI nhận xét quốc gia này đang hoàn toàn tách mình khỏi người Nga.
Cuộc chiến do Moskva gây ra tại Ukraine đã gây chấn động mạnh ở Kazakhstan, một quốc gia có chung đường biên giới dài 7.600km với Nga và có một phần lớn dân tộc thiểu số là người Nga (18%), tập trung ở phía Bắc và phía Đông đất nước.
Nhà khoa học chính trị Dimash Aljanov cho biết: “Cuộc chiến ở Ukraine đã làm gia tăng sự chia rẽ trong xã hội Kazakhstan. Quốc gia này hoàn toàn nằm trong không gian thông tin của Nga và xã hội Kazakhstan trực tiếp chịu ảnh hưởng của tuyên truyền chiến tranh. Hiện đang xuất hiện ngày càng nhiều mối quan tâm về khả năng và sự sẵn sàng của chính phủ Kazakhstan trong việc giảm bớt vòng ảnh hưởng này. Tâm lý chống Nga cũng gia tăng đáng kể, trong khi một số lực lượng chính trị và cá nhân đang công khai kêu gọi Kazakhstan rút khỏi EAEU và CSTO.”
Ông Aljanov cũng lưu ý hiện tượng ở miền Nam Uzbekistan, sự chia rẽ giữa những người thân Nga và chống Nga đang ngày càng sâu rộng: “Nga không mất ảnh hưởng chính trị của mình ở đây. Đa số người dân ủng hộ các hành động của Liên bang Nga. Đồng thời, cuộc chiến ở Ukraine được chính phủ cho là nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Đây là thực tế duy nhất khiến người dân ở đây lo lắng.”
Cuộc chiến ở Ukraine đang khiến giá lương thực trong khu vực tăng cao. An ninh lương thực ở Tajikistan, Uzbekistan và đặc biệt là Turkmenistan, vốn đã bị tổn hại do hạn hán kéo dài nhiều năm, quả thực đang xấu đi từng ngày.
Tình trạng càng trở nên tồi tệ khi Nga và Kazakhstan, hai nhà cung cấp ngũ cốc chính ở Trung Á, đã ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu cho đến cuối tháng Tám. Michael Levystone khẳng định “điều này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần của Liên minh kinh tế Á-Âu.”
Sự thiếu tin cậy đối với Nga ở vào thời điểm quan trọng như hiện nay có thể khiến các lãnh đạo Trung Á buộc phải đẩy nhanh việc tìm kiếm các đối tác khác, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Liên minh châu Âu và Mỹ./.